1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ASEAN kêu gọi Trung Quốc đàm phán khẩn về Biển Đông

(Dân trí) - Lãnh đạo ASEAN hôm nay 25/4 đã kêu gọi đàn phán khẩn với Trung Quốc nhằm đảm bảo những tranh chấp lãnh thổ ngày một căng thẳng hiện nay trên Biển Đông không leo thang thành bạo lực.

 
ASEAN kêu gọi Trung Quốc đàm phán khẩn về Biển Đông
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại hội nghị thưởng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 24-25/4 ở Brunei.
 

Đã có sự đoàn kết trong khối về Biển Đông

 

Hiệp hội 10 quốc gia đông nam Á (ASEAN) hôm nay đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh 2 ngày ở Brunei, với tuyên bố của chủ tịch trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của “hòa bình, ổn định và an ninh biển trong khu vực”,

 

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, người chủ trì hội nghị, cho biết với các phóng viên sau hội nghị rằng các nhà lãnh đạo ASEAN muốn “làm việc ngay lập tức về bộ quy tắc ứng xử” với Trung Quốc, nhằm tháo ngòi căng thẳng tại vùng biển quan trọng, chiến lược - Biển Đông.

 

Tập trung chính khác tại hội nghị lần này là thúc đẩy kế hoạch hình thành một thị trường chung cho Đông Nam Á và 600 triệu dân của khu vực, được gọi là Cộng đồng kinh tế ASEAN, cho tới năm 2015.

 

Tuy nhiên, điểm nóng Biển Đông bao trùm hội nghị, trong bối cảnh một số quốc gia Đông Nam Á có nhiều lo ngại trước thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc đối với Biển Đông, vùng biển mà 4 nước ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có chủ quyền.

 

Tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong nhiều thập niên qua đã khiến khu vực trở thành một trong những “thùng thuốc súng” của châu Á. Trung Quốc và Việt Nam đã giao tranh trong các trận chiến năm 1974 và 1988, khiến hàng chục binh sỹ thiệt mạng.

 

Căng thẳng một lần nữa leo thang trong những năm gần đây khi Trung Quốc dùng chiến thuật ngoại giao và quân sự ngày một hiếu chiến nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình. Trong số các hành động gây báo động có việc Trung Quốc chiếm bãi cạn sát đảo chính của Philippines vào năm ngoái và tháng trước cho triển khai các tàu hải quân tới bãi san hô cách bờ biển Malaysia chỉ có 80km.

 

Năm ngoái ASEAN đã trải qua một cuộc “nội chiến” chưa từng có tiền lệ, do bất đồng trong vấn đề Biển Đông. Vì vậy lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này, vào năm Campuchia, một đồng minh của Trung Quốc, làm chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN đã không ra được thông cáo chung.

 

Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này đã thành công khi đạt được tiếng nói đồng thuận trong khối ASEAN về Biển Đông, với Tổng thống Philippines Benigno Aquino ca ngợi nước chủ nhà Brunei ngoại giao khôn khéo để xây dựng được đồng thuận.

 

“Tất cả mọi người đều muốn có một giải pháp hòa bình và cũng lên tiếng…quan ngại rằng căng thẳng đang gia tăng”, ông Aquino cho biết với các phóng viên.

 

Nhưng đàm phán với Trung Quốc vẫn chưa đi đến đâu

 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kêu gọi của ASEAN đối với Trung Quốc, nhằm nhất trí với một bộ quy tắc ứng xử trên biển có tính ràng buộc pháp lý nhiều khả năng sẽ chẳng đi tới đâu.

 

ASEAN và Trung Quốc đầu tiên đã nhất trí đàm phán trên một bộ quy tắc vào năm 2002, nhưng siêu cường châu Á kể từ đó từ chối đàm phán thêm.

 

“Trung Quốc không bao giờ hào hứng với bộ quy tắc xứng xử, bởi họ không muốn ký vào một thỏa thuận mà sẽ kiềm chế hoạt động khẳng định chủ quyền của họ”, Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho biết với hãng thông tấn AFP.

 

Tuy nhiên, ông Aquino cho hay ông hài lòng khi các nhà lãnh đạo ASEAN chí ít cũng đã thống nhất để đảm bảo rằng những tranh chấp trên Biển Đông không có “đổ máu”.

 

“Vì vậy có sự đoàn kết về mục tiêu và mọi người có thể hi vọng rằng điều đó sẽ dẫn đến điều gì đó cụ thể hơn”, ông cho hay.

 

Còn Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết các ngoại trưởng ASEAN sẽ có cuộc đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông trong một sự kiện đã được lên kế hoạch tại Bắc Kinh vào cuối năm nay.

 

Ngoài ra, lãnh đạo ASEAN cũng cho biết đã có tiến bộ đạt được trong tuần này trên mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và hơn 3/4 khung của nó đã được nhất trí. Song họ cũng tỏ ra thận trọng vì phần đàm phán khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu.

 

Phan Anh

Theo AFP