1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ: Chính phủ mới trước những thách thức cũ

(Dân trí) - Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền do Đảng Quốc đại đứng đầu đã giành chiến thắng quyết định trong cuộc tổng tuyển cử suốt gần 1 tháng qua ở Ấn Độ. Kết quả sẽ mang cho Ấn Độ một chính phủ mới ổn định để đối phó với những thách thức cũ.

Ấn Độ: Chính phủ mới trước những thách thức cũ  - 1
Chủ tịch đảng Quốc đại Grandhi (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
“Một chính phủ tốt”

 

Trong Quốc hội Ấn Độ gồm tổng số 543 ghế, Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền do Đảng Quốc đại đứng đầu đã giành thắng lợi với 261 ghế, riêng Đảng Quốc đại được 205 ghế. Dư luận trong nước cũng phải bất ngờ với kết quả này và đưa tin Thủ tướng Manmohan Singh, một nhà kinh tế được ca ngợi, chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp - trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Ấn Độ. 

 

Các nhà phân tích cho rằng kết quả cuộc bầu cử đã dọn đường cho một chính phủ ổn định hơn vào thời điểm mà nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển chậm lại trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và đất nước đang phải đối mặt với tình hình an ninh nguy hiểm. Chiến thắng này phản ánh thực tế là cử tri Ấn Độ đang ủng hộ cho một chính phủ tốt.

 

Đảng Quốc đại, với vai trò đảng cầm quyền, trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ qua đã rất được lòng dân nhờ những hoạt động nhằm bảo đảm lợi ích của chương trình cải cách kinh tế, đặc biệt là giúp người nghèo bảo đảm việc làm ở nông thôn.

 

Đảng này gồm đủ 3 thành phần chính yếu, thành phần trẻ là ông Rahul Gandhi năm nay 38 tuổi, hậu duệ của dòng họ Gandhi. Thành phần cao tuổi có đủ kinh nghiệm là Thủ tướng Manmohan Singh năm nay 76 tuổi. Và thứ ba là bà Sonia Gandhi thuộc thành phần nữ giới đang giữ vai trò điều hành đảng. Chiến thắng vẻ vang bất ngờ của đảng cầm quyền sẽ cho phép nội các tương lai được ổn định. Đa số các nhật báo cũng nhấn mạnh đến vai trò của ông Rahul Gandhi trong việc giành thắng lợi rõ rệt ngày hôm nay về tay đảng Quốc đại. 

 

“Cải cách sẽ tiếp tục được tiến hành”

 

Chiến thắng của đảng Quốc đại có nghĩa là cải cách kinh tế sẽ tiếp tục được tiến hành, Ấn Độ sẽ tiếp tục có một chính phủ ổn định. Đảng Quốc đại còn thiếu khoảng hơn 10 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Tuy nhiên, đảng này có thể dễ dàng liên minh với một hay hai đảng phái chính trị khác để có được đa số tuyệt đối cần thiết. Đây chính là một điều hết sức đáng mừng cho sự ổn định chính trị của Ấn Độ, bởi vì nếu như đảng Quốc đại phải liên minh với quá nhiều đảng nhỏ để thành lập chính phủ, thì Thủ tướng Manmohan Singh luôn ở trong thế bị động. Nhưng kịch bản này sẽ không xảy ra và trên nguyên tắc thủ tướng Ấn Độ trong tương lai sẽ tương đối tự do để hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai.

 

Còn về chính sách ngoại giao, Ấn Độ sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, những cải thiện trong quan hệ giữa 2 nước hồi gần đây sẽ tiếp tục được xây dựng. Thắng lợi này cũng có nghĩa là Ấn Độ sẽ vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Pakistan vì vụ tấn công thành phố Mumbai cũng như sẽ giữ một vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề Pakistan và Afghanistan. Vì Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn có một phương pháp của khu vực giải quyết vấn đề trong khu vực và ông muốn Ấn Ðộ tham gia vào các vấn đề trong vùng và giờ đây Ấn Ðộ sẽ giữ một vai trò tích cực hơn. 

 

Những thách thức chính

 

Trước tiên là kinh tế. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm từ mức 9% năm 2007 xuống còn khoảng 7% năm ngoái. Sản xuất công nghiệp đã giảm xuống mức tăng trưởng âm, xuất khẩu cũng đã giảm bảy tháng liên tiếp tính đến tháng 4. Chính phủ phải thúc đẩy được đà tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong điều kiện này.

 

Thách thức ngoại giao lớn nhất của New Delhi sau vụ tấn công khủng bố ở Mumbai là quan hệ với Pakistan. Ấn Độ muốn Pakistan hành động nhiều hơn nữa để trấn áp các hoạt động của những phần tử cực đoan trên lãnh thổ nước này. Ấn Độ có thể phải đối mặt với áp lực từ Mỹ để nối lại tiến trình hòa bình đang bế tắc và bắt đầu thảo luận về khu vực Kashmir tranh chấp với Pakistan, khi Obama cần sự tập trung của Pakistan trong cuộc chiến với phần tử nổi dậy ở Pakistan và Afghanistan.

 

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải thương lượng được một thỏa thuận có lợi tại vòng đàm phán thương mại thế giới Doha. Những nước giàu đang cố dựa vào Ấn Độ để mở cửa hơn nữa các thị trường của họ, nhưng Ấn Độ lo ngại hàng nghìn nông dân nghèo sẽ bị ảnh hưởng.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp