1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bán rẻ" sự an toàn để đánh đổi phát triển kinh tế

Chỉ trong vòng 15 năm, từ một nước chuyên nhập khẩu hóa chất, Trung Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu lớn loại hàng này.

Để đạt được tốc độ phát triển “đáng nể” trong ngành công nghiệp hóa chất, nhiều nhà sản xuất tìm cách giảm chi phí liên quan tới an toàn lao động nhằm tăng tỷ suất lợi nhuận. Thậm chí, nhiều nhà máy còn sản xuất trước khi được cấp phép. Các vụ nổ tại thành phố cảng Thiên Tân vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “bán rẻ” sự an toàn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh đang diễn ra ở đất nước 1,3 tỷ dân này.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, các ông chủ có quan hệ rộng của kho chứa hóa chất bị cháy nổ ở Thiên Tân đã móc nối với giới chức để có giấy phép an toàn. Hai cổ đông lớn của Công ty Kho vận Quốc tế Thụy Hải, Công ty sở hữu nhà kho Thiên Tân, nơi xảy ra vụ nổ, ông Vu Học Vĩ và ông Đổng Xã Hiên, cựu Giám đốc Sinochem, thừa nhận đã lợi dụng quan hệ cá nhân với giới chức địa phương để có được “các chứng nhận an toàn về cháy nổ và môi trường”.

"Bán rẻ" sự an toàn để đánh đổi phát triển kinh tế - 1

Kho chứa hoá chất tại Thiên Tân không tuân thủ quy định của Cục Quản lý Nhà nước về an toàn lao động.

Ông Đổng Xã Hiên cho biết: “Tôi có quan hệ riêng với các cơ quan công an và cứu hỏa. Khi cần chứng nhận kiểm tra an toàn phòng cháy, tôi đến gặp giới chức cơ quan phòng cháy ở cảng Thiên Tân, đưa hồ sơ và họ cấp chứng nhận an toàn cho tôi”. Hai ông này cũng tìm cách che giấu việc họ làm chủ công ty bằng cách để bạn bè và người thân đứng trong danh sách cổ đông.

Về phía giới chức địa phương, họ thừa nhận không biết có những hóa chất nguy hiểm trong kho hàng bởi người quản lý không cung cấp đầy đủ thông tin. Rõ ràng, đây là một lỗ hổng trong quản lý của chính quyền địa phương.

Cục Bảo vệ Môi trường Thiên Tân hôm 19/8 xác nhận hàm lượng chất cyanide có trong nguồn nước tại khu vực xảy ra vụ nổ cao gấp 277 lần mức an toàn cho phép, mặc dù trước đó nguồn nước của Thiên Tân được thông báo là an toàn. Ông Bao Cảnh Lĩnh, kỹ sư trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Thiên Tân khẳng định: “Hàm lượng cyanide đã được phát hiện tại 29 địa điểm đo lường, trong đó có 8 địa điểm vượt quá mức tiêu chuẩn, có nơi vượt tới 28,4 lần”.

Trước đó, ông Hà Thụ Sơn, Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân cho biết, nhà kho phát nổ hôm 12/8 chứa khoảng 40 chất, gồm khoảng 1.300 tấn hợp chất oxide, chủ yếu là kali nitrat (KNO3) và amoni nitrat. Ngoài ra còn có 500 tấn vật liệu dễ cháy, gồm natri và magiê, cùng 700 tấn chất độc hóa học nồng độ cao, chủ yếu là natri cyanide (NaCN) - con số cao gấp 70 lần số lượng chất hóa học mà nhà kho này được phép cất trữ. NaCN là một hợp chất hóa học cực độc mà người ta dùng để chiết xuất kim loại quý trong ngành công nghiệp khai thác mỏ.

Chuyên gia tư vấn rủi ro của Hãng tin CNN David Legget cho biết: “NaCN là một chất cực độc. Chỉ một lượng nhỏ, khoảng một phần tư muỗng cà phê, cũng có thể giết một người khoẻ mạnh. Nhưng điều nguy hiểm hơn là có thể tạo thành axit prussic (HCN). Vì vậy, làm sạch hiện trường là việc rất khó khăn”. Bên cạnh đó, NaCN còn có thể biến thành khí gây cháy nếu tiếp xúc với nước. Do đó, hiện đang có nghi vấn về việc liệu chính các lính cứu hỏa đã gây ra vụ nổ lớn khi họ cố gắng dập lửa tại nhà kho cảng Thiên Tân. Người ta cũng lo ngại bất kỳ cơn mưa vào lúc này cũng có thể tạo ra khí độc hại trong không khí.

Trước đây không lâu, hồi tháng 4, vụ nổ ở một nhà máy hoá học chuyên sản xuất paraxylene (PX) tại thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến khiến người dân địa phương lo ngại nguồn nước của thành phố nhiễm độc. Đây là vụ nổ thứ hai diễn ra tại cùng một địa điểm trong vòng hai năm. Sự xuất hiện của PX gần khu vực dân cư khiến người dân phẫn nộ. Họ biểu tình để yêu cầu chính quyền đóng cửa nhà máy. PX là chất mà các công ty sử dụng để sản xuất chai nhựa và quần áo sợi polyester. Nó rất dễ cháy và tác động tới hệ thần kinh trung ương của con người khi tiếp xúc.  Hồi năm 2013, hơn 100 công nhân thiệt mạng khi một đám cháy lớn bùng lên từ phân xưởng chế biến thịt gia cầm ở khu Đức Huệ, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.

Thực tế cho thấy, vụ nổ ở Thiên Tân và hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng khác trong thời gian gần đây đã bộc lộ những vấn đề về an toàn lao động ở Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2014, theo số liệu của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), đã có 68.061 người thiệt mạng vì tai nạn lao động tại Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng số các vụ tử vong cùng nguyên nhân trên toàn cầu. Như vậy, trung bình mỗi ngày, khoảng 186 người chết do tai nạn nghề nghiệp tại đất nước 1,3 tỷ dân.

Cục Quản lý Nhà nước về An toàn lao động của Trung Quốc đã quy định rất rõ rằng, các nhà máy có diện tích trên 550m2 và lưu trữ hoá chất nguy hiểm phải ở cách khu vực công cộng tối thiểu 1km. Tuy nhiên, kho chứa hoá chất tại Thiên Tân không tuân thủ quy định này. Hiện tại, người dân địa phương thắc mắc tại sao sau một loạt vụ nổ lớn gây thiệt hại nặng nề, chính quyền không thực thi những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Pujari, Giám đốc cấp cao của Công ty Hoá chất IHS, cho hay, Bắc Kinh cần cải thiện 3 khía cạnh: Ban hành quy định, thực hiện các quy định và đào tạo tất cả những người lao động làm việc với hoá chất nguy hiểm. Ông Pujari nhận định: “Ép tất cả các doanh nghiệp tuân theo quy chuẩn của những quy định mới là việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở kho hoá chất tại Thiên Tân có thể buộc ngành công nghiệp và chính phủ đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo”.

Bên cạnh đó là việc thiếu minh bạch trong việc tường thuật các số liệu cũng như việc giải quyết các chất độc hại trong vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân của chính quyền Bắc Kinh.

Những con số biết nói

Các vụ nổ tại Thiên Tân tính tới ngày 20/8 đã cướp đi sinh mạng của 114 người, làm 667 người bị thương, hiện đang tiếp tục được điều trị trong bệnh viện và 64 người vẫn trong tình trạng mất tích.

Bên cạnh đó, tổng cộng 170 doanh nghiệp và hơn 30.000 người dân bị ảnh hưởng bởi sự kiện này, hơn 3.000 phương tiện giao thông cất giữ trong nhà kho của bến cảng bị thiêu rụi. Theo ước tính của các chuyên gia, tổng giá trị tài sản có khả năng bị ảnh hưởng lên tới 420 triệu USD.

Ngoài ra, chi phí bồi thường sau vụ nổ có thể vượt mức 1 - 1,5 tỷ USD. Vụ nổ cũng làm gián đoạn hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an Nhân dân

"Bán rẻ" sự an toàn để đánh đổi phát triển kinh tế - 2