1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài học cho bậc cha mẹ sau vụ bé trai Nhật mất tích trong rừng

(Dân trí) - Việc cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi, sống sót lành lặn trở về sau gần một tuần lưu lạc trong rừng do bị cha mẹ phạt bỏ lại hôm 28/5 đã khiến nhiều người ngạc nhiên về khả năng sinh tồn của bé nhưng cũng coi đây là hồi chuông cảnh báo về cách nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ Nhật Bản hiện nay.

Cậu bé Yamato Tanooka (Ảnh: Nippon TV)
Cậu bé Yamato Tanooka (Ảnh: Nippon TV)

Cậu bé Yamato Tanooka, tuy chỉ mới 7 tuổi, nhưng đã cho thấy khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc khi sống một mình trong một căn nhà ở khu vực tập luyện của quân đội, cách nơi cậu bé bị cha mẹ bỏ lại khoảng 5 km, trong điều kiện không có thức ăn và chỉ uống nước từ vòi cạnh nhà để cầm cự. Tanooka đã tự mình xoay sở trong suốt 6 ngày ròng rã trước khi một sỹ quan của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tình cờ phát hiện ra cậu bé vào sáng ngày 3/6. Khi đó, Tanooka trông hơi mệt mỏi nhưng hoàn toàn tỉnh táo và khỏe mạnh. Bác sĩ sau đó nói rằng cậu bé chỉ bị mất nước nhẹ, còn về cơ bản không có dấu hiệu gì đáng lo ngại.

Sự việc trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhiều người cho rằng hành trình sống sót của Tanooka là một điều kỳ diệu. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra giận giữ trước cách dạy con của cha mẹ cậu bé khi phạt một đứa trẻ 7 tuổi mắc lỗi bằng cách bỏ bé lại trong rừng, vốn được biết đến là khu vực sinh sống của loài gấu nâu hung dữ trên đảo Hokkaido và trong điều kiện thời tiết mưa lớn kết hợp nhiệt độ xuống thấp về đêm. Nhiều người phẫn nộ, gọi hành động của cha mẹ Tanooka là không thể tha thứ.

Cha mẹ Tanooka kể lại rằng, khi cả nhà đang lên xe chuẩn bị về nhà sau một ngày leo núi, họ đã yêu cầu Tanooka xuống xe để phạt cậu bé vì trước đó đã ném đá vào các xe ô tô và người đi đường khi chơi cạnh một dòng sông. Sau khi lái xe đi xa khoảng 500 m, cha mẹ Tanooka quay lại để đón con mình thì phát hiện ra cậu bé đã không còn ở đó. Như vậy, Tanooka đã mất tích trong khoảng thời gian 5 phút bắt đầu từ khi cậu bị bỏ lại một mình trong rừng.

Tanooka đã nằm trong hai tấm đệm này tại căn nhà trống gần một tuần trước khi được tìm thấy hôm 3/6 (Ảnh: Getty Image)
Tanooka đã nằm trong hai tấm đệm này tại căn nhà trống gần một tuần trước khi được tìm thấy hôm 3/6 (Ảnh: Getty Image)

Phản ánh thực trạng xã hội

Theo hãng tin AP, vụ việc của cậu bé Tanooka đã phản ánh một thực trạng phổ biến trong xã hội hiện đại Nhật Bản ngày nay, đó là các thế hệ trong một gia đình sống ngày càng tách biệt. Theo đó, các bậc phụ huynh không nhận được đủ những lời khuyên bổ ích về cách nuôi dạy con từ thế hệ đi trước họ, tức là ông bà của bọn trẻ.

Mitsuko Tateishi, một nhà giáo dục đã từng viết một cuốn sách kêu gọi các bà mẹ hãy thoải mái và thư giãn hơn trong việc dạy con, nói rằng các bậc cha mẹ hiện nay đang bị cuốn vào cái gọi là “áp lực của một người mẹ tốt”, như việc họ luôn muốn con mình phải nổi trội hơn và so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Bà Tateishi nhấn mạnh rằng những lời giải thích nhẹ nhàng để phân tích cho bọn trẻ thấy cái gì là đúng, cái gì là sai mới là gốc rễ của việc dạy con, chứ không phải là đem chúng ra trừng phạt bằng cách bỏ rơi như vậy.

“Cha cậu bé có thể sẽ cảm thấy hối hận vì những gì mình đã làm, nhưng phải nói rằng hành động của anh ấy quá sai lệch”, Mitsuko Tateishi nói.

Chính cha cậu bé, Takayuki Tanooka, cũng từng chia sẻ với báo giới sau khi gặp lại con trai mình trong bệnh viện sau gần một tuần mất tích rằng: “Tôi thực sự không nghĩ mọi chuyện trở nên như vậy. Chúng tôi đã hành xử quá mức”. Anh thừa nhận là đã đi quá xa trong việc dạy con và khẳng định sẽ cố gắng làm tốt hơn vai trò của một người cha.

Cha cậu bé mất tích, Takayuki Tanooka, cúi đầu xin lỗi sau khi để con mất tích trong rừng (Ảnh: AP)
Cha cậu bé mất tích, Takayuki Tanooka, cúi đầu xin lỗi sau khi để con mất tích trong rừng (Ảnh: AP)

Thực trạng bỏ rơi và lạm dụng trẻ em ngày càng phổ biến tại Nhật Bản, AP nhận định. Nhiều bậc cha mẹ còn áp dụng các biện pháp kỷ luật “mạnh tay” với con họ như đánh đập hay tống bọn trẻ ra khỏi nhà giữa thời tiết giá lạnh khi chúng mắc lỗi.

Gần đây nhiều trường hợp trẻ bị bỏ đói đã được ghi nhận. Đáng báo động hơn, giới chức trường học địa phương và cộng đồng chưa có những phản ứng phù hợp và đầy đủ khi nhiều đứa trẻ xuất hiện với những dấu hiệu đáng lo ngại như những vết bầm tím hay kiệt sức vì đói. Nhật Bản từng ghi nhận trường hợp một cặp vợ chồng khoảng 20 tuổi đã trói cổ đứa con 3 tuổi của mình bằng một chiếc vòng và nhốt trong phòng. Người cha sau đó đã bị bắt giữ.

Báo cáo của cảnh sát Nhật Bản thời gian qua cho thấy tỷ lệ trẻ bị bạo hành ngày càng tăng, với con số ghi nhận năm sau lại tăng gấp đôi so với năm trước, lên tới gần 74.000 trường hợp mỗi năm trong vòng 10 năm qua. Cảnh sát cũng đã truy tố gần 700 vụ, gấp 3 lần so với thập kỷ trước. Ngoài ra, mỗi năm có tới hơn 2.000 trẻ được chuyển từ nhà tới các trung tâm bảo vệ trẻ em, AP cho biết.

Thành Đạt

Theo AP