“Báo hai hồi chuông để biết tôi còn sống”
Chị Hoàng Thị Tuyết là một trong bốn phụ nữ Việt Nam bị mắc kẹt lại trong các khu vực bị không lực Israel tàn phá tại Libăng. Dưới đây là câu chuyện qua điện thoại với chị Tuyết.
Tình hình chị ở đó thế nào rồi?
Chị Tuyết (giọng run run): Nhà tôi ở cách khu vực thường xuyên bị Israel đánh bom chỉ 1- 2 km. Mỗi khi những cuộc không kích bắt đầu, chúng tôi nghe rõ những tiếng nổ rất lớn như sát ngay bên cạnh. Nhà cửa, mặt đất rung chuyển như có động đất, các cửa va đập mạnh, cửa kính trong nhà còn bị vỡ nát.
Do đó, ban ngày, chỉ khi không nghe thấy tiếng máy bay hay tiếng nổ chúng tôi mới dám chui ra khỏi hầm trú ẩn. Còn ban đêm thì buộc phải ngủ dưới hầm.
Chỗ chị ở cách Beirut bao xa?
Tôi ở nhà chủ tại vùng Chtura nằm sát chân núi, cách trung tâm thủ đô Beirut khoảng một giờ đi xe buýt. Gia đình nhà chủ đã di tản từ lâu, bỏ lại tôi và bốn người làm công khác người Sri Lanka và Philippines.
Chị có tính về nước hoặc di tản khỏi đó không?
Tôi không thể. Chủ nhà đã cầm hết giấy tờ, hộ chiếu cũng như toàn bộ số tiền để dành (khoảng 2.300 USD). Khi các cuộc đánh bom diễn ra được hai, ba ngày, bà chủ nhà quyết định di tản. Chúng tôi đòi đi theo nhưng bà ta nói cứ yên tâm, bà sẽ trở lại sau một ngày. Vậy mà từ đó đến nay đã hơn một tuần vẫn chưa thấy bóng dáng bà ấy đâu.
Giờ chị định làm gì?
Giờ tôi chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Tôi rất muốn lên Beirut an toàn hơn nhưng không thể bởi di chuyển bằng ôtô thì không có tiền, đi bộ thì quá xa, hơn nữa lại rất nguy hiểm. Tôi lại được nhà chủ giao toàn bộ trọng trách bảo vệ tài sản trong ngôi nhà.
Chị đang sống thế nào? Thực phẩm, nước uống, điện đóm ra sao?
Cũng may là trước khi di tản gia chủ đã mua nhiều lương thực tích trữ. Đồng thời điện, nước trong khu vực này cũng chưa bị cắt nên tôi và những người làm trong nhà chưa đến nỗi quá thiếu thốn.
Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với những người Việt khác ở đây. Sau mỗi trận đánh bom chúng tôi nhắn tin, gọi điện cho nhau để xem có ai làm sao không. Mấy ngày trước, chị Lê Thị Xoa, người sống khá gần chỗ tôi, có chuyển đến nhà ở cùng tôi để cả hai có thể đùm bọc lẫn nhau. Trong bốn ngày ở chung, cứ mỗi khi nghe tiếng máy bay là Xoa mặt cắt không còn hạt máu, chân tay bủn rủn. Tôi cũng rất sợ nhưng vẫn cố an ủi Xoa.
Những lúc đó có muốn kêu ai cũng không được. Thôi thì sống chết có số. Tôi vẫn cứ tự động viên bản thân mình và Xoa như vậy. Được bốn ngày Xoa trở về nhà chủ. Hôm qua Xoa đã được nhà chủ chuyển lên Beirut.
Hai hồi chuông mỗi ngày...
Chị sang Libăng được bao lâu rồi? Tại sao chị lại qua đó?
Tôi sang đây đến nay đã được năm năm rồi. Công việc chính của tôi là phục vụ trong gia đình nhà chủ. Đã năm năm qua tôi vẫn chưa một lần có dịp về lại quê hương. Làm gì có nhiều tiền mà về. Chẳng ai muốn bỏ gia đình quê hương đi xa đến vậy đâu. Tôi chỉ muốn kiếm tiền cho con cái ăn học.
Tôi có hai người con, một đang học ĐH ở TPHCM, một đang học sửa chữa tivi ở Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn lắm, do đó kinh tế cả gia đình đều trông chờ vào tôi thôi. Nếu tôi không làm việc thì con cái sẽ phải bỏ học, tội nghiệp lắm. Do vậy tôi vẫn phải gồng mình. Tôi định tết này sẽ về thăm nhà, thăm con cái và nghỉ ngơi khoảng hai tháng, sau đó lại qua Beirut bươn chải. Nhưng giờ thì không biết tương lai sẽ ra sao.
Chị có liên lạc về nhà không?
Gia đình tôi lo lắm. Để người nhà yên tâm, tôi vẫn cố gắng liên lạc về Việt Nam để báo tin hằng ngày. Nhưng không còn tiền bạc, tôi không thể mua thẻ điện thoại để gọi về.
Vậy chị giữ liên lạc với gia đình bằng cách nào?
Hằng ngày, cứ canh đến 10h (giờ Việt Nam) tôi lại gọi về nhà. Nghe tiếng chuông điện thoại reo hai tiếng, người nhà tôi sẽ biết đó là tôi và biết rằng tôi vẫn còn đang bình an. Cứ cách năm ngày tôi mới có thể nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với gia đình chỉ trong một phút mà thôi.
Theo Hiếu Trung
Tuổi trẻ