1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Al-Qaeda ở Syria: IS và Mặt trận Al Nusrah

Khi cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra ác liệt ở Syria và ngày càng nguy hiểm đối với các nhà báo, việc thu thập thông tin đáng tin cậy và chi tiết về các tổ chức Al-Qaeda hoạt động bên cạnh phe nổi dậy là hết sức khó khăn.

Thủ lĩnh IS al-Baghdadi. 
Thủ lĩnh IS al-Baghdadi. 
Phần vì các phe đối địch (ủng hộ và phản đối chính quyền) đều đưa ra những thông tin sai lệch để phục vụ lợi ích của mình, và một phần bắt nguồn từ chính bản chất của Mặt trận Al Nusrah và Nhà nước Hồi giáo (IS - trước là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, ISIS, hay Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant, ISIL). Để nắm rõ tình hình cần phải nhìn nhận ISIS và Mặt trận Al Nusrah như hai tổ chức riêng biệt dù về cơ bản có chung một hệ tư tưởng.
 
Kỳ 1: Nhà nước Hồi giáo (IS)
 
IS được hợp thành và nhận được sự hậu thuẫn của nhiều nhóm phiến quân khủng bố Arập Sunni khác nhau, trong đó có các tổ chức tiền thân là Al-Qaeda ở Iraq, Hội đồng Mujahideen Shura và Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, cùng các nhóm nổi dậy khác như Jeish al-Taiifa al-Mansoura, Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba và Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah, cũng như một số bộ lạc Iraq theo dòng Hồi giáo Sunni.

Tháng 4/2013, Al-Qaeda ở Iraq tự xưng là ISIS, mở rộng tính chất lịch sử của mình để bao gồm cả Syria. Thủ lĩnh của nhóm này al-Baghdadi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Mặt trận Al Nusrah và coi Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh Al Nusrah, là một thuộc cấp có nghĩa vụ phục tùng mệnh lệnh của mình.
 

Các chiến binh IS ở Syria.
Các chiến binh IS ở Syria.

Baghdadi đã tìm cách hợp nhất Mặt trận Al Nusrah vào ISIS thành tổ chức mới có tên Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và al-Sham (Levant). ISIS đã giành quyền kiểm soát những khu vực rộng lớn mà không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào, một phần nhờ các chiến binh Mặt trận Al Nusrah, những người đã đào tẩu sang ISIS. Baghdadi tự xưng là dòng dõi của Nhà tiên tri Muhammad và được mô tả là một “triết gia thánh chiến”, có phần khác so với những thủ lĩnh Al-Qaeda khác. Các tham vọng và phương pháp lãnh đạo tàn bạo của Baghdadi nhằm thực thi luật Hồi giáo đã khiến ISIS bị người dân và cả Mặt trận Al Nusrah xa lánh.

ISIS được ước tính có khoảng 8.000-10.000 chiến binh ở cả Syria và Iraq. Các tân binh được chiêu mộ mà không phải trải qua các khâu kiểm tra năng lực. Tổ chức này chi cho mỗi chiến binh 200 USD/tháng và hàng nghìn người trong khu vực do ISIS kiểm soát đã gia nhập nhóm này.

Theo một nguồn tin thánh chiến do kênh truyền hình Alalam (Iran) dẫn lời thì Baghdadi tiếp tục công khai kháng lệnh thủ lĩnh Al-Qaeda al-Zawahiri. Baghdadi tin vào sự cần thiết của việc lập tức tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo và một mình quốc vương của nhà nước đó đưa ra các quyết định trong khi các chiến binh nổi dậy phải trung thành với nhà nước Hồi giáo trong những vùng lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát, dù là người Syria hay không phải người Syria, và không công nhận các “thẩm phán” trong ủy ban luật Hồi giáo, những người thuộc các phái Hồi giáo khác.

Mục tiêu ban đầu của ISIS là thiết lập một vương quốc Hồi giáo tại những khu vực có đa số người Sunni ở Iraq. Sau khi tham gia cuộc nội chiến ở Syria, thì mục tiêu đó đã thay đổi nhằm kiểm soát cả những vùng có đa số người Sunni của Syria. Một Nhà nước Hồi giáo đã được tuyên bố thành lập vào ngày 29/6/2014 với Baghdadi được phong làm quốc vương (caliph) và ISIS được đổi tên thành IS.

Không được có luật nào khác ngoài luật của IS. Ngoài ra, tất cả các phe phái Hồi giáo đều phải tuyên thệ trung thành với quốc vương IS nếu không sẽ bị coi là nằm ngoài quyền năng của Thánh Allah. Hợp tác quân sự chỉ diễn ra với các đội quân tuyên bố trung thành với IS và các nhà thuyết giáo của IS có quyền thay thế các nhà thuyết giáo địa phương ở tất cả các nhà thờ Hồi giáo. Hơn nữa, tất cả các chiến lợi phẩm và nguồn tài chính đều quy về “ngân khố” của IS.

IS bị chỉ trích vì tấn công lực lượng nổi dậy “anh em” và thiết lập lãnh địa riêng của mình. Nhóm này đã tấn công nhằm vào Quân đội Syria Tự do (FSA) - là cánh vũ trang của phe nổi dậy Syria, ví dụ như ở Azaz, phía Bắc Aleppo, qua đó giành quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm nguồn thu nhập cũng như kiểm soát hàng hóa được chuyển đến Aleppo. IS cũng tìm cách thiết lập một thành trì ở khu vực đông bắc Syria giáp giới với Iraq. Tuy nhiên, nỗ lực này đang vấp phải sự kháng cự không chỉ của các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad mà còn từ người Kurd ở Syria, lực lượng đang lợi dụng tình trạng bất ổn để thành lập một chính quyền chuyển tiếp.

Bằng việc đương đầu với người Kurd, ISIS có quá nhiều kẻ thù. Thay vì tập trung vào mục tiêu đánh bại quân đội Syria thì nhóm này đã “nẫng” một số thị trấn từ tay các lực lượng FSA, thiết lập tại miền Bắc Syria hàng loạt lãnh địa do các lãnh chúa cai quản. Và chính sự hung hăng tàn bạo này cùng với những yếu tố khác đã khiến Al-Qaeda công khai cắt đứt quan hệ với ISIS bởi tính chất bạo lực giáo phái của nhóm này làm “hoen ố” hình ảnh của Al-Qaeda.

Trong một tuyên bố phát trên kênh truyền hình Al Jazeera ngày 9/11/2013, al-Zawahiri khẳng định Mặt trận Al Nusrah sẽ tiếp tục hoạt động như “một chi nhánh độc lập của Al-Qaeda và báo cáo cho bộ chỉ huy chung”. Tên này còn tuyên bố Baghdadi “đã phạm một sai lầm khi thành lập ISIS mà không hỏi ý kiến của chúng tôi. ISIL sẽ bị giải tán”. Sau đó, Al-Qaeda nhấn mạnh không có quan hệ với tổ chức gọi là ISIS vì đã không được nhóm này thông báo và tham vấn khi thành lập. Al-Qaeda không hài lòng vì điều đó nên đã ra lệnh đình chỉ hoạt động của ISIS. Bởi vậy, ISIS không có mối liên quan nào và cũng không có quan hệ về mặt tổ chức với Al-Qaeda. Al-Qaeda không chịu trách nhiệm về các hành động của ISIS.

Theo Huy Lê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm