1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài toán phía sau cuộc đổ xô tích trữ thực phẩm ở Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Người dân Trung Quốc đổ xô tới các siêu thị, vét sạch các quầy hàng sau khi chính phủ khuyến cáo tích trữ nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày và đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Bài toán phía sau cuộc đổ xô tích trữ thực phẩm ở Trung Quốc - 1

Người dân ở Trung Quốc đổ xô tới các siêu thị sau kêu gọi tích trữ nhu yếu phẩm của chính phủ (Ảnh: Weibo).

Đổ xô mua tích trữ

Làn sóng gom nhu yếu phẩm này bắt đầu sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 1/11 đưa ra văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương nỗ lực bình ổn nguồn cung và giá thực phẩm trong đó có rau củ, thịt, dầu ăn để chuẩn bị sẵn sàng cho những tháng mùa đông sắp tới.

Trung Quốc thường kêu gọi người dân mua thực phẩm trước mùa đông vì tuyết thường rơi dày ảnh hưởng tới giao thông, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, lời kêu gọi mới đây ngay lập tức đã kéo theo những tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một cư dân mạng tỏ ra hoài nghi: "Chính phủ không đề nghị chúng tôi tích trữ nhu yếu phẩm như vậy khi Covid-19 bùng phát đầu năm 2020". Một số cư dân mạng thậm chí liên hệ lời kêu gọi tích trữ thực phẩm với kịch bản xảy ra xung đột giữa Trung Quốc đại lục vào đảo Đài Loan.

Bộ Công thương Trung Quốc sau đó đã phải khẳng định rằng, không có mối đe dọa trực tiếp nào đến nguồn cung lương thực của nước này. Zhu Xiaoliang, một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nói chỉ thị này dành cho các chính quyền địa phương nhằm thực hiện công tác đảm bảo nguồn cung, ổn định giá hàng hóa, thay vì gửi thông điệp cụ thể đến từng hộ gia đình.

Nhật báo Economic Daily cũng tìm cách trấn an dư luận với bài viết nói rằng, văn bản kêu gọi đó chỉ nhằm đảm bảo rằng người dân chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống phong tỏa hay cách ly nếu bùng phát các ổ dịch Covid-19 mới.

Tuy vậy, những nỗ lực đó không đủ để ngăn người dân đổ xô tích trữ thực phẩm từ rau củ, gạo, bột mì đến thịt, trứng. Một số người thậm chí còn mua tới 300 kg gạo để tích trữ.

Những ngày qua, hình ảnh chụp tại nhiều siêu thị ở Trung Quốc cho thấy cảnh tượng người dân xếp hàng dài mua sắm. Một video đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo cho thấy, người dân chen lấn tại các cửa hàng tiện lợi ở một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô. Giỏ hàng của họ chất đầy nhu yếu phẩm, trong khi các kệ hàng trống trơn.

Một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất những ngày qua ở Trung Quốc là "danh sách đồ dùng hộ gia đình cần tích trữ".

Bài toán an ninh lương thực với đất nước 1,4 tỷ dân

Bài toán phía sau cuộc đổ xô tích trữ thực phẩm ở Trung Quốc - 2

Giá hàng trống trơn ở một siêu thị Trung Quốc (Ảnh: Weibo).

Willy Lam, giáo sư lịch sử tại Đại học Hong Kong, nhận định không có bằng chứng nào cho thấy khuyến cáo tích trữ nhu yếu phẩm liên quan tới căng thẳng ở eo biển Đài Loan, nhưng sự hỗn loạn hiện nay phần nào cho thấy căng thẳng hai bờ eo biển ngày càng leo thang. 

Giáo sư Lam cũng chỉ ra một số yếu tố kinh tế gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đã buộc các nhà máy tạm ngừng một số hoạt động sản xuất và gây mất điện ở nhiều nơi.

Một yếu tố khác có thể kể đến đó là cam kết theo đuổi chiến lược "Không Covid" (Zero Covid) của chính phủ Trung Quốc khi hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa và tìm cách chung sống an toàn với đại dịch. Với chính sách này, chỉ cần phát hiện một ca nhiễm, giới chức Trung Quốc sẽ lập tức phong tỏa một khu vực rộng lớn, xét nghiệm diện rộng và siết quy định cách ly.

Chenjun Pan, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rabobank - Trung Quốc, nhận định những biện pháp này "sẽ tác động đến việc mua sắm của người dân cũng như thời gian mở cửa của các chợ và siêu thị".

Wang Hongcun, một quan chức của Phòng Thương mại Bắc Kinh, tuần trước thừa nhận các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt có thể đã góp phần gây ra tình trạng giá lương thực tăng. Trong tháng 10, nhiều thực phẩm ở Trung Quốc đã tăng hơn hai lần.

Bài toán phía sau cuộc đổ xô tích trữ thực phẩm ở Trung Quốc - 3

An ninh lương thực là vấn đề quan trọng với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Theo SCMP, Trung Quốc phải đảm bảo lương thực cho 1,4 tỷ người, tương đương 1/5 dân số thế giới. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đảm bảo an ninh lương thực càng trở thành ưu tiên quan trọng đối với chiến lược phát triển mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược dựa vào tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế thay vì phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Trung Quốc quyết định lập kho dự trữ lương thực quốc gia vào năm 1990 và hiện giờ đã xây dựng một hệ thống điều phối các kho dự trữ của trung ương và địa phương, đồng thời bổ sung lượng tồn kho của chính phủ và doanh nghiệp.

Giới hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lần đầu tiên đưa ra mục tiêu bắt buộc về sản lượng ngũ cốc trong kế hoạch 14 năm được công bố vào tháng 3 năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu đậu tương và ngô. Hồi tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh yêu cầu người dân không lãng phí thực phẩm.