1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Aleppo "thất thủ", Nga thắng về ngoại giao

Lực lượng nổi dậy đã đánh mất thế hợp pháp và hình ảnh một thế lực đủ sức thay thế về chính trị và quân sự ở Syria.

Chiến sự ở Aleppo đã đến hồi kết thúc. Quân nổi dậy vốn kiểm soát khu vực phía đông Aleppo từ năm 2012 đã bị đánh bật khỏi TP lớn thứ hai của Syria.

GS Fabrice Balanche, chuyên gia Viện Nghiên cứu Washington (Mỹ), đánh giá đây là một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến Syria như trận chiến Stalingrad trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thắng lợi ở Aleppo sẽ củng cố thêm quyền lực và quyết tâm tái chiếm các vùng lãnh thổ thuộc khu vực “Syria hữu ích” còn trong tay quân nổi dậy.

Báo Huffington Post (Pháp) ghi nhận từ nay chính quyền Syria đã có thể mở lại trục nối liền biên giới Jordan ở miền Nam Syria với hầu hết biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc.

Người dân khu vực phía tây Aleppo đổ ra đường ăn mừng giải phóng Aleppo. Ảnh: REUTERS
Người dân khu vực phía tây Aleppo đổ ra đường ăn mừng giải phóng Aleppo. Ảnh: REUTERS

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông (ĐH Oklahoma) Joshua Landis đánh giá thắng lợi ở Aleppo sẽ dẫn đến hiệu ứng “hòn tuyết lăn”. Một khi các nhóm chống chế độ hiểu rằng ngày tàn đã điểm, họ sẽ nghĩ đến giải pháp đàm phán.

Báo L’Orient-Le Jour bình luận chiến thắng ở Aleppo cũng đã chứng tỏ thắng lợi về ngoại giao của Nga ở Trung Đông.

Đây là thành quả từ chiến lược của Nga sau khi Nga can thiệp vào Syria hồi tháng 9-2015 vào thời điểm chính quyền Syria suy yếu trước sức mạnh quân sự của quân nổi dậy và các nhóm khủng bố.

Chiến lược của Nga nhằm bảo đảm an ninh và bảo toàn khu vực “Syria hữu ích”, loại trừ các nhóm nổi dậy, sau đó mới đàm phán khi không còn lực lượng nào đủ sức đưa ra điều kiện Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi.

Nhà nghiên cứu Anthony Samrani ở ĐH Jean-Moulin Lyon III (Pháp) nhận định Mỹ vừa bài xích chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, vừa tìm cách nối lại đàm phán hòa bình giữa chính quyền Syria và quân nổi dậy.

Nhiều lần Ngoại trưởng John Kerry còn hăm dọa sẽ thực hiện kế hoạch B để ép Nga.

Mỹ không muốn dấn sâu vào xung đột Syria nên ưu tiên đánh IS và nhường địa bàn Syria cho Nga. Mỹ nghĩ rằng qua thời gian, Nga sẽ sa lầy ở Syria trước sức mạnh của quân nổi dậy và lực lượng quân đội Syria non yếu.

Nào ngờ cuối cùng Mỹ đã xôi hỏng bỏng không. Tổng thống Obama chẳng có ý định thực hiện kế hoạch B nào hết. Chưa kể Nga còn được nhiều tác nhân quốc tế hỗ trợ.

Châu Âu bận bịu và mệt mỏi đối phó với hai cuộc khủng hoảng (di cư và khủng bố) cùng với vấn đề Brexit nên ít quan tâm đến Syria. Ở Mỹ, bà Hillary Clinton là người chủ trương cứng rắn với Nga đã thất cử.

Trong bối cảnh đó, chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể hậu thuẫn cho quân nổi dậy. Tuy nhiên, Saudi Arabia sa lầy trong chiến sự ở Yemen.

Thổ Nhĩ Kỳ đã hòa giải với Nga và sau vụ đảo chính hụt đã can thiệp vào Syria nhưng chỉ tập trung đánh người Kurd và IS ở miền Bắc Syria.

Rốt cuộc quân nổi dậy ở Syria muốn chiếm thế thượng phong về ngoại giao hay quân sự đều không thể.

Ngày 13-12, Trung tâm Nga về hòa giải các bên trong xung đột Syria cho biết quân đội chính phủ Syria thông báo sau bốn tuần Syria và Nga mở chiến dịch phản công (từ ngày 15-11), quân đội Syria đã bắt đầu giải phóng hang ổ cuối cùng của quân nổi dậy ở phía đông Aleppo. Sau đó, người dân ở khu vực phía tây Aleppo (do quân đội kiểm soát) đã đổ ra đường ăn mừng. Sau chiến thắng ở Aleppo, dự kiến quân đội Syria sẽ tập trung giải phóng TP Idlib (tây bắc) hoặc Al-Bab (đông bắc).

__________________________

5 TP lớn nhất Syria thuộc khu vực “Syria hữu ích” tập trung 70% dân số gồm thủ đô Damascus, Homs, Hama, Latakia và Aleppo. Khu vực này là các vùng có lợi ích về địa lý, chiến lược, kinh tế, dân số chạy dọc biên giới Lebanon và cửa ngõ ra Địa Trung Hải. Chính quyền Syria tập trung nguồn lực để kiểm soát khu vực này. Phần còn lại của Syria chỉ là sa mạc.

Theo Dạ Thảo

Pháp luật TPHCM