1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Anh "khoe" tàu sân bay mới dài tương đương 28 chiếc xe buýt

(Dân trí) - Tàu sân bay mới của hải quân hoàng gia Anh đã được đặt tên tại một buổi lễ có sự tham gia của Nữ hoàng Anh Elizabeth II ở Scotland hôm qua 4/7.

Nữ hoàng Anh và chồng tham dự lễ đặt tên cho tàu sân bay mới.
Nữ hoàng Anh và chồng tham dự lễ đặt tên cho tàu sân bay mới.

Nữ hoàng Elizabeth II đã đập một chai rượu whiskey vào tàu chiến lớn nhất của Anh khi bà đặt tên cho con tàu tại xưởng đóng tàu Rosyth. Vị Nữ hoàng 88 tuổi đã tham gia buổi lễ đặt tên cùng chồng, ông hoàng Philip, người từng phục vụ trong hải quân thời Thế chiến II.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là một trong 2 hàng không mẫu hạm được chế tạo với chi phí tổng cộng 10,6 tỷ USD để tăng cường các khả năng của hải quân Anh.

Nữ hoàng Elizabeth cho hay con tàu chỉ huy tương lai của Anh, dự kiến sẽ đi vào phục vụ năm 2020, "đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử hải quân".

"Dù con tàu này có thể phục vụ ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, hãy để tất cả những người phục vụ trên đó biết rằng hôm nay con tàu sẽ được phù hợp với những lời cầu nguyện của chúng tôi để đạt được thành công và trở về an toàn", Nữ hoàng Elizabeth II nói.
 
"Tôi đặt tên cho con tàu này là Queen Elizabeth. Chúa phù hộ cho nó và tất cả những người đi trên tàu", bà tuyên bố.

Con tàu được đặt tên theo đương kim Nữ hoàng của Anh và Nữ hoàng Elizabeth I, người trị vì từ 1558-1603.

Thủ tướng Anh David Cameron gọi HMS Queen Elizabeth "sẽ là mũi nhọn của sức mạnh trên biển của Anh trong nửa thế kỷ tới".

Đội bay nhào lộn Red Arrows nổi tiếng của Anh hôm qua cũng tham gia trình diễn chào mừng tàu sân bay mới, nhả khói xanh, đỏ và trắng bên trên con tàu.
 
Dài hơn 28 chiếc xe buýt
 
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện là tàu chiến lớn nhất của Anh.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện là tàu chiến lớn nhất của Anh.
 
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dài 280 m, tương đương 28 chiếc xe buýt tại London hoặc gần gấp 3 lần chiều dài của cung điện Buckingham - và cao 56 m.

Hoàng gia Anh đã không có tàu sân bay nào kể từ khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Cameron cho về vườn các tàu sân bay cũ của Anh hồi năm 2010 trong khuôn khổ các biện pháp thắt chặt chi tiêu.

HMS Queen Elizabeth, thuộc lớp Queen Elizabeth (QE), được khởi đóng 7 năm trước. Con tàu sẽ được hạ thủy lần đầu tiên vào cuối tháng này và các cuộc thử nghiệm trên biển dự kiến bắt đầu vào năm 2017. Các chuyến bay thử đối với máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35 được trang bị cho tàu sân bay sẽ bắt đầu vào năm 2018.

Trong khi đó, con tàu chị em của HMS Queen Elizabeth, tên gọi HMS Prince of Wales, vẫn đang được đóng.

Khi đi vào hoạt động đầy đủ, các tàu sân bay mới lớp QE có thể chở 40 máy bay và sẽ là một căn cứ di động cho hải quân, không quân và thủy quân lục chiến Anh khắp thế giới.
 
Đội bay nhào lộn Red Arrows nổi tiếng của Anh trình diễn chào mừng tàu sân bay mới.
Đội bay nhào lộn Red Arrows nổi tiếng của Anh trình diễn chào mừng tàu sân bay mới.

Bộ trưởng quốc phòng Anh Philip Hammond cho rằng HMS Queen Elizabeth đã chứng minh năng lực của Anh.

"Con tàu này - tàu chiến lớn nhất mà hải quân Anh từng có - là một minh chứng cho khả năng của Anh, với sự đóng góp của những công nhân giỏi nhất trên khắp cả nước", ông Hammond cho biết trong một tuyên bố.

Được hợp tác chế tạo bởi một nhóm gồm các tập đoàn BAE Systems, Babcock, Thales và Bộ quốc phòng Anh, việc đóng các tàu sân bay mới có sự tham gia của khoảng 10.000 công nhân tại 6 xưởng đóng tàu.

Nhưng với việc Queen Elizabeth và máy bay chiến đấu F-35 chưa được đưa vào sử dụng cho tới tận năm 2020, Anh sẽ không có tàu sân bay nào trong 6 năm tới.

Hiện đã nảy sinh các câu hỏi về việc liệu Anh có cần các tàu sân bay lớn như vậy hay không trong khi vai trò quân đội của nước này giảm bớt trên thế giới.

Xem video:

 


An Bình
Theo AFP, AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm