1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ bác yêu cầu của Trung Quốc về hợp đồng ở Biển Đông

(Dân trí) - Ấn Độ vừa chính thức bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi đoàn dầu mỏ quốc gia Ấn Độ ONGC phải đình chỉ dự án thăm dò hai lô dầu khí ở ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.

 
New Delhi khẳng định những dự án thăm dò dầu khí ở hai lô của Việt Nam trên Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam xúc tiến dự án này.

“Đây là chương trình hợp tác thương mại và kinh tế thiết thực với Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash nói tại New Delhi. “Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hydrocarbon cũng như năng lượng tái chế là những mặt quan trọng của chương trình này”.

Ấn Độ có phản ứng kiên quyết trên sau khi Trung Quốc ngang nhiên đòi tập đoàn dầu mỏ quốc gia Ấn Độ ONGC phải đình chỉ đề án thăm dò hai lô dầu khí ở ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.

Theo báo chí Ấn Độ, đây là hai lô 127 và 128 thuộc vùng Biển Đông, ngay ngoài khơi Bình Định và Phú Yên mà đối tác Ấn Độ đã được Việt Nam trao quyền khai thác từ lâu.

Theo bản tin trên trang Web của nhật báo Ấn Độ Hindustan Times, Bắc Kinh đã chính thức liên lạc với New Delhi qua con đường ngoại giao để phản đối hai dự án hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí trên Biển Đông mà tập đoàn Ấn ONGC Videsh Ltd (OVL) đang xúc tiến.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trung Quốc Jiang Yu cũng vừa tuyên bố: “Trung Quốc xác nhận một lần nữa chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Hoa Nam (Biển Đông)” - tuyên bố không đề cập trực tiếp đến Ấn Độ.

Theo phía Trung Quốc, tập đoàn Ấn Độ phải xin phép Bắc Kinh trong việc khai thác hai lô mang ký hiệu 127 và 128, nếu không thì các hoạt động của OVL trong khu vực sẽ bị coi là bất hợp pháp.

Yêu cầu của Trung Quốc đã bị bộ Ngoại giao Ấn Độ bác bỏ vì đòi hỏi đó “không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, và New Delhi khẳng định hai lô mà tập đoàn dầu khí Ấn Độ được quyền khai thác là sở hữu của Việt Nam.

“Đồng thời với việc trả lời Trung Quốc một cách thích hợp, vấn đề này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng SM Krishna bắt đầu từ ngày 16/9” tờ Hindustan Times dẫn lời một quan chức bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận.

Theo các nguồn tin từ bộ Ngoại giao Ấn Độ, Việt Nam đã xác định có chủ quyền đối với hai lô 127 và 128, đúng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Cần nói rõ thêm là hai lô 127 và 128 nằm không xa bờ biển Việt Nam đoạn từ Bình Thuận đến Phú Yên, thuộc khu vực gọi là Bể trầm tích Phú Khánh. Lô 127 rất gần khu vực bể Nam Côn Sơn nổi tiếng nhờ hai mỏ khí đốt Lan Đô và Lan Tây do chính tập đoàn ONGC phát hiện ra vào đầu thập niên 1990. Nam Côn Sơn hiện là nguồn cung cấp khí đốt thiên nhiên cho Việt Nam qua ngả Vũng Tàu.

ONGC Videsh đã được phía Việt Nam giao quyền thăm dò khai thác hai lô 127 và 128 từ đợt đấu thầu năm 2004, và đến năm 2006, đã chính thức ký hợp đồng phân chia sản phẩm với với tập đoàn dầu khi quốc gia PetroVietnam.

Theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh gây sức ép đòi các tập đoàn dầu khí ngoại quốc phải ngừng hợp tác với Việt Nam trong các dự án ngoài Biển Đông, với lý do là các đề án đó nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Nhật Mai
Theo Hindustan Times, Economic Times, AFP