Bài báo viết về cô dâu Việt tại Hàn Quốc gây phẫn nộ
“Phụ nữ Việt Nam không phải món hàng”, tấm biểu ngữ được một nhóm người Hàn Quốc và sinh viên Việt Nam trương lên trước của tòa soạn báo Chosun Ilbo ở trung tâm Seoul hôm 24/4 để phản đối bài báo về phụ nữ Việt lấy chồng Hàn
Cuộc biểu tình do tổ chức phi chính phủ NAWAURI (Tôi và chúng ta) của Hàn Quốc tổ chức và thành phần tham gia chủ yếu là người Việt. Họ mang theo bản copy của tờ báo với những lời phản đối được viết thẳng lên đó.
Đinh Hải Yến, du học sinh trường Kookmin, cho biết: “Những người phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc cảm thấy bị xúc phạm. Họ đã bóp méo sự thật, nhẹ hơn thì có thể nói rằng bài báo đã phản ảnh phiến diện, tác động xấu đến hình ảnh người Việt Nam. Hình ảnh những người phụ nữ ngồi thành hàng chờ người ta chọn làm vợ được đưa lên báo mà không được che mặt là vi phạm quyền con người. Nghiêm trọng hơn, người phụ nữ Việt Nam xuất hiện trong bài báo như một món hàng”.
Chị Châu, chồng là người Hàn Quốc, bức xúc: “Chồng tôi là người Hàn Quốc. Chúng tôi quen nhau ở Việt Nam và lấy nhau tự nguyện. Chúng tôi đã sống ở Việt Nam một thời gian rồi sang Hàn Quốc với con trai 4 tuổi. Lập gia đình với người nước ngoài đâu phải điều xấu. Tác giả bài báo nhìn nhận xấu về phụ nữ Việt Nam”.
Bài báo “Những trinh nữ Việt Nam hướng đến miền đất hứa Hàn Quốc” đăng trên tờ Chosun ngày 21/4 của tác giả Seung Woo Chae ghi lại quá trình một người đàn ông Hàn Quốc 35 tuổi và thất nghiệp đến Việt Nam chọn vợ.
Ông ta ngồi lạnh lùng quan sát 11 phụ nữ “ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo khổ”, rồi quay ra xem băng hình 150 cô gái được đánh mã số. Ông chọn được một trong số 11 cô gái vì nhớ lời mẹ dặn “chọn cô nào có dáng cao lớn để phục vụ cơm nước cho bà”, bài báo viết.
Tác giả cho rằng các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc vì ước mong thoát khỏi cảnh đói nghèo. Còn cô gái mà người đàn ông kia chọn thì tâm sự rằng cô đang ấp ủ “giấc mơ Hàn Quốc” sau khi người thân lấy chồng Đài Loan đã giúp gia đình xây được nhà kiên cố.
Tác giả bài báo Seung Woo Chae đã ra gặp và đối thoại với những người biểu tình. Anh cho biết đó là lần đầu tiên đến Việt Nam, chưa hiểu biết hết về đất nước này nên trong bài viết có thể chưa toàn diện, chỉ phản ánh một phần của vấn đề.
Bộ Gia đình và Bình đẳng giới của Hàn Quốc hôm nay công bố các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho những đứa trẻ lai và hôn thê ngoại quốc của nam giới nước này nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử. Kế hoạch này được công bố sau khi Tổng thống Roh Moo-hyun yêu cầu chính phủ ra kế hoạch cả gói nhằm giải quyết những vấn đề mà nhóm người này gặp phải. Theo đó, những người vợ nước ngoài có con còn ở tuổi vị thành niên sẽ nhận trợ cấp nuôi con, trong đó có cả chi phí sức khỏe, từ đầu năm tới dù họ chưa nhận được quốc tịch Hàn. |
Seung Woo Chae đã đi theo đoàn biểu tình để xin lỗi và đề nghị cho anh cơ hội khác để viết bài tốt hơn về Việt Nam.
Nhiều người Hàn Quốc, chủ yếu sống ở nông thôn, trong những năm gần đây lập gia đình với người nước ngoài. Cục Thống kê Hàn Quốc tháng 3 vừa qua công bố tỷ lệ người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài chiếm 3,6% tổng số những cuộc đăng ký kết hôn, riêng nông thôn chiếm tới 35,9%.
Năm 2001, có 134 trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, năm ngoái là 5.822 người (chiếm 18,7%). Đàn ông Hàn Quốc sống nông thôn ngày càng khó lấy vợ do phụ nữ không chấp nhận cuộc sống vất vả, tìm cách ra thành phố học và làm việc. Những người đàn ông nông thôn trở thành đối tượng của các công ty môi giới hôn nhân với người nước ngoài.
Họ đến các công ty này, trả một khoản tiền không nhỏ để được sang Việt Nam và một số nước khác chọn vợ. Ở một số vùng nông thôn, chính quyền còn tổ chức cả đoàn lên đường sang Việt Nam tìm một nửa của cuộc sống vợ chồng. Đàn ông nông thôn thôn lấy vợ muộn, các gia đình sinh ít con, thậm chí ngày càng nhiều phụ nữ “ngại” sinh nở khiến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang ở mức độ báo động. Xã hội Hàn Quốc có truyền thống Khổng giáo vốn khá khép kín giờ đây bắt đầu chấp nhận những đứa con hai dòng máu.
Tuy nhiên, mặt trái trong hoạt động của các công ty môi giới là đưa ra hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như một món hàng, nhân phẩm bị hạ thấp. Ở nhiều vùng nông thôn Hàn Quốc có các bảng quảng cáo như “Hãy lấy trinh nữ Việt Nam”, “Những người nhiều tuổi, tái hôn, đã có con, tàn tật đều có thể”. Thậm chí có những công ty quảng cáo lấy vợ Việt Nam nếu sau một thời gian chung sống không hạnh phúc thì có thể đổi vợ. Công ty mối giới sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu miễn phí vợ khác.
NAWAURI là tổ chức từng sang Việt Nam và phanh phui vụ thảm sát dân thường do lính Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh.
Bà Kim Jung Woo, Chánh văn phòng tổ chức này, cũng tham gia biểu tình. Bà đề nghị chính phủ hai nước có biện pháp để thông tin cho phụ nữ Việt Nam đầy đủ hơn. Theo bà, việc lập gia đình với người nước ngoài là chuyện bình thường, nhưng cần có cách làm để họ được sống hạnh phúc, để hình ảnh người phụ nữ Việt Nam không bị hoen ố.
Theo Vũ Duy Hưng (từ Seoul)
Vnexpress