1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Airbus bàn giao siêu máy bay vận tải quân sự đầu tiên cho Pháp

(Dân trí) - Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus đã bàn giao chiếc máy bay vận tải quân sự A400M đầu tiên cho Pháp sau nhiều năm trì hoãn với tổng chi phí đầu tư tăng khổng lồ.

Chiếc A400M đầu tiên của Airbus được xuất xưởng hôm 30/9.
Chiếc A400M đầu tiên của Airbus được xuất xưởng hôm 30/9.

Lễ bàn giao được tổ chức tại nhà máy lắp ráp Airbus Military tại Seville, Tây Ban Nha, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và Thái tử nước chủ nhà Felipe.

Dù diễn ra muộn so với kế hoạch dự tính ban đầu tới 4 năm và có tổng chi phí đầu tư bị đội thêm tới 6,2 tỷ euro (8,3 tỷ USD) nhưng  Airbus vẫn hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi cho chào bán loại máy bay này trong thời gian tới nhờ những tính năng vượt trội của nó.

“Loại máy bay này sẽ làm thay đổi cách tiến hành các hoạt động chiến đấu”, Phó Giám đốc Airbus Military Ian Elliott cho biết.

Ban lãnh đạo Airbus cũng khẳng định loại máy bay sẽ là lựa chọn “hoàn hảo” trong việc thực hiện các hoạt động nhân đạo.

Được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt, A400M có thể vận chuyển 37 tấn vũ khí hoặc máy bay trực thăng các loại trong phạm vi bán kính tối đa 3.300 km. Ngoài ra, loại máy bay này cũng có khả năng hạ cánh ở các địa hình dị biệt như trên cát và được thiết kế khoang cabin tương tự mẫu siêu máy bay vận tải hành khách A380. Bên cạnh đó, A400M cũng có độ cách âm và ghế ngồi thuộc hàng chất lượng cao nhất hiện nay.

Với các tính năng thiết kế như trên, A400M sẽ là loại máy bay duy nhất trên thị trường hiện nay có thể thách thức máy bay vận tải tầm xa C130 Hercules của hãng Lockheed Martin (Mỹ), vốn được thiết kế từ 50 năm trước với khả năng vận chuyển 20 tấn hàng.

Việc thiết kế A400M là một trong những dự án tham vọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu với sự tham gia của 7 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự án được khởi động theo yêu cầu của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải khổng lồ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, dự án đã nhiều lần bị trì hoãn do thiếu hụt kinh phí và sự bất đồng quan điểm giữa các bên trong việc gánh vác trách nhiệm tài chính cũng như thống nhất mẫu thiết kế tổ hợp động cơ đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khác nhau của khách hàng.

Căng thẳng đã có lúc lên cao tới mức vào tháng 1/2010, Tổng Giám đốc Airbus Tom Enders từng đe dọa sẽ từ bỏ dự án nếu các bên tiếp tục bất đồng, nhất là trong việc xác định mức đóng góp tài chính tăng thêm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế khu vực đang buộc các nước phải cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Hiện tại, Airbus Military đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu 400 chiếc A400M trong vòng 30 năm. Trong số này hiện đã có 174 chiếc được các nước châu Âu và Malaysia đặt hàng. Cụ thể, Đức đặt mua 53 chiếc, Pháp 50 chiếc, Tây Ban Nha 27 chiếc, Anh 22 chiếc.

Trong số các nước đặt mua, Pháp là khách hàng đầu tiên và cũng là nước được nhận nhiều máy bay A400M nhất trong năm nay, với chiếc thứ 2 sẽ được bàn giao trong tháng 10 và chiếc thứ 3 vào cuối năm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được nhận chiếc A400M đầu tiên trong tháng này.

Theo tiến độ đề ra, trong năm 2014 Airbus Military sẽ lắp ráp 10 chiếc và tăng lên thành 30 chiếc/năm kể từ các năm sau đó.

Giám đốc Airbus Military Domindo Urena-Raso cho biết ngoài số khách hàng trên, hãng đang hướng đến các thị trường tiềm năng ở vùng Vịnh và châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt trong lĩnh vực hiện đại hóa lực lượng không quân. Tuy nhiên, việc Airbus có thể đẩy nhanh được triển vọng kinh doanh hay không trước mắt phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của không quân Pháp và không lực Hoàng gia Anh sau khi họ sử dụng thử nghiệm loại máy bay này.

Vũ Anh
Theo AFP