Ấn Độ, Bangladesh lo ngại tác động từ dự án siêu đập của Trung Quốc
(Dân trí) - Dự án đập thủy điện của Trung Quốc ở Tây Tạng lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp đang khiến các nước láng giềng như Ấn Độ, Bangladesh lo ngại.
Reuters ngày 26/12 đưa tin, Trung Quốc đã phê duyệt xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới, một dự án đầy tham vọng ở rìa phía Đông của cao nguyên Tây Tạng.
Theo ước tính của Tổng công ty xây dựng điện lực Trung Quốc, đập này sẽ nằm ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo, có thể sản xuất 300 tỷ kWh điện mỗi năm. Con số này gấp hơn 3 lần công suất thiết kế 88,2 tỷ kWh của đập Tam Hiệp, hiện là đập lớn nhất thế giới, ở miền Trung Trung Quốc.
Kinh phí xây dựng đập, bao gồm cả chi phí kỹ thuật, cũng dự kiến vượt qua đập Tam Hiệp có chi phí 254,2 tỷ nhân dân tệ (gần 35 tỷ USD). Chi phí này bao gồm việc tái định cư 1,4 triệu người dân phải di dời và cao gấp 4 lần ước tính ban đầu là 57 tỷ nhân dân tệ.
Một đoạn của sông Yarlung Zangbo có độ dốc lớn tới 2.000m trong phạm vi ngắn 50km, mang lại tiềm năng thủy điện lớn.
Tuy nhiên, Ấn Độ và Bangladesh đã nêu lên mối lo ngại về con đập vì dự án có khả năng làm thay đổi không chỉ hệ sinh thái địa phương mà còn cả dòng chảy ở hạ lưu.
Sông Yarlung Tsangpo chảy qua cao nguyên Tây Tạng. Sau khi qua khu tự trị Tây Tạng, Yarlung Tsangpo nhập vào sông Brahmaputra, chảy về phía Nam vào các bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ và cuối cùng vào Bangladesh.
Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thủy điện trên thượng nguồn sông Yarlung Zangbo, chảy từ phía Tây sang phía Đông Tây Tạng. Họ đang lên kế hoạch cho nhiều dự án ở thượng nguồn.
Theo giới chức Trung Quốc, các dự án thủy điện ở Tây Tạng, nơi nắm giữ hơn 1/3 tiềm năng thủy điện của Trung Quốc, sẽ không có tác động lớn đến môi trường hoặc nguồn cung cấp nước hạ lưu.
Hãng thông tấn Xinhua đưa tin, dự án có nhiệm vụ giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu về trung hòa carbon, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan như kỹ thuật, đồng thời tạo việc làm tại Tây Tạng.