1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai Cập huy động 160.000 binh sỹ bảo vệ trưng cầu hiến pháp mới

(Dân trí) - Người dân Ai Cập sáng nay (14/1) đã bắt đầu đi bỏ phiếu cho bản dự thảo hiến pháp mới thời kỳ hậu Anh em Hồi giáo trong điều kiện an ninh thắt chặt. Tổng cộng có tới 160.000 binh sỹ quân đội và 200.000 cảnh sát được triển khai để bảo vệ an ninh.

Cuộc bỏ phiếu kéo dài 2 ngày cũng được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng ra ứng cử chức Tổng thống của vị tướng đứng đầu quân đội Fattah el-Sissi.

Binh sỹ Ai Cập bảo vệ điểm bỏ phiếu
Binh sỹ Ai Cập bảo vệ điểm bỏ phiếu

Không những vậy, đây còn là liều thuốc thử đối với vị Tổng thống Hồi giáo đã bị lật đổ Mohamed Morsi, người từng lên nắm quyền sau một cuộc nổi dậy được rất đông dân chúng Ai Cập ủng hộ, cũng như phong trào Anh em Hồi giáo của ông Morsi.

Một tỉ lệ ủng hộ cao đối với bản dự thảo hiến pháp mới, cùng lượng người đi bầu cử đáng kể sẽ khẳng định tính hợp pháp cho một loạt những sự kiện diễn ra sau cuộc chính biến nêu trên, và bác bỏ lí lẽ của những người Hồi giáo tại nước này rằng ông Morsi vẫn là vị Tổng thống được bầu của Ai Cập.

Tổ chức Anh em Hồi giáo, hiện bị chính phủ tạm quyền xem như một nhóm khủng bố, đã kêu gọi người dân tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó ông Morsi đang đối mặt với 3 phiên xét xử khác nhau về những tội danh có thể dẫn đến án tử hình.

Để đảm bảo an ninh cho cuộc trưng cầu dân ý, chính phủ Ai Cập đã huy động một lực lượng khổng lồ, gồm 160.000 binh sỹ và 200.000 cảnh sát để bảo vệ các điểm bầu cử trong hôm nay và ngày mai.

Chiến dịch an ninh chưa từng có được triển khai sau nhiều tháng bạo lực mà chính phủ Ai Cập khẳng định các phiến quân Hồi giáo là những kẻ chịu trách nhiệm. Trong vòng 6 tháng kể từ khi ông Morsi bị phế truất, Bộ trưởng nội vụ Ai Cập từng bị ám sát hụt, trong khi nhiều quan chức an ninh, binh sỹ, cảnh sát và trụ sở tình báo quân đội trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.

Những người ủng hộ ông Morsi tuyên bố họ sẽ tổ chức biểu tình lớn, và gọi bản dự thảo hiến pháp là “bản hiến pháp đẫm máu”. Đáp lại, chính phủ tạm quyền cảnh báo sẽ xử lý mạnh tay bất kỳ ai cản trợ cuộc trưng cầu dân ý.

Trong những ngày trước cuộc bỏ phiếu, Ai Cập giống như một quốc gia chuẩn bị có chiến tranh hơn là đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao sang chế độ dân chủ. Chính phủ và lực lượng ủng hộ quân đội đã tuyên truyền về cuộc bỏ phiếu như vấn đề then chốt của an ninh quốc gia và ổn định.

Những người ủng hộ ông Morsi vẫn tiếp tục biểu tình
Những người ủng hộ ông Morsi vẫn tiếp tục biểu tình

Hàng trăm nghìn tờ rơi, biểu ngữ, bảng điện tử kêu gọi người dân Ai Cập bỏ phiếu “đồng ý”. Những biểu ngữ và cả các cuộc vận động bác bỏ bản dự thảo hiến pháp đều bị tịch thu, bắt giữ.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý thứ 6 khắp Ai Cập kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ trong cuộc nổi dậy năm 2011. 5 cuộc bỏ phiếu trước đây có lẽ là tự do nhất trong lịch sử Ai Cập.

Bản dự thảo hiến pháp mới, được soạn thảo bởi một ủy ban với những người theo đường lối tự do chiếm thế áp đảo, và được chính phủ tạm quyền bổ nhiệm, sẽ cấm các đảng phái chính trị ra đời dựa trên tôn giáo, chủng tộc, giới tính hay khu vực địa lý.

Hiến pháp mới sẽ trao quyền bình đẳng cho phụ nữ và bảo vệ những người Công giáo thiểu số. Nhưng nó cũng cho quân đội có đặc quyền đó là tự chọn ra Bộ trưởng quốc phòng trong 8 năm tới, và có quyền đưa dân thường ra trước tòa án binh.

Ngoài ra, Tổng thống có thể nắm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm và có thể bị quốc hội buộc tội. Đạo Hồi vẫn là tôn giáo của quốc gia này, nhưng người dân hoàn tòan được tự do tín ngưỡng.

Thanh Tùng
Theo AP, BBC