1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai đã lần đầu tiên chinh phục “nóc nhà thế giới”?

(Dân trí) - Đỉnh Everest với biệt danh “nóc nhà của thế giới” đã được con người chinh phục lần đầu tiên vào năm 1924 chứ không phải là 1953 như mọi người vẫn nghĩ trong suốt 54 năm qua. Đây là tuyên bố gây sốc của một chuyên gia người Anh sau nhiều thập kỷ nghiên cứu về đề tài này.

Nhà thám hiểm Graham Hoyland khẳng định, ông Edmund Hillary không phải là người đầu tiên đặt chân tới đỉnh Everest, mà sự thật, nó đã được chinh phục trước đó 3 thập kỷ bởi George Mallory.

 

Graham Hoyland, trợ lý sản xuất của hãng thông tấn BBC, đã mất nhiều năm để nghiên cứu một câu chuyện được ông từng được nghe từ thời thơ ấu. George Mallory, 38 tuổi, người được xem là đã thất bại trong việc trèo lên đỉnh Everest, đã thực sự làm được điều này nhưng lại qua đời trên đường trở về.

 

Tháng 6/1924, Mallory và người leo núi cùng là Andrew Irvine, 22 tuổi, đã mất tích ở một nơi nào đó trên sườn núi phía đông bắc của đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới với độ cao 8.848 mét. Khi đó họ đang gần đạt được mục tiêu trở thành những người đầu tiên chinh phục “nóc nhà thế giới”.

 

Ai đã lần đầu tiên chinh phục “nóc nhà thế giới”? - 1

 George Mallory (trái) và Andrew Irvine đang chuẩn bị thực hiện chuyến đi tới đỉnh Everest vào tháng 6/1924.

 

Mallory và Irvine đã được những đồng đội nhìn thấy lần cuối cùng trong một trận bão tuyết khi họ cách đỉnh Everest khoảng 100 mét và thi thể của Mallory không được phát hiện trong suốt 75 năm cho tới tận năm 1999. Người ta cũng chưa chứng minh được rằng khi đó họ đang tiếp tục trèo lên đỉnh núi hay đã hoàn thành và đang trên đường đi xuống.

 

Năm Hoyland 12 tuổi, một người anh họ là Howard Somervell đã kể cho Hoyland nghe câu chuyện về sự mất tích bí ẩn của Mallory. Somervell, bác sĩ đã nghỉ hưu kiêm nhà thám hiểm, là một trong những người cuối cùng nhìn thấy Mallory còn sống.

 

Sau 8 lần trèo lên đỉnh Everest và vài thập kỷ nghiên cứu, Hoyland tin rằng ông biết điều gì đã xảy ra - rằng Edmund Hillary không là người đầu tiên chinh phục Everest. Hoyland đã trình bày nghiên cứu và kết luận của ông tại một hội nghị của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh ngày 3/10.

 

Hoyland cho biết, hầu hết các chuyên gia và các sử gia đều cho

Vào năm 1999, một đoàn nghiên cứu thám hiểm đã tìm ra xác của Mallory trong khu vực băng sâu trên độ cao 8,155 mét ở phía bắc của Everest. Thi thể ông gần như còn nguyên vẹn với chiếc áo có dòng chữ “G.L.Mallory”. Tuy nhiên, đoàn thám hiểm không thể tìm thấy chiếc camera mà Mallory được cho là đã mang theo.

rằng Mallory đã chết sau khi cố gắng trèo lên một vách đá thẳng đứng ở sườn bắc của đỉnh núi, còn gọi là Bậc thứ 2. Đó cũng là nơi nhà thám hiểm Noel Odell, người cuối cùng nhìn thấy Mallory và Irvine, đã trông thấy họ đang trèo lên đỉnh Everest.

 

Nhưng cũng theo Hoyland, trước đó chưa từng có ai thử leo theo đường Bậc thứ 2, và vì thế, Mallory và người đồng hành chắc hẳn cũng không làm vậy.

Lập luận của Hoyland là Mallory và Irvine đã đi theo một con đường thấp hơn để lên tới đỉnh núi. Con đường này có tên gọi Bậc thứ 3 và đó cũng là nơi Noel Odell đã nhìn thấy họ, chứ không phải trên Bậc thứ 2.

Hoyland cho rằng họ không thể trèo lên vách đá dốc nhanh như Odell đã miêu tả. Hoyland nói thêm: “Không ai có thể vượt qua Bậc thứ 2 chỉ trong 5 phút”.

Và nếu Mallory và Irvine đã ở trên Bậc thứ 3 thì rất nhiều khả năng họ đã leo đến đỉnh, bởi không có khó khăn nào trong việc leo thêm cao một chút nữa.

Cho tới nay, hai vận động viên leo núi Edmund Hillary (New Zealand) và Sherpa Tenzing Norgay (Nepal) vẫn được coi là những người đầu tiên lên được tới đỉnh Everest vào năm 1953, sau Mallory 29 năm.

 

VTH

Theo Guardian, Wikipedia