1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown:

Anh sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ

(Dân trí) - Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn BBC hôm 7/1, Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown tiết lộ sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ nếu ông trở thành Thủ tướng thay thế ông Tony Blair.

Ông Brown cho biết sẽ thúc đẩy quan hệ “thẳng thắn” hơn với nhà lãnh đạo Nhà Trắng. Bộ trưởng nói: “Nếu được ở trên cương vị mới, tôi mong chờ được làm việc với Tổng thống Mỹ, George Bush. Rõ ràng, tôi sẽ nói những gì trong suy nghĩ. Tôi sẽ rất thẳng thắn. Lợi ích quốc gia của nước Anh là điều mà tôi và các đồng nghiệp của tôi quan tâm”.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết thêm: “Ai hiểu tôi đều biết tôi đã làm việc chặt chẽ với các thành viên của cả hai đảng trong quốc hội Mỹ trong nhiều năm qua”.

 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về cuộc phỏng vấn của Brown.

 

Thủ tướng Anh Tony Blair từng phát biểu rằng ông sẽ thôi giữ cương vị Thủ tướng và vai trò lãnh đạo Công đảng Anh trước tháng 9/2007. Gordon Brown, người được đánh giá cao trong việc giúp Blair khôi phục lại vị thế của Công đảng, dường như không gặp khó khăn nào trên con đường trở thành lãnh đạo đảng này. 

 

Với những bình luận được phát sóng trên đài BBC vào sáng chủ nhật, 7/1, Gordon Brown dường muốn phân biệt mình với ông Blair, người từng bị chỉ trích vì quá ủng hộ Tổng thống Bush và cuộc chiến tại Iraq.

Liên quan tới cuộc chiến tại
Iraq, ông Brown nói: “Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm và tôi sẽ không né tránh điều đó trên cương vị là một thành viên của chính phủ”. Gordon Brown cam kết sẽ rút quân từng phần tại Iraq: “Cuối năm nay, quân đội Anh tại Iraq sẽ ít hơn hàng nghìn người so với bây giờ”.

 

Cùng với Tony Blair, Brown là quan chức cấp cao hàng đầu thứ 2 của Anh bày tỏ sự bất bình với vụ án treo cổ Saddam Hussein.

 

“Bây giờ, chúng ta đã nhìn thấy toàn cảnh của bức tranh về những điều đã xảy ra và có thể kết luận cách thức hành hình Saddam là một hành động đáng chê trách. Tất nhiên chính phủ Iraq giờ đây đã thể hiện sự lo sợ và xấu hổ. Họ đã không làm gì để thu hẹp căng thẳng giữa 2 cộng đồng Sunni và Shiite”, Bộ trưởng Tài chính nhận xét.

 

Brown nói thêm: “Thậm chí với những người ủng hộ bản án tử hình cũng cảm thấy việc làm đó là không thể chấp nhận và tôi hoàn toàn nhất trí việc tiến hành một cuộc điều tra tổng thể. Tôi hi vọng chúng ta có thể rút kinh nghiệm về những gì đã xảy ra tại Iraq”.

 

Cũng nhân cơ hội xuất hiện trên đài truyền hình BBC, Bộ trưởng Tài chính cam kết sẽ trao nhiều quyền hành hơn cho chính phủ, quốc hội dưới sự lãnh đạo của ông.

 

“Một nền chính trị mới sẽ xuất hiện tại đất nước này, một phong cách lãnh đạo mới trong tương lai, một chính phủ của tất cả những nhân tài”, ông Brown tuyên bố.

 

Bộ trưởng kết luận: “Tôi không nghĩ đó là sự thay đổi phong cách cá nhân. Tôi nghĩ rằng những thách thức của tương lai yêu cầu một cái gì đó khác với quá khứ”.

 

Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown, sinh năm 1951, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Tài chính ngày 2/5/1997. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown là người nhận được tín nhiệm cao nhất của cử tri cho chức vụ Thủ tướng thay thế Tony Blair sẽ từ chức vào cuối năm nay.

 

VTH

Theo Independent, AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm