Bão mạnh nhất trong 160 năm "xé rách" phòng tuyến thép của Nga ở Crimea
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định Ukraine có thể chớp thời cơ tấn công Nga ở Crimea trong bối cảnh phòng tuyến trên biển của Moscow chặn xuồng tự sát đã bị siêu bão phá hủy.
Hình ảnh cảng Sevastopol trước và sau cơn bão mạnh nhất 160 năm qua công phá Crimea (Ảnh: Planet Labs).
Theo hình ảnh vệ tinh mà The Drive đăng tải, hệ thống phòng thủ của Nga tại căn cứ hải quân ở Biển Đen đã bị hư hại đáng kể sau một cơn bão đầu tuần này.
Giới quan sát cho rằng, đây có thể là cơ hội để Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bằng xuồng tự sát, trong bối cảnh cơ sở quân sự quan trọng của Nga đang đối mặt với rủi ro lớn vì thiếu lớp bảo vệ thiết yếu.
The Drive công bố ảnh vệ tinh chụp cảng Sevastopol trước và sau trận bão do công ty Planet Labs chụp. Hình ảnh cho thấy các rào chắn trên biển của Nga đã xuất hiện những lỗ hổng lớn.
Sevastopol là nơi Nga đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Các bức ảnh cho thấy các hệ thống phòng thủ trên biển của Nga dường như sơ sài hơn so với đầu tháng, trước khi cơn bão quét qua bán đảo.
Roman Vilfand, cố vấn khoa học của Văn phòng Khí tượng Nga, nói rằng đây là cơn bão mạnh nhất trong 160 năm qua đổ bộ vào khu vực này. Nhà khí tượng học cho biết tốc độ gió đã đạt tới 40m/s (144km/h). Hàng trăm nghìn người đối mặt với cảnh mất điện vì thiên tai.
Bán đảo Crimea cũng ghi nhận các đợt sóng lớn và cao, dẫn tới việc các phòng tuyến trên biển bị hư hại.
Trước đó, các hình ảnh từ hiện trường cho thấy phòng tuyến trên khu vực ven biển ở Crimea cũng bị phá hủy. Đây là những tuyến phòng thủ mà Nga xây nên để ngăn biệt kích đối phương đổ bộ.
Các quan chức Crimea đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi cơn bão quét qua. Ít nhất một người thiệt mạng và lũ lụt cũng đã xảy ra trên khu vực bán đảo.
Hiện chưa rõ Nga sẽ mất thời gian bao lâu để sửa chữa những hàng rào trên bộ và trên biển này.
Sevastopol đã trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine trong thời gian qua bằng UAV và xuồng tự sát, diễn biến dường như khiến Moscow phải di chuyển một số chiến hạm ra khu vực xa hơn.
Basil Germond, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Lancaster của Anh, cho rằng động thái này cho thấy Nga dường như đã mất đi ưu thế tuyệt đối ở Biển Đen.
Vào tháng 9, Ukraine thực hiện cuộc không kích vào trụ sở Hạm đội Biển Đen. Sau đó, Ukraine tiếp tục bắn hỏa lực và làm hỏng một số tàu của Nga. Ukraine cũng huy động xuồng tự sát tấn công Hạm đội Biển Đen hồi đầu tháng và đâm trúng 2 tàu Nga.
Mặt khác, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, chiến dịch tấn công của Ukraine vào các vũ khí, khí tài quân sự của Nga ở Crimea đã làm "làm suy yếu" Hạm đội Biển Đen của Moscow nhưng chưa thể đánh bại được lực lượng này.
Theo ISW, Hạm đội Biển Đen Nga vẫn sở hữu hàng loạt vũ khí có thể tấn công mục tiêu của Ukraine trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột và đây vẫn là một lực lượng hùng mạnh.
ISW lý giải, Hạm đội Biển Đen nghe có vẻ giống như một tập hợp các vũ khí hải quân, tuy nhiên đây lại là đội hình quy mô lớn hơn rất nhiều, kết hợp của nhiều loại thiết bị quân sự như tổ hợp tên lửa đất đối đất, tên lửa bờ, lá chắn phòng không và cả lính thủy đánh bộ.