Báo chí nước ngoài đánh giá thành công của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ
Diễn ra trong 2 ngày 15 và 16- 2 (theo giờ Hoa Kỳ), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ đã quy tụ được các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị, trong đó đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và an ninh hàng hải.
Phát biểu trước báo giới, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho hay, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này diễn ra theo hình thức thân mật. Đây là cơ hội để lãnh đạo 10 nước ASEAN và Hoa Kỳ trao đổi cởi mở về chương trình hợp tác sâu rộng trên nhiều vấn đề quan trọng như thúc đẩy hợp tác kinh tế, chống khủng bố và đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Đồng thời, ông Daniel Russel cũng nhấn mạnh rằng, việc Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị tại Sunnylands được xem như sự khẳng định mạnh mẽ về sự coi trọng của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong mối quan hệ với ASEAN, coi ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chiến lược tái cân bằng hướng tới châu Á - Thái Bình Dương.
Hãng Reuters thì cho hay, các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ đã bắt đầu chương trình nghị sự kéo dài hai ngày từ 15h ngày 15-2 (theo giờ Hoa Kỳ) với chủ đề chính là các vấn đề TPP và Biển Đông. Ngoài ra, trong chương trình làm việc, Hội nghị cũng bàn thảo đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các nhà phân tích thì đánh giá, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã rất khéo léo khi khẳng định việc Hoa Kỳ và ASEAN cần thúc đẩy tầm nhìn chung về trật tự khu vực trong đó có an ninh hàng hải ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị.
Chưa hết, ông Barack Obama còn vào đề một cách khá chân thành khi nhắc đến quyết định về tái cân bằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như việc ông là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên hội kiến với tất cả các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia ASEAN.
Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, ông đã 7 lần đến thăm ASEAN (nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Hoa Kỳ nào khác) và đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Hoa Kỳ và khu vực này. Vì thế, để tiếp tục phát huy đà hợp tác đó, ông Barack Obama cho rằng, Hoa Kỳ và ASEAN có thể tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác an ninh để đối phó với các thách thức chung.
Tổng thống Mỹ nói: “Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các nước đồng minh và đối tác trong khu vực, cải thiện năng lực chung để bảo vệ thương mại hợp pháp và đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tại hội nghị lần này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về một trật tự khu vực nơi luật pháp và thông lệ quốc tế, bao gồm tự do hàng hải được tôn trọng và nơi các cuộc tranh chấp được giải quyết thông qua những biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Hãng Reuters bình luận, trong bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ có thể dễ dàng thấy ông Barack Obama đang ám chỉ đến vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Trong khi đó, hãng AP dẫn một nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay, trong ngày 16-2, các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo về vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ đang kỳ vọng sau hội nghị này sẽ cùng với các quốc gia thành viên ASEAN tạo thành một mặt trận liên kết để gia tăng áp lực lên Trung Quốc và ngăn chặn hành động đơn phương của nước này trong việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Hãng AP còn cho biết thêm rằng, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông trong đó nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ-ASEAN đối với tự do thương mại và xây dựng "những nền dân chủ mạnh mẽ hơn, nền quản trị tốt, thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do căn bản, thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa”. Ngoài ra, Hoa Kỳ-ASEAN cũng sẽ đồng thuận ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế dù phán quyết cuối cùng của tòa ra sao. Động thái trên cũng sẽ góp phần gia tăng áp lực lên Trung Quốc, vốn từ chối công nhận phiên tòa này.
Chuyên gia Earnest Bower đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ (CSIS) nhận định: “Hoa Kỳ và ASEAN hy vọng rằng không phải ngay lập tức mà phải qua thời gian Trung Quốc sẽ nhìn nhận ra là nước này không muốn bị cô lập và bị xa lánh chỉ vì không tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Được biết, trong lúc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ đang diễn ra thì Phó đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cũng đưa ra cảnh báo về những động thái của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt sau hồi tháng 1, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố hoàn tất chuyến bay dân sự thử nghiệm tới đường băng xây trái phép ở đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Joseph Aucoin đã cảnh báo, các chuyến bay của chiến đấu cơ Trung Quốc từ đó sẽ gây bất ổn trong khu vực và sẽ buộc Mỹ phải hành động.
Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông
Tại phiên thảo luận mở về chủ đề “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” hôm 15-2, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiến chương LHQ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người; phát huy tốt hơn vai trò của LHQ trong hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp và ngăn ngừa xung đột; Hội đồng Bảo an cần ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình theo Điều 33 của Hiến chương, tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, thực hiện tốt vai trò trung gian hòa giải, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Anh Tuấn
Theo Huyền Chi
Công an Nhân dân