1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Chạy” ghế Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc:

Ai sẽ thay Ban Ki-moon?

Ở thời điểm này, giới ngoại giao bắt đầu đồn đoán khả năng tranh cử của vài ứng cử viên trong đó có một tổng thống Lithuania, hai cựu thủ tướng New Zealand và Úc, một số ngoại trưởng và cựu nguyên thủ các nước Mỹ Latin… Chính phủ một số nước cũng bắt đầu liên kết, trong hậu trường, để làm đậm nhân vật mà họ muốn cùng tiến cử.

Những lá bài ẩn

Cuộc đua cho vị trí ngoại giao hàng đầu thế giới đang diễn ra kín đáo trong quán cà phê ở trung tâm Manhattan, cơ quan đại diện ngoại giao và các phòng hội nghị ngoại giao đoàn. Chỉ một số chính phủ công bố kế hoạch vận động ứng cử viên của họ. “Lộ bài” sớm thường bị hỏng. “Không ai trong chúng tôi được chuẩn bị để nói công khai rằng: “Vâng, chúng tôi đang “chạy” ghế Tổng thư ký (TTK) Liên Hiệp Quốc”, vì luôn có một rủi ro là bạn sẽ bị “bắn gục” trước, nếu lộ mặt sớm” - một ứng cử viên nổi tiếng giấu tên nói - “Dù chúng tôi đã chạm mặt nhau tại các sân bay và phát biểu chung tại các hội nghị”.

Tiến trình chọn ứng cử viên có vẻ thường xuất phát từ những đề nghị khiêm tốn. Tuy nhiên, nó được thực hiện theo cách mang nhiều điểm tương đồng với việc bổ nhiệm giáo hoàng hơn là giống bức tranh các cuộc bầu cử dân chủ khác. Năm thành viên thường trực có quyền lực rất lớn trong lá phiếu phủ quyết. Bất cứ ứng cử viên nào dù được chấp nhận bởi số đông nhưng bị một thành viên P5 phủ quyết cũng thất bại.

“Tôi cứ tin rằng tầm nhìn của ứng cử viên là quan trọng và đó là lý do tại sao tôi đã thành thật nói rõ các khó khăn của tôi khi đang tranh cử” - lời kể của Shashi Tharoor, nhà ngoại giao Ấn Độ từng tranh cử TTK LHQ và thất bại trước Ban Ki-moon - “Hóa ra cuộc đua ghế TTK LHQ không phải về tầm nhìn, cũng không phải về bề dày lý lịch liên quan hoạt động ngoại giao quốc tế, hay kỹ năng ngôn ngữ, khả năng quản trị hoặc sự thu hút cá nhân. Đây là một công việc chính trị và quyết định lựa chọn TTK LHQ là một quyết định chính trị, thực hiện chủ yếu bởi P5”.

Bà Helen Clark có thể trở thành nữ TTK LHQ đầu tiên?

Bà Helen Clark có thể trở thành nữ TTK LHQ đầu tiên?

Không có kịch bản cho việc lựa chọn nhà ngoại giao hàng đầu LHQ. Các quy tắc để lựa chọn TTK LHQ được đề cập trong một câu đơn giản trong Điều 97 Hiến chương LHQ: “TTK sẽ được bổ nhiệm bởi Đại hội đồng, theo kiến nghị Hội đồng Bảo an”.

Trong thực tế, Đại hội đồng LHQ không có quyết định gì đáng kể so với Hội đồng Bảo an. Theo truyền thống, vị trí TTK LHQ thường được chia sẻ bởi năm nhóm khu vực - Tây Âu; Đông Âu; Mỹ Latinh và Caribe; Châu Á - Thái Bình Dương; châu Phi - thông qua tiến trình xoay vòng một cách bán chính thức. Đông Âu là khu vực duy nhất chưa bao giờ có TTK LHQ. Nhiều người nghĩ rằng vị trí này có thể sẽ đến từ Đông Âu sau nhiệm kỳ Ban Ki-moon.

Đông Âu hay Mỹ Latinh?

Các ứng cử viên Đông Âu đáng chú ý hiện nay gồm Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite; và hai người Bulgaria - Irina Bokova, Giám đốc điều hành UNESCO; và Ivanova Kristalina Georgieva, Ủy viên Hội đồng châu Âu, nhà kinh tế, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak và cựu Ngoại trưởng Slovakia Jan Kubis (hiện là đại diện đặc biệt LHQ cho vấn đề Afghanistan) cũng là gương mặt được chấm có thể xuất hiện trong đường đua.

Danilo Turk, cựu Tổng thống Slovenia và từng là viên chức cấp cao LHQ; và Vuk Jeremic, cựu Ngoại trưởng Serbia và cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, cũng đang bắt đầu đẩy mạnh việc ứng cử của họ. “Khoản tiền thông minh cho năm 2016 đầu tư vào một người Đông Âu rất có thể được Moskva chấp nhận cũng như phần còn lại của P5” - nhận định của Tharoor.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ tương tự, đặc biệt trong một Hội đồng Bảo an vốn đang chia rẽ bởi vấn đề Ukraine. Nga có thể chặn các ứng cử viên “trung dung” chẳng hạn Ivanova Kristalina Georgieva thuộc Bulgaria, người vốn không đến từ các nước EU và cũng không quá thân Tây Âu. Trong khi đó, Vuk Jeremic thuộc Serbia, nơi đang vận động để được sáp nhập EU nhưng lại thân Nga, lại có thể bị phương Tây chặn đứng. Một nhà ngoại giao châu Âu thậm chí nói, nếu muốn tiến đến ghế TTK LHQ, Vuk Jeremic phải “bước qua xác của P3” (ám chỉ Anh, Pháp và Hoa Kỳ)!

Nữ TTK LHQ đầu tiên?

Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand và hiện là người đứng đầu Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), được cho là đang ráo riết chạy ghế TTK. Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia, cũng úp mở khả năng tranh cử - theo một nhà ngoại giao cấp cao tại New York. Riêng với Helen Clark, Chính phủ New Zealand đã bày tỏ công khai ủng hộ. “Đây là lúc LHQ phải có một nữ tổng thư ký” - Thủ tướng New Zealand John Key nói với tờ Herald New Zealand vào tháng 6/2014.

Helen Clark cũng không bác bỏ khả năng tranh cử. Clark cho biết giới tính của bà sẽ thúc đẩy hồ sơ cá nhân của vị trí ngoại giao nổi bật nhất thế giới. “Sẽ có lợi khi LHQ có một gương mặt nữ đầu tiên bởi vì giới nữ luôn được xem là những pháo đài cuối cùng” - bà nói với tờ The Guardian. Những tháng gần đây, Clark đã cố gắng làm nổi vai trò mình như một nhà cải cách bằng cách tung ra chiến dịch thắt lưng buộc bụng dẫn đến cắt giảm nhân sự hiếm hoi của UNDP.

Tuy nhiên, tháng 10-2014, một cơ quan giám sát do Quốc hội Mỹ thành lập nhằm theo dõi nguồn quỹ trả lương lực lượng cảnh sát Afghanistan đã chỉ trích mạnh UNDP về việc xử lý sai hàng trăm triệu USD viện trợ nước ngoài cho cảnh sát quốc gia Afghanistan. Liệu có phải đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ không thích Helen Clark (ở vị trí TTK LHQ)?

Bà Helen Clark có thể trở thành nữ TTK LHQ đầu tiên?

Một nhà ngoại giao châu Âu nói, nếu muốn tiến đến ghế TTK LHQ, Vuk Jeremic (Ngoại trưởng Serbia 2007-2012) phải “bước qua xác của P3”!

Trong khi đó, chính phủ các nước Mỹ Latinh tin rằng họ mới xứng đáng giành vị trí lãnh đạo LHQ, nhấn mạnh rằng phương Tây đã ngồi mòn ghế TTK LHQ lâu hơn bất kỳ khu vực nào. Một số cái tên đang được đề cập là Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Chile Michelle Bachelet. Tuy nhiên, Bachelet, nhân vật đang được nói đến nhiều trong hành lang LHQ, vẫn còn ngồi Tổng thống Chile khi tiến trình bầu cử TTK LHQ bắt đầu.

Hơn nữa, P5 cũng tỏ ra “dị ứng đặc biệt” khi bàn đến việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo thế giới nổi bật cho ghế TTK LHQ. Họ thích các ngoại trưởng ít nổi tiếng hoặc cựu phái viên LHQ. Cần biết, chưa có (cựu) nguyên thủ quốc gia nào được bầu lên ghế TTK LHQ. Những cái tên khác tại Mỹ Latinh hiện còn có Alicia Bárcena, người Mexico từng làm chánh văn phòng cho TTK LHQ Kofi Annan; Rebeca Grynspan, cựu Phó Tổng thống Costa Rica từng giữ một số chức vụ cao trong LHQ; và Ngoại trưởng Colombia María Angela Holguín Cuéllar.

William R. Pace, Giám đốc điều hành tổ chức Phong trào Liên bang Thế giới, nơi đang thực hiện chiến dịch kêu gọi tiến trình mở trong việc bầu chọn TTK LHQ, nói rằng sự lựa chọn thích hợp nhất là Đông Âu hoặc một nữ ứng cử viên. Pace nhấn mạnh rằng, các tổ chức quốc tế khác, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới, đã tiến hành việc để có nhiều quốc gia tham gia tiến trình chọn các quan chức hàng đầu của họ - một cách đi mà LHQ nên theo. William R. Pace và tổ chức của ông là một trong hơn 10 nhóm phi lợi nhuận đang kêu gọi các thành viên Đại hội đồng LHQ cải cách quy trình lựa chọn.

“Sự lựa chọn TTK LHQ năm 2016 sẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất mà Đại hội đồng thực hiện trong mười năm tới” - theo một lá thư mà nhóm Pace gửi đến các quốc gia thành viên LHQ. Nhóm của Pace kêu gọi thành lập “tiêu chí lựa chọn chính thức, kêu gọi đề cử công khai và xây dựng thời gian biểu rõ ràng cho quá trình lựa chọn giúp đánh giá đầy đủ ứng cử viên, công bố danh sách ứng cử viên chính thức và các bản đệ trình tầm nhìn của ứng cử viên”.

Dù Tổng thư ký LHQ có trách nhiệm quản lý gần 1.600 nhân viên tại tổng hành dinh LHQ (New York) nhưng sự thiên vị cá nhân bởi yếu tố quốc tịch là điều không được phép xảy ra. Trong khi đó, “chẳng ai làm công việc này vì tiền cả” - theo Fred Eckhard, cựu phát ngôn viên Tổng thư ký Kofi Annan.

Lương Tổng thư ký LHQ là 227.253USD, không tăng kể từ năm 1997 và được cấp thêm một ít cho nhu cầu giải trí cá nhân, nhà ở miễn phí và bảo vệ an ninh. “Nhà công vụ” của Tổng thư ký LHQ nằm tại Sutton Place, khu vực độc lập ở Manhattan (mạn đông New York), cách không xa trụ sở LHQ.

Theo M.Kim
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm