1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan muốn đề nghị NATO bố trí vũ khí hạt nhân

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn đài Polsat, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Szatkowski hôm qua 6/12 cho biết, ông đang cân nhắc đề nghị NATO cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan.

 

Đề xuất triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của Ba Lan chắc chắn sẽ kéo theo phản ứng mạnh từ phía Nga. (Ảnh: RooVuu)
Đề xuất triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của Ba Lan chắc chắn sẽ kéo theo phản ứng mạnh từ phía Nga. (Ảnh: RooVuu)

Ông Szatkowski cho biết, Bộ Quốc phòng Ba Lan đang dự tính đề xuất được tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng. Đây là lần đầu tiên một quan chức Ba Lan đưa ra ý định về mong muốn bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

Trong khi đó, hãng tin RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã ra tuyên bố cho biết, Warsaw không đưa ra đề xuất chính thức và không có ý định bố trí vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ.

Tuy nhiên, nếu Ba Lan vẫn giữ kế hoạch đề xuất, Nga chắc chắn sẽ phản ứng mạnh. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 cho biết nếu NATO đe dọa Nga, Nga sẽ đáp trả mối đe dọa đó.

Ba Lan là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của NATO kể từ khi gia nhập liên minh này năm 1999. Hồi tháng 9 vừa qua, Quốc hội Ba Lan đã bật đèn xanh để Tổng thống Andrzej Duda phê chuẩn thỏa thuận nhằm lập căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Redzikowo. Theo kế hoạch, căn cứ này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018.

Kế hoạch trên ban đầu được Mỹ và Ba Lan nhất trí vào năm 2008. Mỹ khi đó cho rằng, căn cứ này là cần thiết nhằm đối phó với nguy cơ các cuộc tấn công tên lửa từ Iran hay Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó, phương Tây đã đạt được thỏa thuận với Iran về việc chấm dứt chương trình hạt nhân tham vọng của nước này.

“Tất cả chúng ra có lẽ đều nhớ rằng tháng 4/2009 tại Prague, Tổng thống Mỹ Obama đã nói rằng nếu chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết, thì kế hoạch lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu sẽ được hủy bỏ”, Ngoại trưởng Nga  Sergey Lavrov nói. Ông Lavrov cũng nói thêm, hiện tại Mỹ không còn lý lẽ nào để biện minh cho kế hoạch phòng thủ tên lửa.

Sau khi đắc cử Tổng thống Ba Lan hồi tháng 5 vừa qua, một trong những động thái đầu tiên của ông Duda là kêu gọi NATO tăng cường đồn trú ở quốc gia này. “Chúng tôi không muốn là vùng đệm. Chúng tôi muốn trở thành sườn đông của liên minh”, ông Duda nói với tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn.

Minh Phương

Theo RT