Báo Hồng Kông: Chu Vĩnh Khang rút lại lời thú tội vì sợ lĩnh án tử
(Dân trí) - Truyền thông Hồng Kông đưa tin thời gian xét xử cựu trùm an ninh "ngã ngựa" Chu Vĩnh Khang đã bị dời sang ngày khác trong bối cảnh xuất hiện tin đồn hổ lớn họ Chu rút lại lời khai nhận tội.
Cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức. (Ảnh: News.cn)
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông hôm nay 11/5 dẫn các nguồn tin hiểu chuyện cho hay phiên tòa xét xử ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - ban đầu được định vào cuối tháng 4, nhưng đến nay vẫn chưa được tổ chức.
Theo một nguồn tin của một quan chức Trung Quốc cấp cao, ông Chu được cho sẽ bị xét xử ở Tòa án Thiên Tân, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 120 km, về hành vi nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia. Theo luật Trung Quốc, tội nhận hối lộ có thể bị phạt án tử hình, trong khi tội làm lộ bí mật quốc gia và lạm quyền có thể bị phạt 7 năm tù.
Hiện chưa có thông tin chính thức về lí do khiến phiên tòa chậm trễ, nhưng có lời đồn cho rằng nhiều khả năng “hổ lớn” này đã rút lại lời khai.
Báo Hồng Kông nhân định lời khai của các quan chức đang bị điều tra thông thường sẽ được sử dụng làm bằng chứng trước tòa. Do vậy, hiện có nhiều nguồn tin cho rằng phiên tòa đã phải hoãn lại do Chu Vĩnh Khang đã rút lại lời thú tội trước đó, khiến hồ sơ vụ án có những thay đổi nhất định.
“Các vụ án liên quan đến quan chức cấp cao thường đi theo trình tự và kế hoạch có sẵn, vì hầu hết họ đều đã nhận tội trước khi xét xử. Việc tự bào chữa hay thay đổi lời khai trước tòa dường như sẽ không mang lại ích lợi gì”, một luật sư nhiều kinh nghiệm trong các vụ án tham nhũng của các quan chức Trung Quốc cho biết.
“Nếu Chu Vĩnh Khang nhận thấy tòa án có thể phán ông ta tội tử hình, thì nhiều khả năng Chu đã rút lại lời khai nhận nhằm đưa thêm thông tin về các quan chức đã được thả tự do”, nhà bình luận chính trị Zhang Lifan nói.
Ông Zhang cho hay Chu Vĩnh Khang dường như thay đổi lời khai để “nếu tôi chết, các người cũng không thể sống bình yên được”.
Một nguồn tin khác cho rằng, từng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Công an và Chủ tịch Ủy ban Chính pháp trung ương, ông Chu đã nắm rõ toàn bộ hệ thống xét xử tội phạm. Nhờ đó, ông sẽ có những phương cách sao cho có lợi nhất cho mình.
Theo SCMP, hồi tháng trước, giáo sư Gu Yongzhong của đại học Khoa học và Luật pháp chính trị Trung Quốc đã được chỉ định là luật sư đại diện cho Chu Vĩnh Khang.
Ngoài ra, tờ SCMP cũng dẫn một nguồn tin cả 2 con trai của ông Chu là Chu Bân và Chu Hàn (người trước đó được cho là đã đến Mỹ ẩn náu) cũng đã bị bắt giữ. Cả hai đều đã chọn luật sư đại diện cho mình dưới sự cho phép của chính quyền. Theo nguồn tin của SCMP, ít nhất một trong hai người đã được gặp luật sư riêng tại Hồ Bắc.
Không chỉ gia đình họ Chu, hơn chục quan chức từng có mối quan hệ thân thiết với Chu Vĩnh Khang đã bị Ủy ban điều tra “sờ gáy”.
Hồi tháng trước, tại tòa án tỉnh Hồ Bắc, một tay chân thân tín của ông Chu là Tưởng Khiết Mẫn, cựu giám đốc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã cúi đầu nhận tội nhận hối lộ, sở hữu tài sản từ nguồn gốc không xác định và lạm dụng vị trí của mình.
Hơn chục ngày sau, ông Lý Xuân Thành, cựu phó bí thư tỉnh Tứ Xuyên - căn cứ quyền lực của gia tộc họ Chu - tiếp tục bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.