Anh cấp hỏa lực cho Ukraine, Nga cảnh báo "đưa vào tầm ngắm"
(Dân trí) - Moscow cảnh báo, các hệ thống pháo tầm xa, chống tăng, chống hạm của Anh và phương Tây gửi cho Ukraine sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga nếu chúng được đưa vào biên giới Ukraine.
"Tất cả các hoạt động cấp vũ khí (cho Ukraine) đang gây bất ổn, đặc biệt là những vũ khí mà (Bộ trưởng Quốc phòng Anh) Ben Wallace đề cập đến. Những vũ khí này làm gia tăng căng thẳng, khiến tình hình tồi tệ hơn. Rõ ràng, đây là các hệ thống vũ khí mới, độ chính xác cao. Hiển nhiên, quân đội của chúng tôi sẽ coi đó là mục tiêu hợp pháp nếu chúng được đưa vào biên giới Ukraine", Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin nói với hãng thông tấn TASS ngày 2/4.
Cảnh báo trên được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace hôm 31/3 cho biết, Anh và một số nước phương Tây đang gửi thêm vũ khí cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Ông Wallace cho biết, các vũ khí này bao gồm pháo tầm xa, tên lửa và xe bọc thép.
"Sẽ có thêm vũ khí sát thương hỗ trợ cho Ukraine", Bộ trưởng Wallace nói, song nhấn mạnh các viện trợ này không bao gồm xe tăng hay các vũ khí sát thương cao hơn mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị. Ông cho rằng, Ukraine cần pháo tầm xa để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga nhằm vào các thành phố, trong đó có Mariupol.
Trước đó, các nước NATO, trong đó có Mỹ, đã nhất trí cung cấp các tên lửa đất đối không Javelin và vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW), tên lửa phòng không Stinger, máy bay không người lái TB2 cho Ukraine. Đến nay, riêng Anh đã gửi 4.000 nghìn tên lửa chống tăng.
Hôm 1/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết, nước này đã "bật đèn xanh" cho việc cung cấp 58 xe thiết giáp BMP-1 do Liên Xô thiết kế và chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh cho Ukraine.
Xe chiến đấu bộ binh bọc thép BMP-1 được đưa vào kho vũ khí của quân đội Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Các xe thiết giáp BMP-1 hiện thuộc sở hữu của một công ty Séc, nhưng việc chuyển giao cho bên thứ 3 cần phải được Berlin phê duyệt do thỏa thuận người sử dụng cuối cùng. Tuy vậy, việc chuyển giao các xe thiết giáp này chưa thể tiến hành ngay vì cần được sửa chữa và bảo trì mất khoảng vài tuần. Đến nay, Đức hứa cung cấp các khí tài hạng nặng cho Ukraine mà chỉ dừng lại ở một số hệ thống chống tăng và phòng không. Berlin cũng bác bỏ kịch bản triển khai binh sĩ đến Ukraine với lý do điều này có thể kéo theo xung đột trực tiếp với Nga. Đây cũng chính là lý do các nước phương Tây từ chối cung cấp máy bay chiến đấu, xe tăng cho Ukraine.
Phương Tây đã liên tục hỗ trợ vũ khí, khí tài cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở đây từ ngày 24/2. Moscow nhiều lần cảnh báo, việc cung cấp này là hành động nguy hiểm đe dọa đến an ninh khu vực, đồng thời tuyên bố bất cứ đoàn xe chở vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga.