1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự khác biệt giữa IS và Al - Qaeda (Kỳ 1):

Bản chất của IS

Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ra lời hiệu triệu các nước tham gia vào cái gọi là “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu”, thế giới đã trải qua nhiều thăng trầm liên quan tới khủng bố. Và sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong những năm gần đây đang khiến cho cuộc chiến chống khủng bố ngày càng trở nên rối ren. Vậy tại sao chiến lược chống khủng bố của Mỹ và phương Tây hiện nay lại không hiệu quả với IS?

Sau vụ 11/9, rất nhiều nhân vật trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ lo lắng rằng sau hàng thập kỷ chuẩn bị để đối đầu với những kẻ thù truyền thống, Washington đã không sẵn sàng để đối phó với những thách thức phi truyền thống đến từ các đối thủ như Al - Qeada. Một thập kỷ tiếp sau sự kiện này, Mỹ đã định hình một chiến lược toàn cầu, toàn diện để chống lại Al - Qeada: Thay đổi cơ cấu an ninh, tình báo, quân sự và các cơ quan thực thi pháp luật để đảm đương được nhiệm vụ chống chủ nghĩa khủng bố và chống nổi loạn.

Tuy nhiên, hiện nay, một nhóm khủng bố khác - IS, đã thế chân Al - Qeada trở thành mối đe dọa lớn nhất với an ninh và trật tự thế giới. Mặc dù hệ tư tưởng, giáo lý và các mục tiêu dài hạn của hai tổ chức khủng bố này tương tự nhau, chúng ban đầu cũng xuất thân từ cùng một nguồn gốc, nhưng lại có nhiều điểm khác nhau nên không thể áp dụng chiến lược chống khủng bố giống nhau. Giới chuyên gia khuyến cáo Mỹ và phương Tây cần điều chỉnh lại chiến lược chống khủng bố của mình.

Bản chất của IS - 1

IS là bước phát triển tiếp theo của Al - Qeada.

Đơn giản vì IS không phải là Al - Qeada. Tổ chức này không phải là một nhánh hay một phần của tổ chức Hồi giáo cực đoan đã già nua như Al - Qeada. Mặc dù, Al - Qeada vẫn rất nguy hiểm, nhất là các chi nhánh của chúng ở Bắc Phi và Yemen nhưng IS mới chính là tương lai của chủ nghĩa khủng bố. Chúng là mối đe dọa thánh chiến Hồi giáo “hậu - Al - Qeada”.

IS là một tổ chức có tới 30.000 tay súng, có các thánh địa ở Syria và Iraq. Chúng sở hữu năng lực tác chiến quân sự đáng sợ, kiểm soát được các đường liên lạc, cơ sở hạ tầng chỉ huy, điều khiển, tự chủ được nguồn tài chính và có thể tiến hành các chiến dịch quân sự phức tạp. Đó thực ra là một nhà nước với một quân đội thông thường. Đó là lý do tại sao các chiến lược chống khủng bố và chống nổi dậy mà Mỹ và phương Tây từng áp dụng với Al - Qeada không phát huy hiệu quả với IS.

Tới nay, Mỹ thích nghi chậm chạp với những thay đổi về chiến thuật của IS ở Syria và Iraq. Chẳng hạn, tại Syria, chiến thuật của Mỹ vẫn ưu tiên oanh kích các chi nhánh của Al - Qeada. Còn ở Iraq, Washington tiếp tục duy trì chiến lược chống nổi dậy, qua việc dựa vào chính quyền Trung ương Baghdad để giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, giành lại các vùng đất bị mất. Mỹ còn xây dựng các lực lượng địa phương để đối đầu với IS. Các chiến thuật này đã không phát huy tác dụng và thậm chí còn bị bất ngờ trước các bước phát triển mới của IS.

Do vậy, điều cần thiết hiện nay là phải thực thi một “chiến lược ngăn chặn chủ động”. Đó là sự kết hợp của các chiến thuật quân sự hạn chế và một chiến lược ngoại giao rộng rãi để ngăn chặn sự bành trướng của IS, cô lập chúng và tiêu hủy các năng lực quân sự, tài chính... của nhóm này.

Trong lịch sử phát triển của chúng, hai tổ chức này từng có chung nguồn gốc. Al - Qeada ra đời sau cuộc chiến tranh Afghanistan năm 1979, khi Liên Xô đưa quân vào quốc gia Trung Á này. IS cũng là sản phẩm của một cuộc chiến tranh. Đó là khi Mỹ phát động cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Ban đầu, tổ chức này chỉ gồm một số nhóm người Hồi giáo Sunni cực đoan chống lại Mỹ và tấn công thường dân theo dòng Hồi giáo Shiite nhằm kích động một cuộc chiến tranh giáo phái. Lúc đó, tổ chức này có tên gọi Al - Qeada tại Iraq (AQI), và thủ lĩnh nhóm này là Abu Musab al - Zarqawi tuyên bố trung thành với Bin Laden. Năm 2006, Zarqawi chết trong một cuộc không kích của Mỹ và ngay sau đó, AQI gần như bị quét sạch khi các bộ lạc người Sunni về phe Mỹ đối đầu với các phần tử thánh chiến.

Nhưng đó chỉ là thất bại tạm thời, AQI đã hồi sinh trở lại chính bên trong các nhà tù do Mỹ điều hành ở Iraq, nơi những tên trùm khủng bố và phiến quân kết nối lại với nhau và hình thành các mạng lưới. Đây cũng là nơi mà thủ lĩnh hiện nay của IS Abu Bakr al - Baghdadi lần đầu tiên được tôn vinh là ông trùm của “Nhà nước Hồi giáo tương lai”.

Tới năm 2011, khi cuộc nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al - Assab nổ ra ở Syria và nhanh chóng bùng phát thành một cuộc nội chiến toàn diện, IS đã lợi dụng sự hỗn loạn để chiếm giữ vùng Đông Bắc Syria, thiết lập một căn cứ tác chiến và đổi tên thành ISIS (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria). Tại Iraq, nhóm này tiếp tục lợi dụng sự yếu kém của chính quyền Trung ương và khai thác tình trạng xung đột giáo phái, ngày càng trở nên trầm trọng sau khi Mỹ rút quân, để thu nạp thêm nhiều người Sunni tại Iraq. Hiện nay, trong hàng ngũ ISIS đã có cả những thủ lĩnh của bộ tộc người Sunni, những kẻ từng nổi dậy chống Mỹ và cả các cựu sĩ quan quân đội Iraq - những người muốn tìm lại quyền lực như dưới thời Tổng thống Saddam Hussein.

Tháng 1/2014, ISIS đã gây một cú sốc lớn khi chiếm được thành phố Fallujah và Ramadi của Iraq. Đa số giới phân tích đều dự đoán rằng các lực lượng an ninh Iraq được Mỹ huấn luyện sẽ đối phó được với ISIS. Nhưng 5 tháng sau, binh lính Iraq đào ngũ hàng loạt còn IS đã tiến mạnh về phía Baghdad, chiếm Mosul, Tikrit, al - Qaim và nhiều thị trấn khác của nước này. Tới cuối tháng 6, ISIS đã đổi tên thành IS và tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát và gọi là Caliphate (Vương quốc Hồi giáo).

IS nhanh chóng trở thành “cục nam châm” thu hút hàng nghìn chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới đổ về đầu quân cho thế lực mới nổi này. Theo đánh giá của tình báo Mỹ, khoảng 15.000 tay súng từ 80 quốc gia đã tới Trung Đông để gia nhập IS, với tần suất khoảng 1.000 tên/tháng. Mặc dù đa số những tên này đến từ những quốc gia Hồi giáo như Tunisia, Saudi Arabia, song cũng có số lượng không nhỏ các chiến binh mang quốc tịch Australia, Trung Quốc, Nga, các nước phương Tây. IS thậm chí còn tìm cách thu hút một số thanh thiếu niên Mỹ, xuất thân từ tầng lớp trung lưu tại Denver, Minneapolis và vùng ngoại ô Chicago.

Cùng với sự lớn mạnh của tổ chức, mục tiêu và ý đồ của IS cũng trở nên rõ ràng hơn. Al - Qeada tự coi mình là một kẻ đi tiên phong trong phong trào nổi dậy toàn cầu nhằm huy động cộng đồng Hồi giáo chống lại thế lực thế tục. Trái lại, IS tìm cách kiểm soát lãnh thổ, thành lập một nhà nước Hồi giáo Sunni “thuần túy”, thực thi giáo luật Sharia hà khắc. Chúng còn hướng tới việc xóa sổ biên giới chính trị tại Trung Đông do các cường quốc phương Tây vẽ ra từ thế kỷ XX; đồng thời tìm kiếm vị thế là thế lực chính trị, tôn giáo và quân sự duy nhất đối với toàn thế giới Hồi giáo.

(Kỳ 2: Vì sao chiến lược chống khủng bố không hiệu quả với IS?)

Theo Thái Nguyễn/FA

baotintuc.vn

http://www.baotintuc.vn/tu-lieu/su-khac-biet-giua-is-va-al-qaeda-ky-1-20151208220235520.htm