1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai là bạn thân của Tổng thống Putin?

Ai trong số các chính trị gia thế giới có mối quan hệ thân thiết với Putin?

Vladimir Putin và George W. Bush. Ảnh: Vladimir Rodionov / RIA Novosti / Reuters
Vladimir Putin và George W. Bush. Ảnh: Vladimir Rodionov / RIA Novosti / Reuters

Ông Donald Trump - ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa mới đây đã phải thay đổi một chút trong giọng điệu của mình. Sau khi bị cáo buộc có quan hệ với Matxcơva, ông ta thấy cần phải nói rõ là ông không quen biết Vladimir Putin.

Donald Trump khẳng định ông không hề có bất kỳ mối quan hệ nào với Tổng thống Nga. Vậy chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại những chính trị gia nào trên thế giới thực sự có mối quan hệ tin tưởng, gần gũi với Putin. Và tổng thống Nga coi ai trong số họ như là bạn bè.

Một giọng người Anh trong quán rượu Nga

Ngày 21/11/2000, nhà hàng Tửu quán tại Matxcơva đã đón tiếp những vị khách không bình thường. Một người thì uống bia có nồng độ nhẹ, còn người kia uống vodka. Trên chiếc bàn gỗ có bày mấy món nấm trắng, cá trích, khoai tây, lợn sữa và ngỗng hầm với táo. Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Tony Blair đã dùng bữa tối không chính thức trong quán này, và bữa tiệc kéo dài cho đến 1 giờ sáng.

Blair là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên được ông Putin tiếp trên cương vị tổng thống vào năm 2000, là chính trị gia phương Tây đầu tiên mà Putin có mối quan hệ gần gũi và thân thiết.

Họ gọi nhau bằng tên, xưng hô thân mật với nhau (Trong tiếng Nga, chỉ có trong quan hệ gia đình, bạn bè mới gọi nhau bằng tên và xưng hô ở ngôi thứ 2 số ít- ND). Họ còn cùng nhau đến nhà hát, cùng đến thăm bạn bè, và thậm chí cùng chui xuống hầm trú ẩn nằm dưới Dinh Thủ tướng Anh.

"Ông ấy là một người đàn ông phi thường. Xuất thân từ một gia đình thú vị, và là một người tiếp chuyện hết sức tế nhị", - ông Putin nhận xét. Và trên thực tế, hai chính trị gia này thường xuyên trao đổi chuyện trò với nhau: Trong ba năm đầu tiên, họ đã có 13 lần gặp gỡ. Tóm lại, họ muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng tình bạn của họ giúp cho công việc chung được tốt hơn.

Tuy nhiên, tình bạn giữa họ kéo dài không lâu – Cho tới khi chính phủ Anh không tham gia vào chiến dịch quân sự tại Iraq và từ chối dẫn độ nhà tài phiệt Boris Berezovsky và Akhmed Zakayev- một trong những cựu thủ lĩnh của phiến quân Chechnya. Và không chỉ tình bạn giữa hai chính trị gia này kết thúc, mà mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia cũng không còn tồn tại như xưa.

Tháng 11/2001, Vladimir Putin (trong bộ comple màu đen) và George Bush (mặc một chiếc áo gió của đảng Dân chủ và chiếc quần màu be) sau khi cùng ăn sáng, họ đi dạo và chuyện trò với nhau ở trại Prairie Chepl, sau đó họ cùng đến trường trung học ở thành phố Crawford.

Cả hai chính trị gia cùng mỉm cười với nhau, và họ giải thích cho các bạn trẻ thanh thiếu niên Mỹ rằng tình bạn riêng tư của họ đã góp phần phát triển mối quan hệ Nga-Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Bush và Putin cùng nhau đi câu cá ở Đại Tây Dương, cùng đi trên những chiếc xe hơi cổ điển (Volga và Zaporozhets). Nhưng cũng như với trường hợp Tony Blair, tình bạn của họ đã tan vỡ vì lý do công việc.

Tắm hơi, uống bia và đám cháy

“Tôi bước ra và nói: "Gerhard, tôi bảo này, mình phải khẩn trương ra khỏi đây ngay, nhà tắm đang bị cháy rồi kìa!” Còn ông ấy nói: "Vâng, tôi ra ngay đây. Để tôi uống nốt chỗ bia này đã, rồi ra ngay"” – ông Putin chia sẻ những kỷ niệm hồi năm 2013, khi ông mời cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đi tắm hơi. Người bạn đồng nghiệp Đức vẫn còn kịp uống nốt vại bia rồi mới nhảy ra khỏi cái chòi của nhà tắm hơi sắp bị cháy thành than.

Nhưng tình bạn của hai chính trị gia này may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Và lòng trung thành bạn bè của họ đã được củng cố qua các mối quan hệ công việc.


Vladimir Putin và Gerhard Schroeder trong cuộc gặp mặt những người tham gia thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc tại trạm nén khí Portovaia, năm 2011. Ảnh: Alexander Mudrats / TASS

Vladimir Putin và Gerhard Schroeder trong cuộc gặp mặt những người tham gia thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc tại trạm nén khí Portovaia, năm 2011. Ảnh: Alexander Mudrats / TASS

Năm 2014, Schroeder tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình ở St Petersburg cùng với Putin. Vì việc đó mà ông đã bị chỉ trích trên báo chí Đức. Buổi lễ long trọng này được tổ chức tại Điện Yusupov Palace, bởi công ty Nord Stream AG - Công ty được thành lập ra để xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc dưới lòng biển Baltic. Sau khi rời chức vụ Thủ tướng Đức, ông Schroeder trở thành chủ tịch Hội đồng cổ đông của công ty này.

Một người Ý nhiệt thành

Đã có nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại về cái cách mà ông Putin và cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi dành nhiều thời gian ở bên nhau. Có một lần, Putin đã làm cho Berlusconi suýt ngất xỉu. Hôm đó, bằng 1 phát đạn, Putin đã bắn hạ được 1 con nai và ông liền mang quả tim của con nai đó cho người bạn Ý. Ông này "mặt mày tái mét và đổ sụp xuống như một bức tường ở Pompei".

Họ cùng nhau đi săn bắn, nhưng thường thích đi câu hơn. Năm 2015, ngay sau khi bị Tòa án kết tội, Berlusconi đã có vài tháng tham gia lao động công ích tại một nhà dưỡng lão, sau đó ông đến dinh thự của ông Putin ở Altai. Và một năm sau đó, ông lại không ngần ngại nhận lời mời đến nghỉ tại Crimea.

Ngài Thủ tướng Ý đã sáng tác những ca khúc về người bạn Nga của mình, đã tiếp bạn ở biệt thự Sardinia và công khai ca ngợi Putin, ông giải thích rằng người dân Nga cực kỳ may mắn có một vị Tổng thống như Putin. Hiếm có nhà lãnh đạo châu Âu nào có thể phác họa những phẩm chất của Putin một cách rõ nét và đẹp đẽ đến như vậy. Và về phần mình, ông Putin cũng so sánh vị Thủ tướng đầy nhiệt huyết này với "Mặt trời phương Nam".

Tháng 9/2013, ông Berlusconi bị kết án bảy năm tù do quan hệ với một gái mại dâm tuổi vị thành niên (sự kết tội này sau đó đã được hủy bỏ), ông Putin đã nhiệt thành bảo vệ bạn. "Ông ấy bị xét xử vì đã chung sống với phụ nữ. Nhưng nếu giả sử ông ấy là “gay”, thì chắc là không ai đụng đến ông ấy cả", - ông Putin lập luận.

Khi còn đương chức thủ tướng, ông Berlusconi thường đến thăm Putin. Nhưng bây giờ, sau khi đã thôi không còn là nguyên thủ nước Ý, ông vẫn thỉnh thoảng qua lại nước Nga. Ông chia sẻ sở thích câu cá và điều khiển công nghệ tinh vi với nhà lãnh đạo Nga. Có lần, ông còn lái cả chiếc thủy phi cơ của Nga “để tìm cảm giác mạnh”.

Vladimir Putin và Silvio Berlusconi trong khi đi dạo trên bờ biển Yalta năm 2015. Ảnh: Dmitry Azarov / Kommersant
Vladimir Putin và Silvio Berlusconi trong khi đi dạo trên bờ biển Yalta năm 2015. Ảnh: Dmitry Azarov / "Kommersant"

Mối quan hệ của nhà lãnh đạo Nga với cựu Thủ tướng Italy - Romano Prodi cũng hết sức tốt đẹp.

"Ở Ý, tôi và ông Romano Prodi luôn luôn có mối quan hệ thân thiện. Cả với Berlusconi cũng vậy, tuy họ luôn có những xung đột trên chính trường," - ông Putin cho biết.

Sự quyến rũ của Paris

Tháng 10/2015 tại một cuộc gặp với sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO), cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy với tính nghệ sỹ cố hữu đã hứa rằng ông sẽ luôn là người bạn chân thành đối với những người Nga.

Yuri Ushakov - Phụ tá cho Tổng thống Nga đã gọi Nicolas Sarkozy là “Một người bạn cũ”. Ông đã kể về một bữa ăn tối không chính thức giữa 2 chính trị gia, hai người bạn.

Thực sự là ông Putin đã xưng hô theo kiểu bạn bè thân thiết với ông Sarkozy ("Tôi rất vui mừng được gặp anh, Nicolas ạ"). Rất ít người được ông xưng hô một cách thân mật như vậy trước công chúng.

"Putin và Sarkozy có mối quan hệ công việc tuyệt vời, đồng thời họ còn có những cuộc nói chuyện cá nhân hoàn toàn thẳng thắn", - Dmitry Peskov - thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết

Tuy nhiên, chính bản thân ông Sarkozy trước đó cũng cảm thấy phân vân, không biết ông có phải là bạn bè với Putin hay không. "Tôi sẽ không bao giờ bắt tay với ông ta," - Sarkozy từng cao giọng trong chiến dịch tranh cử của ông vào năm 2007, và quyết liệt chỉ trích Putin. Nhưng sau đó giọng điệu của ông đã mềm mỏng hơn nhiều.

Mùa xuân năm 2016, ông tự đặt ra câu hỏi: "Trước hết, tôi không biết liệu tôi có thể coi Vladimir Putin là một người bạn được không. Tôi có quyền không coi anh ấy là bạn bè. Nhưng tôi chỉ nghĩ rằng châu Âu và Nga cần thiết phải làm việc cùng nhau". Nhưng tới mùa hè năm ấy, ông Sarkozy đã lại thề thốt về tình bạn. Tuy nhiên, ông chỉ muốn ám chỉ đến tình cảm của ông đối với nước Nga nói chung.

Sau khi Sarkozy rời ghế tổng thống Pháp, ông đã hai lần đến thăm nước Nga. Tháng 11/2012 Putin đã đón tiếp ông tại khu nhà nghỉ Novo-Ogaryovo tại ngoại ô Matxcơva, và tháng 6/2014 họ cùng nhau ăn tối tại Sochi.

Ông Sarkozy và Tổng thống Putin thậm chí còn ăn mặc giống nhau: cũng bộ vest mầu xanh sẫm, cà vạt to bản màu xanh đậm và áo sơ mi màu xanh da trời. Và ông luôn mỉm cười quyến rũ: "Trong khi nói chuyện, chúng tôi luôn luôn cố gắng tìm ra những giải pháp đúng đắn".

Tình bạn với ông Sarkozy còn là một con át chủ bài trong tay Matxcơva. Vì khác với những cựu Tổng thống khác, ông này còn có nhiều cơ hội để quay trở lại điện Elysee vào năm 2017.

Với cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Putin cũng xưng hô theo kiểu "bạn bè". Dần dần những cuộc hội thoại ngoại giao của họ đã vượt ra ngoài khuôn khổ các nghi thức quy định.

Ví dụ như câu chuyện được chuyển qua bàn bi-a, như hồi năm 2008 tại khu nhà nghỉ của Tổng thống Nga ở Sochi. Hiện tại, Fillon đang phản đối những biện pháp trừng phạt chống Nga và cáo buộc châu Âu đã hoàn toàn phụ thuộc và theo đuôi Hoa Kỳ, lao vào một cuộc “thập tự chinh” chống lại Nga.

"Như các bạn đã biết, ông Putin trong nhiệm kỳ làm thủ tướng đã có mối quan hệ chặt chẽ với Fillon, và họ tiếp tục những mối quan hệ cá nhân rất bình thường, rất đỗi con người đó" - Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga đã nói chuyện với các ký giả như vậy

Vladimir Putin và Nicolas Sarkozy trong một bữa ăn tối thân mật vào đêm trước khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg năm 2016. Ảnh: Mikhail Klimentyev / RIA Novosti
Vladimir Putin và Nicolas Sarkozy trong một bữa ăn tối thân mật vào đêm trước khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg năm 2016. Ảnh: Mikhail Klimentyev / RIA Novosti

Không phải bạn bè, nhưng thân mật

Vladimir Putin còn xưng hô thân mật với một cựu đồng nghiệp châu Âu nữa, đó là cựu nữ Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen. "Tôi nghe nói, nhiều người Phần Lan muốn mua bất động sản ở Nga. Cô có muốn làm gương, tậu một khu nhà nào đó chăng? "- ông Putin đã hỏi bà Tarja Halonen tại khu nhà nghỉ Novo-Ogaryovo ở ngoại ô Matxcơva vào năm 2012. Tổng thống Phần Lan đã trả lời bằng tiếng Nga: "Đồng ý"...

Các bữa cơm thân mật với các chính trị gia các nước láng giềng có khó khăn hơn. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thích thư giãn ở Sochi bên cạnh khu nhà nghỉ của Putin, chơi khúc côn cầu với ông hay là cùng trượt tuyết xuống núi. Nhưng hầu như không ai nói rằng Putin và Tổng thống Lukashenko là bạn bè của nhau.

Nhà lãnh đạo Nga đôi khi cũng xưng hô “cậu tớ” với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, như chính ông này thừa nhận, “nhưng đó chẳng qua chỉ là quá trình tự nhiên trong khi làm việc cùng nhau”, chứ tuyệt nhiên không phải là dấu hiệu của sự thân mật.

Còn nếu nói về những chuyến thăm cá nhân đến với Putin, thì chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger có một vị trí đặc biệt quan trọng. Theo lời Dmitry Peskov thì "Putin và Kissinger đã có mối quan hệ lâu dài, họ thường giao lưu với nhau, sử dụng mọi cơ hội để chuyện trò với nhau". Dmitry Peskov gọi đối thoại của họ là câu chuyện của những người bạn.

Tổng thống Nga nói chung vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp và mang tính xây dựng với nhiều nhà lãnh đạo chính trị, song phải nói rằng ông luôn đặt lợi ích của nhà nước lên trên hết, ông Peskov nói.

Theo Nguyễn Quang

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm