1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ba kịch bản đối đầu Nga - NATO

(Dân trí) - Nhà phân tích Edward W. Walker mới đây đã có bài phân tích đăng trên mạng tin Địa chính trị Á - Âu về các kịch bản chấm dứt cuộc đối đầu “kinh điển” giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ba kịch bản đối đầu Nga - NATO

(Minh minh họa: RT)

Theo ông Walker, các nhà hoạch định chính sách phương Tây có thể sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về kịch bản kết thúc cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Trong đó, cần chú ý một số điểm sau: Một kết quả thực tiễn và ít tồi tệ nhất có thể xảy ra tại thời điểm nào? (có thể là 5 năm tới?) Ranh giới của NATO và biên giới phía Đông của Liên minh châu Âu (EU) sẽ ở đâu? NATO và Nga có thể triển khai các trang thiết bị quân sự ở đâu? Liệu sẽ có thỏa thuận kiểm soát vũ trang nào có hiệu lực nhằm hạn chế các rủi ro xung đột hay không? Sức ép đè nặng lên quan hệ kinh tế song phương sẽ như thế nào?

Xét về tổng quan, có 3 khả năng thực tế nhất có thể xảy ra:

Thứ nhất là kịch bản “bình thường hóa”, nghĩa là Nga và phương Tây sẽ hợp tác trở lại và có thể coi nhau như những “đối tác”.

Thứ hai là một mối quan hệ thù địch theo khuynh hướng không ổn định, trong đó phân chia ranh giới giữa Nga và phương Tây, các quy định gắn kết không rõ ràng, các biện pháp kiểm soát vũ trang có ít tác động tới bố trí lực lượng và thất bại trong việc tăng cường ổn định quân sự. Ở đó, rủi ro xảy ra chiến tranh là đáng kể và rõ ràng.

Kịch bản thứ ba là một mối quan hệ thù địch có tính ổn định, nơi ranh giới phân định giữa Nga và phương Tây, các quy tắc ràng buộc là rõ ràng và được chấp nhận, nơi các biện pháp kiểm soát vũ trang giúp tăng cường ổn định chiến lược và ổn định khu vực. Tại đây, rủi ro xung đột giữa Nga và NATO là rất thấp.

Ba khả năng này dù không bao hàm hết mọi khía cạnh, song các kịch bản khác (như Nga gia nhập EU và trở thành một phần của trật tự châu Âu) là không thể xảy ra. Cũng có thể 3 kịch bản nói trên có thể hòa trộn với nhau. Ví dụ, chúng ta có thể chứng kiến sự trở lại bình thường trên một số khía cạnh quan hệ kinh tế, cùng với tiến triển trong một số quy định ràng buộc, cũng như các giải pháp xây dựng lòng tin.

Khả năng thành hiện thực của các kịch bản

Tuy nhiên, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ quốc gia, sự nổi dậy của lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine và môi trường chính trị tại Nga hiện nay khiến kịch bản thứ nhất rất khó thành hiện thực trong vòng 5 năm tới. Tỷ lệ xảy ra kịch bản này chỉ là 10%.

Kịch bản thứ hai nhiều khả năng xảy ra nhất, khoảng 55%, dù các bên không hề mong muốn, không chỉ vì các nguy cơ xung đột, mà còn vì những tranh đấu địa-chính trị đang diễn ra sẽ tác động về kinh tế và chính trị tới tất cả các bên.

Khả năng thứ ba, một mối quan hệ đối địch có tính ổn định giữa hai bên, là khoảng 35%. Khi đó, đâu là ranh giới phân định giữa Nga và châu Âu, và làm thế nào để mối quan hệ này ổn định? Đó chính là một “vùng đệm” giữa Nga và NATO, bao gồm Belarus, Ukraine, Georgia và Azerbaijan.

Thỏa thuận cơ bản sẽ hướng tới: không liên minh quân sự, song phương hay đa phương, bao gồm các cam kết quốc phòng cho các nước vùng đệm, không có lực lượng quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ “vùng đệm”.

Mỗi quốc gia trung lập có thể nhận viện trợ quân sự từ các nước khác và đồng minh, song việc tập trận chung sẽ phải được thực hiện bên ngoài “vùng đệm”. Các nước này cũng có thể tự do sắp đặt các thỏa thuận phi an ninh với các tổ chức đa phương khác như EU hay Liên minh Á - Âu nếu thấy phù hợp.

Một mô hình có thể được thực hiện là thể chế hóa vùng đệm thông qua hiệp ước giữa 6 nước gồm Nga, Mỹ, Belarus, Ukraine, Georgia và Azerbaijan. Trên thực tế, thỏa thuận sẽ chỉ cần sự đồng ý giữa hai nước là Mỹ và Nga. Nếu cả hai bên đồng ý không đưa 4 quốc gia trung lập này vào bất kỳ liên minh quân sự nào như NATO, hoặc không đưa quân đội đóng tại các nước này, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.

Tất nhiên, sẽ có những trở ngại chính trị lớn để tiến tới những thỏa thuận kiểu này, đặc biệt là trong ngắn hạn. Rất khó để điện Kremlin thuyết phục công chúng Nga, và đặc biệt là phe “diều hâu”. Điều tương tự cũng xảy ra với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn đã phải chịu nhiều sức ép trong thỏa thuận chương trình hạt nhân của Iran và các hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần và bất kỳ người nào kế nhiệm ông Obama thì họ cũng không sẵn sàng thỏa hiệp với Mátxcơva trong vấn đề an ninh.

Vấn đề là các giải pháp thay thế có thể còn tồi tệ hơn cho các bên, đặc biệt cho chính các quốc gia vùng đệm như gây ra căng thẳng chính trị dai dẳng, gián đoạn tăng trưởng kinh tế, bất ổn quân sự và rủi ro về một cuộc chiến thực sự giữa Nga và NATO.

Ngọc Yến