1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

ASEAN: Tiến bước trong cộng đồng kinh tế, “giậm chân” về Biển Đông

(Dân trí) - Lãnh đạo ASEAN ngày 25/4 đã tỏ ra phấn chấn về tiến triển đạt được trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra một cộng đồng kinh tế kiểu Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối trọng với siêu cường Trung Quốc. Song vấn đề Biển Đông vẫn bị “giậm chân tại chỗ”.

 

Tiến bước về Cộng đồng kinh tế


Tiến bước về Cộng đồng kinh tế

 

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei lần này đã hi vọng Trung Quốc sẽ sớm nhất trí bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận phi hiếu chiến, nhằm ngăn chặn đụng độ lớn trong các tranh chấp lãnh thổ, những cuộc tranh chấp có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang hưng thịnh trong khu vực.

 

Nhưng Trung Quốc đã không đưa ra ám chỉ rõ ràng nào về thời điểm họ sẽ nhất trí đàm phán về một hiệp ước “lấp chỗ trống” đó, hiệp ước được ASEAN gọi là “bộ quy tắc ứng xử”.

 

Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị, các lãnh đạo ASEAN cho biết họ đã yêu cầu các ngoại trưởng của họ “tiếp tục làm việc tích cực với Trung Quốc nhằm tìm cách thúc đẩy một kết luận sớm về bộ quy tắc ứng xử”.

 

“Chúng tôi đều nhất trí khuyến khích tiếp tục thảo luận, đối thoại và tham vấn trên mọi cấp, đặc biệt là các nước tuyên bố chủ quyền và giữ đường dây liên lạc mở”, lãnh đạo Brunei, Quốc vương Hassanal Bolkiah, chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay cho hay.

 

Ông cho biết, các bên tuyên bố chủ quyền phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình “không dùng đến đe dọa hoặc dùng vũ lực trong khi tự kiềm chế trong cách hành xử”.

 

Theo các nhà ngoại giao, Thái Lan đã đề xuất một cuộc họp của các ngoại trưởng trong khối, để họ có thể thảo luận tiếp về các tranh chấp, trước khi nhóm họp với người đồng cấp Trung Quốc tại một sự kiện ngoại giao ở Bắc Kinh vào tháng 10 tới.

 

Ông Bolkiah cũng đề xuất một đường dây khẩn cấp nhằm tránh những hiểu lầm, như khi ngư dân muốn tìm nơi trú ẩn trong các vùng biển tranh chấp khi có bão – hành động có thể bị hiểu lầm là xâm nhập.

 

Trong hội nghị, các lãnh đạo ASEAN cũng bày tỏ lo ngại về những đe dọa mới nhất của Triều Tiên.

 

Mặc dù bị phủ bóng bởi những vấn đề an ninh, song một kế hoạch đầy tham vọng của ASEAN, đó là biến chuyển khối này thành một cộng đồng giống như kiểu EU, với hơn 600 triệu dân cho tới cuối năm 2015, đã có nhiều lạc quan hơn. Các nhà ngoại giao cho biết ASEAN đang đi đúng hướng để kịp được hạn chót. Theo các nhà lãnh đạo ASEAN, khoảng 77% khối công việc được lần đầu đưa ra vào năm 2007 để biến khu vực sôi động này thành một thị trường thống nhất và căn cứ sản xuất đã hoàn thành.

 

Tuy nhiên, hàng rào phi thuế quan cùng những rào cản quy định ảnh hưởng tới đầu tư, kinh doanh vẫn cần phải được dỡ bỏ.

 

Các nhà lãnh đạo tuyên bố đàm phán về một khu vực thương mại tự do rộng lớn với các đối tác thương mại lớn như Trung, Ấn, Nhật, Hàn, Australia và New Zealand sẽ bắt đầu vào ngày 9/5 tới . Đàm phán tự do thương mại với Hồng Kông cũng sẽ được tiến hành.

 

Lãnh đạo khối 10 quốc gia thành viên này đã nhóm họp tại tòa nhà  mới xây bằng đá và cẩm thạch, “phô trương” sức mạnh kinh tế của quốc gia giàu dầu lửa Brunei – mà các thành viên kém phát triển hơn trong khối phải “ghen tị”. Vương quốc nhỏ bé 400.000 dân trên đảo Borneo này giàu tới mức người dân không phải đóng thuế.

 

Vẫn “giậm chân tại chỗ” về Biển Đông

 

Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu sâu về xung đột lãnh thổ, cho biết ASEAN có thể đã phạm một sai lầm chiến lược khi nhất trí trước một tiến trình quan trọng, mà có thể dễ bị Trung Quốc lảng tránh. Theo ông, Trung Quốc sẽ không cam kết với bất kỳ cái gì sẽ giới hạn những toan tính, hoạch định của họ.

 

“ASEAN bị sa lầy trong vết xe quan liêu”, ông Thayer nhận định.

 

Cuộc chiến giành chủ quyền trên Biển Đông đã được “định” trong căng thẳng dai dẳng. Những đụng độ mới đã nổ ra từ 2 năm trước, giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Căng thẳng càng tăng cao khi Trung Quốc triển khai tàu tuần tra, có bãi đáp trực thăng, bảo vệ những vùng biển họ tuyên bố chủ quyền và năm ngoái họ thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, với trụ sở ở trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.

 

Căng thẳng nổ ra vào năm ngoái giữa tàu Trung Quốc và Philippines trên bãi đá ngầm Scarborough vẫn chưa được giải quyết, khiến Philippines hồi tháng 1 đã phải “dấn” một bước pháp lý, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông của Trung Quốc, lên tòa án quốc tế, dựa theo Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc. Nhưng Trung Quốc đã lờ đi.

 

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết tất cả 5 thẩm phán của tòa án trọng tài đã được bổ nhiệm và giờ đây họ bắt đầu xem xét vụ việc xem liệu họ có quyền hạn xét xử hay không.

 

Tranh chấp dai dẳng đã đe dọa chia rẽ ASEAN vào năm ngoái, khi các ngoại trưởng của khối lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung, do Campuchia từ chối đề cập tranh chấp lãnh thổ vào thông cáo chung, gây phản ứng từ phía Việt Nam và Philippines.

 

Campuchia, nước được coi là đồng minh của Trung Quốc, đã đồng điệu với Bắc Kinh khi cho rằng tranh chấp không nên được đem ra bàn đàm phán quốc tế. Trung Quốc muốn tranh chấp được giải quyết thông qua đàm phán với từng bên tranh chấp, để họ giành được lợi thế hơn khi “lấy thịt đè người”.

 

Phan Anh

Theo AP