1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bắc Kinh - thiên đường của hàng hiệu nhái

Tại khu chợ Silk Alley nổi tiếng của Bắc Kinh, một người bán hàng lôi từ trong túi ra một cuốn ảnh màu chụp những chiếc túi Louis Vuitton và Gucci giả. "Y như thật", cô nói và chỉ vào hình những chiếc túi chỉ có giá từ 75 đến 100 USD.

Ngay sau đó, cô cho biết sẵn sàng giảm 20 USD cho mỗi món hàng.

 

Cơ hội cho khách hàng mua được đồ hạ giá bắt đầu từ tuần trước, một ngày sau khi Silk Alley và các khu chợ lớn khác ở Bắc Kinh ký cam kết với các thương hiệu lớn như Louis Vuitton và Gucci. Theo đó, các trung tâm mua bán đó phải đuổi những người bán hàng rong chuyên cung cấp hàng hiệu rởm ra khỏi chợ sau lần cảnh cáo đầu tiên.

 

Đây là nỗ lực mới nhất của giới chức Trung Quốc nhằm kiểm soát ngành công nghiệp làm hàng nhái và xoa dịu các đối tác thương mại quốc tế.

 

Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu Peter Mandelson hoan nghênh động thái trên. "Đây là bước đi quan trọng nhằm duy trì lòng tin vào thị trường", ông nói.

 

Tuy nhiên, sự lan tràn của hàng hiệu giả tại Silk Alley và nhiều khu chợ khác khiến người ta nghi ngờ về sự hiệu quả của chiến dịch mà giới chức Trung Quốc đang tiến hành.

 

Tại phố Alien, một khu chợ nổi tiếng và được khách Nga đặc biệt yêu thích, chỉ với 10 USD, bạn có thể mua được một chiếc đồng hồ Gucci, một chiếc túi sách hiệu Vuitton hoặc thậm chí một bức "Hoa hướng dương" của Van Gogh.

 

Những con đường nhỏ ngoằn ngoèo ở đây đầy các cửa hàng bán đủ mọi thứ, từ quần áo cho đến đồ điện tử với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá hàng thật.

 

Một người bán hàng cho hay hầu hết khách hàng là người nước ngoài, chủ yếu là người Nga và Malaysia. Họ thường mua sỉ để bán lại khi về nước.

 

"Chúng tôi bán sỉ. Và đó là cách duy nhất để kiếm tiền. Họ thường là khách hàng quen", cô cho biết.

 

Tại chợ Chaowai Men gần đó, một người bán hàng đầy nhiệt tình chào bán những chiếc ví nhái lại những hãng tên tuổi và nổi tiếng nhất thế giới. Khi được hỏi về những mặt hàng loại A, người phụ nữ nâng tấm rèm màu trắng và để lộ một bức tường treo đầy những chiếc túi Burberry, Chanel, Gucci, và Louis Vuitton.

 

Người bán hàng cho biết chiếc ví LV có giá 7 USD là mặt hàng bán chạy nhất của cô.

 

Những mặt hàng không thấy có mặt tại các khu chợ này là các sản phẩm liên quan đến Olympics Bắc Kinh 2008. Trong khi giới chức Trung Quốc có vẻ không thể chặn được các mặt hàng hiệu rởm thì những đồ liên quan đến Olympics không hề có mặt tại đây.

 

Trên phố Alien, những người bán hàng lảng đi khi được hỏi về đồ Olympics. "Chẳng có ai dám bán những thứ đó nếu không có giấy phép", một người đàn ông bán đồ trang trí điện thoại di động cho hay.

 

Gao Shangtao, một luật sư về thương mại ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã có đủ luật để chống lại tệ làm hàng giả nhưng lực lượng hành pháp mới là vấn đề chính.

 

"Chính quyền trung ương quyết tâm dẹp nạn vi phạm bản quyền nhưng ở địa phương, các quan chức lại bảo vệ những người vi phạm bản quyền và bảo vệ lợi ích kinh tế của địa phương", Gao bình luận.

 

Ông cho rằng những tiến bộ mà Trung Quốc đang đạt được trong lĩnh vực chống hàng nhái thể hiện ở số vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng.

 

"Có quy định về những mặt hàng mà chúng tôi không được phép bán. Tất cả những nhãn hiệu lớn như LV hoặc Prada đều bị cấm", một người bán hàng tên là Wu, 23 tuổi, ở Silk Alley, cho hay. "Các đợt truy quét giờ đây rất thường xuyên. Nếu họ phát hiện bạn bán hàng đó, họ sẽ tịch thu và phạt".

 

Nhưng khi được hỏi về về những dãy váy áo Ralph Lauren Polo giả được bày bán, Wu cho biết: "Chẳng ai kiểm tra những nhãn hiệu đó, vì thế chúng tôi vẫn bán".

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/AFP