1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa siêu âm nhanh nhất thế giới

(Dân trí) - Ấn Độ vừa lần đầu bắn thử tên lửa siêu âm nhanh nhất thế giới BrahMos từ máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 do Nga sản xuất. Ấn Độ xác nhận vụ thử đã thành công và tên lửa này sẽ "thay đổi cuộc chơi” trong bất cứ nền quân sự nào trên thế giới.

Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa siêu âm nhanh nhất thế giới


Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-39MKI (Ảnh: AFP)

Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-39MKI (Ảnh: AFP)

RT trích phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đây là lần đầu tiên Ấn Độ bắn thử tên lửa BrahMos từ máy bay Su-30.

“Việc phóng thành công tên lửa hành trình BrahMos từ máy bay Su-30MKI sẽ nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của Không quân Ấn Độ”, thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh. Su-30MKI, một biến thể của máy bay Su-30, cất cánh từ căn cứ không quân Kalaikunda ở bang Tây Belgan đã bắn tên lửa BrahMos vào một chiếc tàu ngừng hoạt động nằm trong vịnh Belgan ngày 22/11.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã chúc mừng quân đội và các kỹ sư chế tạo tên lửa, đánh giá đây là “thành tựu vượt bậc”. Các cuộc thử nghiệm phóng tên lửa từ máy bay vốn bị coi là rủi ro. Trước đó, hàng chục máy bay trên toàn thế giới đã bị phá hủy từ những vụ thử nghiệm như vậy.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng tên lửa BrahMos có thể sẵn sàng gia nhập biên chế không quân Ấn Độ, một quan chức chính phủ cấp cao chia sẻ với Hindu Times, cho biết. Theo bài báo này, Ấn Độ dự kiến sẽ trang bị cho ít nhất 2 phi đội Su-30, gồm 18 máy bay, loại tên lửa tối tân này.

Tên lửa BrahMos nằm trong dự án hợp tác chế tạo vũ khí quân sự giữa Ấn Độ và Nga. Tên của tên lửa được ghép từ tên 2 dòng sông nổi tiếng tại 2 nước Brahmaputra và Moskva. Đây hiện là tên lửa hành trình siêu âm nhanh nhất thế giới đang tham gia tác chiến. Nó có thể đạt tới tốc độ 3.700km/h, gấp 3 tốc độ âm thanh. BrahMos có tầm bắn 290km và nặng 2,5 tấn, được coi là vũ khí nặng nhất mà một máy bay Su-30 từng mang.

Giám đốc điều hành của công ty không gian vũ trụ BrahMos Sudhir Mishra nhận định, tên lửa giống như BrahMos sẽ "thay đổi cuộc chơi” tại bất cứ nền quân sự nào trên thế giới. Ấn Độ hiện đang sở hữu 2 phiên bản tên lửa BrahMos trên đất liền và phiên bản hải quân. Với việc phóng thành công biến thể BrahMos trên không, Ấn Độ đã hoàn thành bộ 3 tên lửa hành trình chiến thuật.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng chia sẻ rằng máy bay Su-30MKI trong tương lai không chỉ có khả năng mang 1 tên lửa BrahMos mà có thể mang 3 tên lửa kích thước nhỏ hơn cùng loại. Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch nâng cấp BrahMos, nâng tầm tấn công của tên lửa lên 450km.

Đức Hoàng

Theo RT