Anh, Pháp bắt đầu tung lực lượng cùng Mỹ chống IS
(Dân trí) - Quân đội Anh và Pháp ngày 15/9 xác nhận đã tung những chuyến bay do thám đầu tiên tại Iraq, để hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch không kích chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan IS, trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về sự lớn mạnh của IS.
Thông tin trên được Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra trong chuyến thăm tới căn cứ Al-Dhafra của Pháp tại Các tiểu vương quốc A rập thống nhất.
“Ngay trong sáng nay, những chuyến bay do thám đầu tiên sẽ được thực hiện với sự đồng ý của giới chức Iraq và Các tiểu vương quốc A rập thống nhất”, ông Le Drian nói.
Không lâu sau đó, 2 chiến đấu cơ Rafale của Pháp đã cất cánh từ căn cứ này, phóng viên AFP cho biết.
Chuyến thăm của ông Le Drian tới căn cứ trên diễn ra trong bối cảnh Paris đang đăng cai một hội nghị quốc tế về việc ngăn chặn các phần tử thuộc nhà nước Hồi giáo, những kẻ đã chiếm được một phần diện tích rộng lớn tại Iraq và Syria.
Không khí của hội nghị này càng trở nên khẩn trương sau khi con tin phương Tây thứ ba, một nhân viên cứu trợ người Anh có tên David Haines, bị hành quyết hôm thứ Bảy.
Anh trước đó cũng đã thực hiện các chuyến bay do thám quy mô lớn tại Iraq để hỗ trợ cho Mỹ thông qua các căn cứ trong khu vực tại đảo Síp, nhưng đến nay vẫn đứng ngoài các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của IS.
Le Drian khẳng định chuyến thăm của ông tới căn cứ trên “diễn ra vào một thời điểm cực kỳ nghiêm trọng”, do mối đe dọa mà IS tạo ra. “Chúng ta phải sẵn sàng can thiệp”, vị Bộ trưởng khẳng định với các binh sỹ tại căn cứ. “Nước Pháp cần sẵn sàng tại thời điểm có ý nghĩa quyết định tới an ninh của mình – do an ninh của Pháp cũng bị đe dọa bởi cái gọi là nhà nước Hồi giáo”.
Quốc tế lo ngại sâu sắc về IS
Tại một cuộc họp quốc tế trong ngày 15/9, lãnh đạo các nước Pháp và Iraq đã hối thúc quốc tế có hành động nhanh chóng chống lại nhóm nhà nước Hồi giáo.
“Không còn thời gian để lãng phí”, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định trong bài phát biểu tại hội nghị Paris, với đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quốc tế. “Cuộc chiến của người Iraq chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng chính là cuộc chiến của chúng ta”.
Tổng thống Iraq Fuad Masum cũng nhấn mạnh mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng. “Chúng ta cần hành động nhanh chóng bởi nếu trì hoãn, nếu chiến dịch này và sự ủng hộ dành cho Iraq bị trì hoãn, có lẽ những kẻ khủng bố sẽ chiếm thêm những vùng đất mới và mối đe dọa của chúng càng lớn hơn”.
Theo thống kê của CIA, IS có tới 31.500 tay súng, và đang kiểm soát 25% lãnh thổ Syria và 40% lãnh thổ Iraq.
Tại cuộc hội thảo này, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tìm cách để cụ thể hóa chiến lược của liên minh do Mỹ lãnh đạo, sau một loạt chuyến đi marathon tại Trung Đông để kêu gọi hỗ trợ. Tổng thống Mỹ Obama đã đề ra chiến dịch để đánh bại IS, bao gồm không kích tại Syria và mở rộng chiến dịch tại Iraq.
Liên minh do Mỹ lãnh đạo đã nhận được sự ủng hộ quan trong khi thủ tướng Úc cam kết triển khai 600 binh sỹ tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, một đồng minh của Mỹ trong khu vực. 10 quốc gia Ả rập, bao gồm A rập xê út, nằm trong số các quốc gia ủng hộ liên minh này.
Phát biểu tại Paris, một quan chức Mỹ khẳng định số quốc gia tham gia “đang tăng hầu như từng giờ”, từ châu Âu tới Trung Đông, sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Thanh Tùng
Tổng hợp