1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Anh viết về cuộc sống của giới thượng lưu Hà Thành

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của giới siêu giàu ở Việt Nam đồng nghĩa với việc các dự án phát triển nhiều tỷ USD mọc lên quanh thủ đô Hà Nội với môi trường sinh sống được thiết kế đặc biệt và hệ thống bảo vệ 24/24.

 


Khu đô thị Ciputra (Ảnh: Bloomberg)

Khu đô thị Ciputra (Ảnh: Bloomberg)

Theo tờ The Guardian, khu đô thị Ciputra nằm ở phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội rộng 300 hécta, có những căn biệt thự sang trọng, trường học tư nhân, một câu lạc bộ golf. Được bao quanh bởi những bức tường bê tông dày và luôn có bảo vệ ở các cổng ra vào, khu đô thị Ciputra được báo The Guardian đánh giá là vùng đất để phô trương sự giàu có - thiên đường cho người nước ngoài và giới thượng lưu ở thủ đô Hà Nội. Đi qua những cánh cổng, những con đường đầy ắp các loại xe sang đỗ hai bên cùng với các cây cọ dừa và những bức tượng khổng lồ của các vị thần Hy Lạp.

Phía bên kia thành phố, một khu đô thị khác trị giá 8 tỷ USD cũng đang được hoàn thiện. Đó là khu đô thị Ecopark nằm ở phía Đông thủ đô Hà Nội. Dự kiến được hoàn thành vào năm 2020, khu đô thị Ecopark hứa hẹn sẽ mang tới cho cư dân sinh sống những công trình tiện nghi như một trường đại học tư nhân, các khu phố cổ được phục dựng lại cùng với sân golf 18 lỗ.

Những cộng đồng dân cư sinh sống "trong những cánh cổng" từ các "khu đô thị mới" do tư nhân xây dựng và quản lý như Ciputra hay Ecopark đã nhanh chóng phát triển khắp Đông Nam Á trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, quá trình này cũng cho thấy "khoảng cách" giữa giàu nghèo đang dần bị nới rộng.

"Phía bên này chỉ có người bình thường. Bên kia tường, họ là những người giàu có", bà Mien, 59 tuổi, người có một cửa hàng nhỏ bán nước chè, thuốc lá và các loại nước giải khát khác nói.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn chỉ hơn 20% trong 20 năm qua. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là nước có "thu nhập trung bình". Khi kinh tế Việt Nam phát triển theo định thị trường, số lượng người giàu có tăng mạnh. Theo một đánh giá, số người siêu giàu, với lượng tài sản hơn 30 triệu USD, đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua.

Trong khi khoảng cách giàu nghèo có thể nhìn thấy rõ nhất giữa các vùng nông thôn và khu vực thượng lưu thành thị, thì điểm đáng chú ý nhất trong các thành phố lớn ở Việt Nam chính là việc người giàu và người nghèo sống cạnh nhau. Có thể dễ nhận thấy đó là hình ảnh xe đạp đi bên cạnh những chiếc xe hạng sang của Mercedes hay Range Rovers, hoặc đó là những bức tường cao lớn phân chia các khu bất động sản cao cấp với các làng nghề, trang trại hay những ngôi nhà một gian, cũng như số lượng ngày càng tăng của các quán trà đá vỉa hè và xưởng sản xuất nhỏ.

Khoảng cách giàu nghèo

Hà Nội là một thành phố cổ. Năm 2010, thủ đô của Việt Nam đã kỷ niệm 1.000 năm tuổi. Kế hoạch giãn dân ở khu vực phố cổ nhiều tham vọng nếu được triển khai vào năm 2020 sẽ đưa hàng nghìn người ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, ở vùng ngoại ô, các khu nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng và những dự án phát triển tổng thể khổng lồ đang chiếm hết các cánh đồng lúa và thửa ruộng hoa màu. Khắp thành phố, những khu tập thể cũ đang bị phá dỡ và thay thế bằng những tổ hợp chung cư tư nhân.


Các phương tiện lưu thông trên đường phố Hà Nội (Ảnh: EPA)

Các phương tiện lưu thông trên đường phố Hà Nội (Ảnh: EPA)

Bà Lisa Drummond, giáo sư giảng dạy về đô thị ở Đại học York ở Toronto, đã nghiên cứu về Hà Nội trong hàng chục năm qua. Bà cho rằng "vực thẳm đã bắt đầu mở ra" giữa người giàu và người nghèo ở thủ đô.

"Rời khỏi những bộn bề hàng ngày, một nhóm người tiến vào các khu đô thị sau những bức tường. Tại đó, họ có cơ sở riêng của mình trong một không gian đồng nhất về kinh tế. Dĩ nhiên, chỉ có tiền mới giúp họ mua được vé để vào không gian đó", bà Lisa Drummond nhận xét.

Sau những bức tường bao quanh khu đô thị Ciputra, những biệt thự được xây dựng với mức giá cho thuê lên tới khoảng 4.000 USD mỗi tháng. Không gian bên trong của khu đô thị này là một tổ hợp của các kiến trúc phục hưng Hy Lạp và các tiện nghi như sân tennis, thẩm mỹ viện hay bưu điện. Năm 2004, trường Quốc tế của Liên Hợp Quốc cũng đã chuyển về đây. Sau đó, hai trường học tư nhân và một nhà trẻ tư nhân cũng tới. Theo kế hoạch, một trung tâm mua sắm khổng lồ và một bệnh viện tư nhân sẽ được xây ở khu đô thị Ciputra.

Được xây dựng từ đầu những năm 2000 với sức chứa lên tới 50.000 người, khu đô thị Ciputra là khu đô thị kiểu mới đầu tiên của Hà Nội, và cũng là dự án nước ngoài đầu tiên của Ciputra Group, một tập đoàn Indonesia đặt theo tên người sáng lập tỷ phú chuyên đầu tư bất động sản. Được thiết kế để đáp ứng gần như toàn bộ dịch vụ cho cư dân bên trong, Ciputra Group tin rằng khu đô thị nằm ở phía Tây của thủ đô Hà Nội "là nơi lý tưởng để sinh sống, kinh doanh, mua sắm, giải trí và thư giãn ở ngay tại một địa điểm sang trọng".

Bà Danielle Labbé, giáo sư về quy hoạch đô thị ở Đại học Montreal, đã theo dõi quá trình bùng nổ của kế hoạch về "những khu đô thị mới" tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Bà ước tính có khoảng 35 dự án đã được hoàn thiện ở Hà Nội, trong khi có tới 200 dự án khác đang được triển khai. Giáo sư này cũng cho rằng không phải tất cả các dự án phát triển, như nhà ở, cơ sở hạ tầng hay dịch vụ tiện ích được xây dựng cùng lúc, đều hướng tới "cuộc sống phía sau những cánh cổng to lớn" và không phải dự án nào cũng quy mô như Ciputra hay Ecopark. Tuy nhiên, tất cả các dự án này đều chia sẻ một mục tiêu trên thị trường bất động sản. Đó là những người giàu có.

"Sự thực là những dự án, các khu đô thị hay môi trường sống được tạo ra đều vượt quá tầm với của đa số người dân, trong khi nhu cầu nhà ở cho người thu nhập trung bình ngày càng tăng ở Việt Nam lại không được đáp ứng", bà Labbé nhận định.

Ngọc Anh

Theo Guardian