1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Aleppo: Syria thiếu lực, Nga khốn khổ trước đòn đánh của Mỹ

Chiến dịch giải phóng Aleppo gặp vô vàn khó khăn do quân đội Syria còn thiếu lực và Nga lúng túng trước sự chống phá quyết liệt của Mỹ.

Aleppo còn lâu mới được giải phóng

Trong bối cảnh giải phóng thành phố Mosul của Quân đội Iraq đang diễn ra thuận lợi, một chuyên gia quân sự Nga ngày 1/11 cho biết, trái ngược với diễn biến của Mosul, kế hoạch tái chiếm thành phố Aleppo của các lực lượng vũ trang Syria có thể còn kéo dài.

Đã hàng tuần qua, các nhóm phiến quân đối lập ngày đêm liên tục tấn công các vị trí của quân chính phủ ở phía tây nam Aleppo. Bọn khủng bố đã sử dụng xe bom cảm tử và những kẻ đánh bom tự sát trong các cuộc tấn công để làm chậm bước tiến của quân đội Syria.

Không những thế chúng còn đủ lực phát động các đợt phản công lớn. Hiện quân đội và lực lượng dân quân địa phương đã đẩy lùi được 2 đợt tấn công ở phía nam Aleppo, tuy nhiên, chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng khốc liệt tại khu vực học viện quân sự Al-Assad.

Do đó, Syria đã phải điều động số lượng xe tăng T-90 ít ỏi của mình đến khu vực này nhằm giúp lực lượng quân sự của mình trụ vững trước các đợt phản công phá vây quyết liệt của các nhóm phiến quân đối lập (chứ không phải là để mở các đợt tấn công mới).

Ngày 2/11, Phó giám đốc Viện SNG, chuyên gia quân sự Nga Vladimir Evseev cho rằng, chiến dịch của Lực lượng trung thành với chính phủ của ông Bashar al-Assad nhằm giải phóng thành phố Aleppo khỏi tay phiến quân Syria có thể bị kéo dài một thời gian rất lâu nữa.

Vì sao vị chuyên gia Nga lại khẳng định như vậy? Điều này xuất phát từ những nguyên nhân cả chủ quan từ quân đội Syria lẫn những nguyên nhân khách quan từ sự chống phá của Mỹ.

Nguyên nhân chủ quan: Syria không đủ lực, Nga hỗ trợ hỏa lực hạn chế

Một là: Quân đội Syria không đủ lực lượng

Những kẻ khủng bố (đối với chính quyền Syria, IS là khủng bố quốc tế, còn các nhóm phiến quân “đối lập ôn hòa” do Mỹ hậu thuẫn đòi lật đổ chính quyền hợp Hiến bằng vũ lực) phải bị tiêu diệt, nhưng nhiều khả năng sẽ bằng quá trình thắt chặt vòng vây.

Vị chuyên gia Nga nhận định, việc quân đội Syria không thể nhanh chóng dứt điểm Aleppo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các lực lượng trung thành với chính phủ Syria thực sự là không đủ mạnh để đánh một trận áp đảo.

Nếu thiếu hỏa lực không kích của Nga, Quân đội Syria không đủ lực để mở chiến dịch tổng tấn công Aleppo
Nếu thiếu hỏa lực không kích của Nga, Quân đội Syria không đủ lực để mở chiến dịch tổng tấn công Aleppo

Thông thường, để đánh một cứ điểm kiên cố, quân số và trang bị của bên tấn công ít nhất phải gấp 3, thông thường là gấp 4 lần bên phòng thủ.

Trong khi đó, theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga - Thượng tướng Valery Gerasimov, hiện chỉ tính ở phía đông Aleppo, các băng nhóm phiến quân đã có lực lượng hùng hậu tới hơn 7.000 quân. Như vậy, ít nhất thì Syria cũng phải huy động cho chiến trường Aleppo khoảng 30.000 quân.

Quân đội Syria không thể tập trung một lực lượng lớn cho một mặt trận chiến trường Aleppo như quân đội Iraq ở Mosul, bởi họ còn phải đánh cả tổ chức khủng bố IS và các nhóm đối lập đang kiểm soát nhiều vùng ở rải rác khắp đất nước.

Hiện nay, một bộ phận lớn quân số Syria đang phải cầm chân IS và các nhóm phiến quân đối lập khác ở Raqqa, Deir-Ez-Zor, Homs, Idlib, Hama… thậm chí là cả vùng ngoại ô thủ đô Damascus.

Hai là: Sự hỗ trợ hỏa lực của Nga bị hạn chế

Lực lượng đã hạn chế, quân đội Syria lại không có được sự hỗ trợ hỏa lực tốt nhất của Nga bởi gần nửa tháng nay Moscow đã ngừng không kích ở Aleppo do trong thành phố còn quá nhiều thường dân, chỉ cần 1 vụ việc tấn công nhầm vào các khu dân cư là có cớ cho phương Tây tập trung chống phá.

Việc Moscow điều nhiều tàu chiến mang tên lửa hành trình đến Syria cũng không có tác dụng thực tiễn cao đối với việc giải quyết chiến trường Aleppo, bởi ở mặt trận này, nắm đấm của bộ binh và hỏa lực yểm trợ của không quân mới là yếu tố quyết định.

Tên lửa hành trình chỉ có hiệu quả cao trong một đòn đánh toàn diện, đồng loạt, mang tính chất phủ đầu vào các mục tiêu đầu não để làm tê liệt hệ thống chỉ huy, phá hủy các công trình kiên cố và các hệ thống vũ khí tấn công-phòng thủ của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công tiếp theo của bộ binh.

Còn trong điều kiện tác chiến đô thị, nơi địa hình, địa vật có thể thay đổi hàng ngày; ta-địch đan xen, trang bị địch cơ động liên tục thì tên lửa hành trình không có hiệu quả như các loại hỏa lực mặt đất như pháo tự hành, hệ thống rocket nhiều nòng hay máy bay cường kích, trực thăng tấn công.

Hành động của Nga mang nhiều trang bị có tên lửa hành trình đến Syria chỉ nhằm mục đích trấn an đồng minh Syria và răn đe sự can thiệp quân sự của phương Tây chứ không hỗ trợ được nhiều cho quân đội Syria trong chiến dịch tái chiếm Aleppo.

Nhận định:

Trong bối cảnh Nga hạn chế không kích bởi sự chống phá của phương Tây, với quân số không đủ, lại chỉ dựa vào hỏa lực bộ binh (kể cả trong trường hợp có điều xe tăng T-90 tham chiến), việc đánh lớn vào Aleppo không khác gì hành động “húc đầu vào tường”.

Nếu Syria cứ cố tình tổng tấn công vào Aleppo thì dù có đánh tan quân đối lập nhưng cái giá phải trả cũng quá đắt, tái chiếm lại được Aleppo thì cũng kiệt quệ, không còn lực để mở các đợt tấn công khác, thậm chí có thể bị khủng bố IS đánh chiếm nhiều vùng đất ở Deir-Ez-Zor, Homs…

Quân đội Syria sẽ dùng thượng sách là tiếp tục bao vây, đánh lấn; kết hợp với việc mở hành lang nhân đạo, sơ tán dân và gọi hàng các lực lượng phiến quân để tiết kiệm xương máu quân đội và nhân dân Syria, đồng thời tránh tạo cớ cho phương Tây rêu rao là Nga-Syria giết hại nhiều dân thường.

Và Nga đang tiếp tục tiến hành theo chiến lược này. Song song với việc tăng cường hỏa lực mặt đất (điều động tăng T-90 và các hệ thống rocket nhiều nòng đến phía đông Aleppo), Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn mới ở Aleppo từ 9g00-19g00 ngày 4/11.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov cho biết, tất cả các hành lang nhân đạo được Trung tâm Nga về hòa giải ở Aleppo tổ chức thiết lập sẽ hoạt động phục vụ sơ tán dân thường. Đồng thời Nga còn tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận các tay súng đối lập hạ súng đầu hàng.

Quân đội Syria tại một điểm chốt thuộc “hành lang nhân đạo ở Aleppo
Quân đội Syria tại một điểm chốt thuộc “hành lang nhân đạo" ở Aleppo

Sự chống phá quyết liệt của liên minh do Mỹ cầm đầu

Ngoài những yếu tố chủ quan, chiến dịch giải phóng Aleppo của quân đội Syria cũng gặp quá nhiều trắc trở từ sự chống phá của liên minh do Mỹ cầm đầu.

Một là: Mỹ buộc Syria không thể huy động lực lượng tối đa cho chiến trường Aleppo

Vấn đề đầu tiên là khi tiến hành đánh Mosul, đã xuất hiện những thông tin rất đáng chú ý về việc Mỹ và Saudi Arabia thỏa thuận ngầm với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, về việc để ngỏ một hành lang an toàn ở phía Tây để cho chúng rút chạy khỏi Mosul sang phía Syria.

Dù thông tin trên là sự tiết lộ vô tình hay cố ý nhưng khả năng tiềm tàng về việc hàng ngàn tay súng IS có thể từ Mosul qua “hành lang an toàn” tràn sang Syria ở khu vực Deir-Ez-Zor và Raqqa, đã khiến ông Assad không thể tập trung tối đa binh lực cho chiến trường Aleppo.

Thứ 2 là về việc Lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) dự định mở rộng vùng kiểm soát nên đã tiến đánh nhiều thị trấn ở Aleppo nằm trong sự kiểm soát của lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do FSA và nhóm khủng bố al-Nusra (2 lực lượng chính kiểm soát Aleppo, là đồng minh của nhau).

Tuy Syria và người Kurd mỗi bên theo đuổi 1 mục đích nhưng chiến dịch của người Kurd là sự chia lửa gián tiếp cho quân đội Syria. Do đó, Mỹ đã mượn tay Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Lá chắn Euphrates” để truy đuổi lực lượng người Kurd rút lui về phía tây sông Euphrates.

Đó là lí do mà tại sao mặc dù quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện ở Iraq nhưng lực lượng người Kurd Iraq (Peshmerga) lại trở thành bộ phận quan trọng trong chiến dịch giải phóng Mosul, còn YPG ở Syria thì họ bị Thổ Nhĩ Kỳ truy đuổi về al-Hasakah.

Hai là: Tìm mọi cách ngăn cản Nga không kích ở Aleppo

Phương Tây đã triệt để khai thác khía cạnh chiến dịch Aleppo của Syria là nhằm vào phiến quân đối lập (lờ đi nhóm khủng bố al-Nusra đang là lực lượng chính ở Aleppo), trong khi chiến dịch Mosul của Mỹ thì chỉ đánh khủng bố IS, từ đó nêu bật “sự chính nghĩa” của Mỹ và đồng minh, đối lập với “sự phi nghĩa” của Nga và Syria.

Báo chí phương Tây tập trung đả kích việc Nga và chính quyền Assad chỉ chăm chăm tiêu diệt phe “đối lập ôn hòa”, bất chấp thực tế là đối với chính quyền Syria, quân đối lập cầm súng đòi lật đổ chính quyền hợp Hiến, bắn giết quân binh sĩ và nhân dân thì cũng không khác gì khủng bố.

Washington đã triệt để sử dụng truyền thông để gây sức ép với Moscow. Mỗi một cuộc oanh tạc của Nga đều bị báo chí phương Tây ồ ạt lên án là “vô nhân đạo” giết chết nhiều thường dân, trong khi Mỹ còn sử dụng cả pháo đài bay B-52 để ném bom rải thảm xuống thành phố Mosul.

Mỹ đã không thèm tác động đến những “đứa con nuôi” của mình để chúng cho phép cho dân thường rời khỏi Aleppo, các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ chăm chăm lên án Nga mà không hề hành động phối hợp với Moscow trong việc thiết lập các hành lang an toàn để di tản nhân dân.

Mục đích là nhằm hỗ trợ phiến quân đối lập lấy dân thường Syria làm “lá chắn sống” chặn đòn không kích của Nga, khiến Moscow và Damascus phải chùn tay không thể sử dụng hỏa lực mạnh để tiêu diệt sinh lực phiến quân ở Aleppo, dẫn đến không thể chiếm ưu thế ở Aleppo.

Ba là: Sử dụng con bài nhân quyền để gây sức ép với Nga

Ngày 28/10 vừa qua, Nga đã bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) sau khi thất bại trong phiên bầu lại 14/47 thành viên trong Hội đồng này. Kết thúc nhiệm kỳ 3 năm, Nga đã không được bầu lại và bị mất vị trí này vào tay Croatia.

Tại một cuộc họp của 193 thành viên Liên Hợp quốc hôm 28/10, Nga, Croatia và Hungary tranh nhau hai ghế dành cho Đông Âu. Kết quả, Nga chỉ nhận được 112/193 phiếu bầu, Hungary nổi trội hơn với 144 phiếu bầu, Croatia hơn Nga sát nút với 114/193 phiếu bầu.

Nga đã ngừng không kích trong nửa tháng, còn Quân đội Syria đã phải điều xe tăng T-90 đến Aleppo
Nga đã ngừng không kích trong nửa tháng, còn Quân đội Syria đã phải điều xe tăng T-90 đến Aleppo

Đáng chú ý là phần lớn các nước phương Tây đã bỏ phiếu chống Nga và kịch liệt lên án Moscow hậu thuẫn cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad làm cuộc nội chiến Syria kéo dài đã hơn 5 năm, dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn dân thường nước này.

Trước đợt bỏ phiếu, giới truyền thông và hơn 80 tổ chức nhân quyền phi chính phủ phương Tây đã đồng loạt kêu gọi không bầu lại cho Nga, trong khi đó, Saudi Arabia mặc dù có tỷ lệ tử hình cao nhất thế giới, đồng thời đã giết chết hàng nghìn người ở Yemen thì vẫn ung dung có chân trong UNHRC.

Việc bị loại khỏi UNHRC là một đòn mạnh giáng vào Moscow, khiến Nga, mặc dù quyết tâm không hề suy suyển, nhưng buộc phải dè dặt, thận trọng hơn trong các hành động trên chiến trường, ví dụ như khả năng tiếp tục triển khai các cuộc không kích vào Aleppo.

Nhận định:

Trong bối cảnh này, việc Nga-Syria không đánh lớn mà sử dụng phương pháp vây ép, đánh lấn là hợp lý; nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, bởi thời gian càng kéo dài thì Mỹ càng có nhiều cơ hội để can thiệp chống phá hơn.

Trong cuộc đối đầu quân sự, không xét đến các yếu tố chính trị như “chính nghĩa” “phi nghĩa”, thì các bên đều tung hết các ngón đón nhằm triệt hạ đối thủ, bất kể đó là phương pháp đúng đắn hay xấu xa. Do đó, những hành động của Washington là hoàn toàn dễ hiểu và với tư cách là một bên trong cuộc chơi địa-chính trị, Moscow phải chấp nhận cuộc đấu đầy thủ đoạn này.

Mặc dù vẫn tự coi là đang giương cao “ngọn cờ chính nghĩa” ở Syria nhưng Nga sẽ còn phải chuẩn bị tâm thế đón nhận và đối phó với nhiều âm mưu chống phá mới của Mỹ, nếu không làm được điều này, “sự chính nghĩa” hoàn toàn có thể phải nhận thất bại trước “cái phi nghĩa”?

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm