1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung:

"ASEAN ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông"

(Dân trí) - Các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được trong đàm phán ASEAN-Trung Quốc về thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và tiến tới ký COC còn chậm so với diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

 

img-8171-10c44

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời báo chí (Ảnh: Nam Hằng)

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2015) về những đóng góp nổi bật của Việt Nam với ASEAN cũng như nỗ lực của ASEAN trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực.

Xin thứ trưởng cho biết những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong 20 năm gia nhập ASEAN cũng như những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới đối với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN?

Trong 20 năm qua, Việt Nam có nhiều đóng góp ý nghĩa với sự trưởng thành của ASEAN. Đường lối nhất quán của chúng ta là phát triển quan hệ hữu nghị với các dân tộc, thúc đẩy hòa bình an ninh khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế với các nước khu vực để làm sao có sự phát triển đồng đều, giúp khu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN. Đây là đóng góp rất tích cực cho đường hướng phát triển của ASEAN.

Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên vào năm 1998, đúng ở thời điểm khủng hoảng kinh tế tài chính tại Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung. Lúc đó, cộng đồng quốc tế rất lo ngại về đoàn kết và khả năng đứng vững của ASEAN. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tuyên bố Hà Nội tại hội nghị lần này đã nhất trí về các biện pháp để giải quyết và khẳng định ASEAN sẽ vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng đó, giúp tạo niềm tin trong ASEAN.

Việt Nam tham gia tích cực vào xây dựng nhiều văn kiện quan trọng, làm cơ sở pháp lý cũng như tạo điều kiện cho hợp tác ASEAN như Hiến chương ASEAN; Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN; đóng góp thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác qua các cơ chế như diễn đàn của 10 nước ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN +3) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)...Việt Nam còn là điều phối viên trong quan hệ ASEAN với một số đối tác như Nga, EU và sắp tới là với Ấn Độ.

Về trọng tâm ưu tiên, Việt Nam nhất trí về các lĩnh vực hoạt động của ASEAN. Trong tình hình hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN nhất trí phải dành ưu tiên, quan tâm thích đáng cho việc bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, vì hòa bình là điều kiện tiên quyết cho tất cả các hoạt động khác.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa-xã hội hiệu quả hơn nữa đối với các quốc gia ASEAN. Một lĩnh vực quan trọng khác là làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, của các cơ chế để tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài nhằm tranh thủ được những thuận lợi và xử lý các thách thức.

Việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia ASEAN, Thứ trưởng đánh giá thế nào về sự đoàn kết và quan điểm của ASEAN đối với việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, trong đó có có vấn đề Biển Đông?

Hiến chương ASEAN đã nêu rất rõ các nguyên tắc đảm bảo hòa bình và an ninh ổn định ở Đông Nam Á, đó là tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực cũng như những nguyên tắc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đối thoại hòa bình.

ASEAN cũng có Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) và một loạt các văn kiện pháp lý khác cùng nhiều hoạt động như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)... để tăng cường hợp tác giúp duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông gắn liền với hòa bình an ninh, hợp tác ở Đông Nam Á. Nếu không có hòa bình, hợp tác ở Biển Đông sẽ không có hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á. Đó là một thực tế rất khách quan.

Đây không phải là điều bây giờ các nước mới nói đến mà nhìn lại lịch sử từ năm 1945 đến nay, khi chiến tranh xảy ra tại một khu vực ở Đông Nam Á, thì ảnh hưởng tới tất cả các nước. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông còn liên quan đến cộng đồng quốc tế, quyền tự do đi lại, quyền tự do hàng hải, do một lưu lượng hàng hóa rất lớn được vận chuyển qua đây. Từ đó, ASEAN và cộng đồng quốc tế thấy sự cần thiết phải phối hợp với nhau để thúc đẩy hợp tác ở khu vực Biển Đông đồng thời có biện pháp để ngăn ngừa xung đột, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp.

ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc bàn về thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và tiến tới sớm ký kết COC, tuy nhiên, ý kiến chung của ASEAN và nhiều nước khác là quá trình này còn chậm hơn nhiều so với những diễn biến phức tạp thực tế đang xảy ra trên Biển Đông.

Việc cần thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán COC được đề cập nhiều, tuy nhiên, đến nay tiến trình này chưa đạt được nhiều tiến bộ như mong muốn, thậm chí chưa có một mốc thời gian cụ thể cho ký kết COC được đặt ra? Theo Thứ trưởng, vì sao lại như vậy?

COC là bộ quy tắc về những nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi rất quan trọng để giải quyết tranh chấp ở khu vực này. Thông qua COC, ASEAN mong muốn không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.

Tuy nhiên, vì khác biệt còn lớn trong quá trình đàm phán, thảo luận nên chưa đạt được tiến bộ như mong muốn. Các hoạt động trong tiến trình đàm phán COC đến nay mới chỉ được gọi là thảo luận, tham vấn chứ chưa phải là thương lượng.

ASEAN muốn đi vào thương lượng để đẩy nhanh đàm phán COC nhưng ý kiến này chưa được Trung Quốc nhất trí nên tới nay chưa có một thời hạn cụ thể được đặt ra để kết thúc đàm phán khiến quá trình này còn gặp nhiều khó khăn.

Vậy Việt Nam cần phối hợp với các nước ASEAN thế nào để đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC cũng như góp phần vào duy trì hòa bình ổn định khu vực?

Việt Nam luôn tích cực trao đổi với các nước khác trong khu vực, trong đó có các quốc gia liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, để giúp tăng cường sự nhất quán của ASEAN trong đàm phán với phía Trung Quốc.

Với phía Trung Quốc, Việt Nam cũng luôn khẳng định chính sách nhất quán của mình trong việc coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc đàm phán thảo luận các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Thực tế, Việt Nam đã trao đổi những vấn đề liên quan đến Biển Đông với Trung Quốc ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đầu tháng 8 tới, các nước sẽ cùng nhau thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Đông Nam Á nói chung, Biển Đông nói riêng. Hội nghị sẽ thảo luận biện pháp tăng cường lòng tin, tình hữu nghị, đồng thời có các cuộc trao đổi giữa ASEAN và các đối tác về nhiều vấn đề, trong đó có việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm tiến tới COC.

Nam Hằng (ghi)

"ASEAN ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông" - 2