1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt

Bán đảo Triều Tiên thời gian này đang nóng lên sau sự kiện vào ngày 7-2 CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo.

Tuy giới lãnh đạo Bình Nhưỡng tuyên bố rằng, chương trình phóng tên lửa tầm xa lần này là nhằm mục đích phát triển các dự án nghiên cứu khoa học nhưng rất nhiều cường quốc, trong đó có cả Mỹ, Nga, Trung Quốc nghi ngờ vụ phóng là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang chuẩn bị ra nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc báo động đỏ, Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân đến bảo vệ đồng minh…Những động thái đó đang làm sôi sục cục diện an ninh vùng Đông Bắc Á.

Những động thái "ăn miếng trả miếng"

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa có hình dáng giống tên lửa Unha-3 mà CHDCND Triều Tiên phóng vào tháng 12-2012. Trước đó, Bình Nhưỡng đã thông báo với các tổ chức quốc tế về kế hoạch phóng một vệ tinh quan sát Trái đất trong thời gian từ ngày 8-2 đến 25-2-2016, nhưng cuối cùng họ lại tiến hành phóng tên lửa trước thời hạn này. Vệ tinh Triều Tiên đưa lên quỹ đạo năm 2012 nặng khoảng 100 kg, nhẹ hơn Kwangmyongsong-4.

Ngay sau khi phóng tên lửa, CHDCND Triều Tiên tuyên bố vụ phóng này sẽ đưa một vệ tinh quan sát Trái đất lên quỹ đạo nhưng nhiều nhà quan sát thế giới cho rằng, đây là cách ngụy trang cho việc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa tầm xa được phóng lên lần này có tầm bắn 12.000 km, có thể chở theo vật thể nặng 250 kg, quan chức trên cho biết thêm.

Ngay sau thông tin CHDCND Triều Tiên vừa phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên án mạnh mẽ, xem đây là một hành động "đáng trách". Trong tuyên bố của mình, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ mối lo ngại về vụ phóng tên lửa và nhấn mạnh việc này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Ban Ki-moon kêu gọi CHDCND Triều Tiên "dừng ngay các hành động khiêu khích đe dọa sự ổn định an ninh trong khu vực".

Hình ảnh vụ phóng tên lửa UNHA-3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong vào quỹ đạo.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa UNHA-3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong vào quỹ đạo.

Người phát ngôn Hội đồng Bảo an (SC) cho rằng, động thái trên của Triều Tiên là một nỗ lực nhằm phát triển tên lửa đạn đạo, nó vi phạm 4 nghị quyết từ năm 2006. "Các thành viên của SC lên án mạnh mẽ vụ phóng này", Reuters dẫn lời Đại sứ Venezuela Rafael Dario Ramirez Carreno, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng. Ông nói rằng vụ phóng là "một sự vi phạm nghiêm trọng" các nghị quyết của SC. Đại sứ Mỹ Samantha Power cũng cho hay nước này sẽ đảm bảo việc SC đưa ra các biện pháp mạnh tay với CHDCND Triều Tiên.

"Sự vi phạm mới nhất của Triều Tiên đòi hỏi chúng tôi phải phản ứng cứng rắn hơn", bà nói. HĐBA LHQ, trong phiên họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản, ra tuyên bố nêu rõ ý định siết chặt biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhưng không công bố cách thức và thời gian thực hiện.

Theo các nhà ngoại giao, một dự thảo nghị quyết đang được thảo luận. Mấu chốt là Trung Quốc, thành viên HĐBA sẽ chọn "thắt chặt" hay "tăng cường thêm" biện pháp trừng phạt. Vài giờ sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ bày tỏ "lấy làm tiếc" và khuyến cáo các bên nên hành động bình tĩnh và thận trọng.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii cho hay "đã phát hiện và theo dõi những gì mà chúng tôi đánh giá là một tên lửa Triều Tiên và hiện nó không gây ra mối đe dọa nào cho Mỹ hay các nước đồng minh". Nên biết, khoảng cách từ Triều Tiên đến Bờ Tây của Mỹ là hơn 9.300 km, trong khi ước tính tầm phóng của tên lửa trên là hơn 5.400 km.

Để đáp trả Seoul, Bình Nhưỡng yêu cầu tất cả người Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp chung.
Để đáp trả Seoul, Bình Nhưỡng yêu cầu tất cả người Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp chung.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 9-2 vẫn điện đàm cho hai người đồng cấp của Hàn Quốc và Nhật Bản để tái khẳng định cam kết của Washington trong vấn đề an ninh và phòng thủ đối với hai đồng minh trước "mối đe dọa từ Triều Tiên".

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay tên lửa Triều Tiên đã tách thành 5 phần trước khi bay qua chuỗi đảo tây nam của nước này. Phần cuối cùng rơi xuống tây Thái Bình Dương, cách đảo Okinawa gần 2.000 km về phía nam. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án hành động này là "không thể dung thứ" và đề nghị HĐBA LHQ họp khẩn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10-2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, các lệnh cấm vận mới bao gồm tăng cường hạn chế đi lại giữa hai nước, cấm hoàn toàn các tàu của CHDCND Triều Tiên đến cảng của Nhật Bản…

Ông Suga khẳng định: Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các biện pháp trừng phạt tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia do Thủ tướng Shinzo Abe triệu tập. Hồi giữa năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng một số cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên để đổi lại việc Bình Nhưỡng chịu mở cuộc điều tra về số phận các công dân Nhật Bản bị mất tích. Từ đó đến nay, kết quả điều tra đạt được rất ít.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động khiêu khích không thể tha thứ" và kêu gọi HĐBA LHQ nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn. Mặt khác, bà lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia để bàn luận các phương cách đối phó. Một quan chức cao cấp giấu tên của Chính phủ Seoul tiết lộ, họ đang thảo luận với Washington về việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa mới trên bán đảo Triều Tiên.

Xe cộ trở về Hàn Quốc từ khu công nghiệp Kaesong.
Xe cộ trở về Hàn Quốc từ khu công nghiệp Kaesong.

Theo các hãng tin độc lập Hàn Quốc, tàu ngầm tấn công của Mỹ USS North Carolina dự kiến sẽ cập cảng Hàn Quốc trong tuần tới. "Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ đang trên đường tới Hàn Quốc", Yonhap hôm 11-2 dẫn tin từ một quan chức quân sự giấu tên cho biết. Chiếc tàu này có khả năng mang theo tên lửa Tomahawk và ngư lôi Mark 48. Tàu có vận tốc 46 km/giờ.

Mỹ cũng sẽ điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C. Stennis tham gia cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc trong tháng tới. Các kế hoạch này nằm trong nỗ lực nhằm ngăn chặn CHDCND Triều Tiên có những "hành động khiêu khích khác" sau khi phóng tên lửa tầm xa hôm 7-2.

Giới chức quân sự Mỹ được cho là đang xem xét điều một máy bay chiến đấu tới Hàn Quốc, có thể là máy bay ném bom tàng hình B-2 hoặc chiến đấu cơ tàng hình F-22. Trước đó, trong tháng 1 Mỹ đã điều máy bay ném bom B-52 đến Hàn Quốc, thể hiện hợp tác quân sự với Seoul.

Các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 11-2 đã nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp nỗ lực an ninh để đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ CHDCND Triều Tiên.

Trên bình diện kinh tế, Hàn Quốc cũng là phía chủ động đưa ra hình thức trừng phạt cụ thể: Các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên Khu công nghiệp phức hợp Kaesong được lệnh phải ngừng hoạt động. Khu công nghiệp này nằm ở phía lãnh thổ CHDCNDTriều Tiên, cách đường biên giới quân sự vài kilômét, đi vào hoạt động từ năm 2005. Đây là lĩnh vực hợp tác cuối cùng giữa Hàn Quốc - Triều Tiên sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên năm 2000, được mở ra trong giai đoạn quan hệ chính trị và thương mại hai nước có biểu hiện nồng ấm.

Hàn Quốc có 124 công ty hoạt động tại Kaesong, hầu hết là các công ty vừa và nhỏ. Các công ty này đem lại việc làm cho gần 55.000 công nhân Triều Tiên, tính đến tháng 8-2015.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Hong Yong-pyo, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 10-2 nói rằng, giới chức Hàn Quốc nghi ngờ Triều Tiên dùng lợi nhuận từ Kaesong để cải tiến các vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa tầm xa. Khu công nghiệp này tạo ra 132 tỷ won, tương đương 110 triệu USD lương và phí thu về cho Triều Tiên trong năm 2015, theo ông Hong. Do đó việc ngưng hoạt động ở khu công nghiệp này là nhằm ngăn chặn mục đích đó.

"Chúng tôi không thể phá hủy các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bằng cách duy trì những phản ứng từ trước đến nay", ông Hong nói. Việc ngưng hoạt động tại Kaesong được xem như là động thái chấm dứt mối tương tác thường xuyên duy nhất giữa hai miền.

Bình Nhưỡng ngày 11-2 lên án hành động này là tuyên bố "chiến tranh". Và để đáp trả Seoul, Bình Nhưỡng yêu cầu tất cả người Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp chung và có thể tịch thu tài sản của họ. Ủy ban Hòa bình Tái thống nhất Triều Tiên (CPRK) thông báo ngoài việc đóng cửa khu công nghiệp liên Triều, Kaesong từ đây còn được coi là "khu vực quân sự" - AFP dẫn lại tin từ Hãng hãng thông tấn CHDCND Triều Tiên KCNA.

"Các lực lượng của Hàn Quốc phải tự trả cái giá khắc nghiệt và đau đớn khi dừng hoạt động ở Khu công nghiệp Kaesong", thông báo của CPRK cho biết. Theo đó, tất cả các công dân Hàn Quốc phải rời đi từ lúc 17giờ ngày 11-2 theo giờ địa phương, không được mang theo gì ngoài vật dụng cá nhân. Các đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc và kênh liên lạc chính qua làng đình chiến Panmunjom cũng bị cắt, ngay khi việc trục xuất được hoàn tất. Thông báo được đăng tải trên KCNA chỉ 30 phút trước hạn chót.

Trung Quốc không thể "nhất bên trọng, nhất bên khinh"

Bất chấp sự thất vọng về những động thái cứng rắn của nước láng giềng - đồng minh và mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt với Kim Jong-un, thể hiện qua việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, Trung Quốc có khả năng vẫn sẽ tiếp tục kiên nhẫn với hành động của ông Kim, theo Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Renmin.

Theo ông Shi, Trung Quốc đã phản đối các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm cắt giảm lượng dầu Trung Quốc xuất khẩu sang CHDCND Triều Tiên và dừng nhập khẩu tài nguyên khoáng sản. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ ủng hộ biện pháp trừng phạt hạn chế chuyển giao và mua trang thiết bị quân sự cùng những mặt hàng khác hỗ trợ chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên.

"Quan trọng nhất, Trung Quốc lo sợ áp dụng biện pháp trừng phạt nặng sẽ biến Triều Tiên thành quốc gia thù địch có thể “chống lại Bắc Kinh", ông Shi nói. Thậm chí, Trung Quốc dường như sẵn sàng mạo hiểm mối quan hệ mới chớm nở với Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, qua việc tỏ ra kiên nhẫn trước "hành vi khiêu khích" của Triều Tiên.

Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ sắp đến Hàn Quốc. Ảnh: Pinterest.
Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ sắp đến Hàn Quốc. Ảnh: Pinterest.

Vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu thảo luận chính thức với Mỹ về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD). Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống này và cho rằng đây là công cụ để Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Thiếu tướng Kim Yong-hyun, phụ trách các hoạt động ở Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc, cho biết Seoul và Washington đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận mùa xuân chung hàng năm trong năm nay với tên gọi "Giải pháp Then chốt" và "Đại bàng Non" lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ triển khai thêm các loa tuyên truyền công suất lớn dọc biên giới với CHDCND Triều Tiên và kéo dài hơn thời gian phát thanh.

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc xích lại gần hơn với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp kiềm chế các kế hoạch hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 1, Hàn Quốc đã thay đổi quan điểm khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên, từ chối các yêu cầu từ Hàn Quốc và Mỹ rằng nước này cần cắt giảm xuất khẩu dầu và hàng hóa khác để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân.

Vụ phóng tên lửa hôm 7-2 cho thấy để duy trì quan hệ tốt với cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên là một việc vô cùng khó khăn với Trung Quốc.

Theo Đinh Linh (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm