1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ASEAN “lo ngại nghiêm trọng” về hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông

(Dân trí) - Các quốc gia thành viên ASEAN “đặc biệt lo ngại” về hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, theo một bản dự thảo tuyên bố chung sẽ được đưa ra vào cuối hội nghị ở Malaysia vào hôm nay 6/8.

ASEAN “lo ngại nghiêm trọng” về hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông - 1

Ngoại trưởng các nước trong một hoạt động chụp ảnh chung tại Kuala Lumpur (Ảnh: AFP)

Theo Reuters, tuyên bố chung sẽ cho biết các vấn đề Biển Đông đã được thảo luận tích cực.

Tuyên bố cũng nói rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ tiến tới “giai đoạn tiếp theo” của các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm ràng buộc các bên vào các quy định chi tiết về ứng xử của các bên.

Các nước thành viên ASEAN đã tranh cãi gay gắt trước khi nhất trí về các ngôn từ trong tuyên bố chung sau các cuộc hội đàm, trong đó các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm.

Trước đó, các nguồn tin cho biết các quốc gia Đông Nam Á chưa nhất trí về một tuyên bố chung vì bất đồng về cách thức đề cập tới các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự trì hoãn trong việc đưa ra tuyên bố chung là một dấu hiệu cho thấy sự không thống nhất trong nội bộ ASEAN nhằm đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo gần đây.

“Tuyên bố chung lẽ ra đã được hoàn thành hôm qua, nhưng cho tới nay nó vẫn chưa được nhất trí”, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 6/8.

“Đoạn nhắc tới Biển Đông đang gây ra một số vấn đề”, ông Shanmugam nói, cho biết thêm rằng “chưa có sự nhất trí về nội dung này”. Ông Shanmugam không tiết lộ thông tin chi tiết.

Trung Quốc đã gây lo ngại khi mở rộng các bãi đá nhỏ và xây dựng các cơ sở quân sự, những bước đi bị các láng giềng xem là vi phạm một cam kết chung của khu vực nhằm tránh các hành động khiêu khích ở Biển Đông.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết với AFP rằng Philippines và Việt Nam kêu gọi giọng điệu mạnh mẽ hơn đối với hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc. Tuy nhiên, các đồng minh truyền thống của Trung Quốc trong ASEAN lại không đồng tình với điều đó.

“Những người bạn của Trung Quốc đang có lập trường cứng rắn”, một nhà ngoại giao biết về bản dự thảo cho hay. Quan chức này không nhắc cụ thể những nước nào có lập trường cứng rắn.

Tình huống này gợi nhớ tới hội nghị ASEAN năm 2012 do Campuchia làm chủ nhà, khi nhóm không đưa ra tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm.

Campuchia bị cáo buộc là nguyên nhân của sự việc khi từ chối cho phép đưa vào bản tuyên bố chung những chỉ trích đối với Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

“Trung Quốc đã tìm cách cản trở ASEAN về cách thức bàn tới Biển Đông. Nước này biết làm thế nào để chia rẽ chúng tôi. Hãy nhìn những gì từng xảy ra tại Campuchia”, một nhà ngoại giao cho biết tại Kuala Lumpur.

Đại diện của 27 quốc gia - trong đó có Mỹ và Trung Quốc - đã có mặt tại Kuala Lumpur trong ngày 6/8, ngày cuối cùng của các hội nghị an ninh khu vực, nơi các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông trở thành chủ đề “nóng”.

Phát biểu tại Kuala Lumpur ngày 6/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Washington sẽ không chấp nhận các hạn chế về tự do hàng hải và tự do bay, hoặc các sử dụng hợp pháp khác đối với vùng biển này. 

An Bình