1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ba tàu chiến Nhật Bản thăm Campuchia

(Dân trí) - Nhật Bản ngày 7/2 thông báo 3 tàu chiến của Lực lượng phòng vệ bờ biển nước này (JMSDF) sẽ tới thăm Campuchia từ ngày 13-16/2. Theo đánh giá của giới quan sát, dù đây là một hoạt động thường niên nhưng chuyến thăm này sẽ làm nổi bật quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.


Một tàu chiến Nhật Bản. (Ảnh: KhmerTimes)

Một tàu chiến Nhật Bản. (Ảnh: KhmerTimes)

Trong khi truyền thông phương Tây thường chỉ chú ý tới mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Campuchia với Trung Quốc và Mỹ, các nhân tố khác, như Nhật Bản, cũng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ với nước ngoài của Phnom Penh. Thông thường, sự tập trung sẽ giành phần lớn vào vai trò của Tokyo trong quá trình hỗ trợ kinh tế cho Campuchia. Tuy nhiên, ở khía cạnh an ninh, hai nước cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như ổn định và duy trì hòa bình.

Trong những năm qua, quan hệ song phương đã được mở rộng trong lĩnh vực an ninh. Hồi tháng 12/2013, khi hai nước nhất trí nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, một trong những nội dung được tập trung tới chính là quan hệ hợp tác quốc phòng. Quá trình này bao gồm cả lễ ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng và trao đổi giữa hai nước.

Việc mở rộng hợp tác quốc phòng được đánh giá có lợi cho cả hai phía. Với Campuchia, năng lực của các lực lượng quân đội nước này sẽ được nâng cao nhờ những hỗ trợ từ một cường quốc như Nhật Bản. Chưa kể, tăng cường quan hệ với Tokyo cũng là một phần trong chiến lược mở rộng nhằm đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Campuchia, kể cả khi có những dấu hiệu cho thấy Phnom Penh xích lại gần hơn với Trung Quốc trong thời gian qua.

Trong khi đó, với Nhật Bản, mở rộng quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Campuchia là một phần trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Những chuyến thăm tới các cảng ở Campuchia của tàu chiến Nhật Bản cũng là những dấu hiệu cho thấy mong muốn của Tokyo trong quá trình khẳng định vai trò đảm trách an ninh trong khu vực. Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền năm 2012, Tokyo đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực hợp tác quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á. Chưa kể, Nhật Bản cũng đang hướng tới chiến lược tăng cường an ninh với không chỉ riêng các nước thành viên ASEAN mà mong muốn tăng cường với cả khối.

Theo đánh giá của giới quan sát, dựa vào quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc thời gian qua và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, Phnom Penh chưa phải là lựa chọn đầu tiên nếu Nhật Bản tìm kiếm “đồng minh” ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác an ninh mà Nhật Bản đang thúc đẩy trong khu vực cần được nhìn nhận dưới góc độ của một bức tranh tổng thể, thay vì là những điểm chấm riêng lẻ.

Trong thời gian tới, có khả năng cả hai quốc gia sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ. Hiện giới chức ngoại giao hai nước đang thảo luận về khả năng nâng quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm cả việc hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh.

Ngọc Anh

Theo Diplomat