1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai Cập điều tra cựu Tổng thống Morsi

(Dân trí) - Trong khi thủ tướng mới của Ai Cập đang tiến gần đến việc thành lập một chính phủ mới, cơ quan công tố nước này đã tuyên bố điều tra những cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Morsi để chuẩn bị khởi tố hình sự.

Quân đội Ai Cập giám sát những người biểu tình tại Cairo
Quân đội Ai Cập giám sát những người biểu tình tại Cairo

Trong ngày hôm qua, thủ tướng của Ai Cập Hazem al-Beblawi cùng phó Tổng thống Mohamed ElBaradei đã hội đàm với ứng viên cho các vị trí Bộ trưởng trong nội các mới.

Ông Beblawi dự định nội các sẽ gồm 30 Bộ trưởng, với ưu tiên hàng đầu là khôi phục an ninh, đảm bảo sự lưu thông của hàng hóa, dịch vụ và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quốc hội và Tổng thống.

Vị thủ tướng đang làm việc theo một lộ trình do quân đội dự thảo, sau khi cựu Tổng thống Morsi bị lật đổ hôm 3/7 giữa lúc hàng triệu người dân Ai Cập xuống đường yêu cầu ông từ chức.

Kể từ đó đến nay, vị Tổng thống được bầu cử tự do đầu tiên tại Ai Cập vẫn chưa một lần xuất hiện. Các nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời khẳng định ông đang bị giam giữ tại một “địa điểm an toàn vì sự an toàn của chính ông ấy”.

Trong khi đó, cũng trong hôm qua, văn phòng cơ quan công tố Ai Cập cho biết đang xem xét các cáo buộc chống lại ông Morsi và các thành viên khác của tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó có nhà lãnh đạo tối cao Mohamed Badie, nhằm mở một cuộc điều tra chính thức.

Các cáo buộc này bao gồm làm gián điệp, kích động bạo lực và phá hoại nền kinh tế. Tuy nhiên cơ quan công tố không cho biết ai là người đứng ra tố cáo. Trước đó ông Badie cùng nhiều thành viên cấp cao của Anh em Hồi giáo đã bị truy nã vì nhiều tội danh trong đó có kích động bạo lực. Tuy nhiên đến nay ít người trong số này bị bắt.

Một sỹ quan quân đội cấp cao cho biết cơ quan chức năng đang để cho các thành viên cấp cao của Anh em Hồi giáo tự do hoạt động để có thể theo dõi và thu thập thêm bằng chứng chống lại họ.

“Chúng tôi sẽ để họ diễn thuyết và biểu tình và chúng tôi chắc chắn rằng cuối cùng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp và hợp pháp”, vị quan chức giấu tên nói.

Trong khi đó, một người phát ngôn của Anh em Hồi giáo Gehad El-Haddad tuyên bố những cáo buộc trên là lố bịch, và rằng chính cơ quan chức năng mới là những người kích động bạo lực.

“Họ tự gây ra những tội ác và rồi gán nó cho phe đối lập. Một khi họ có lực lượng cảnh sát hình sự và một bộ máy tư pháp đồng lõa thì các bằng chứng sẽ xuất hiện và thẩm phán sẽ bằng lòng. Sau đó giới truyền thông sẽ tung thông tin ra công chúng”, Haddad khẳng định. Hiện phong trào này đang kêu gọi biểu tình lớn trong ngày thứ Hai tới.

Trong ngày thứ Sáu, chính quyền Mỹ và Đức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực tại Ai Cập và kêu gọi quân đội thả ông Morsi cũng như sớm bàn giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc điện đàm với quốc vương Ả rập xê út Abdullah, để bày tỏ “sự lo ngại nghiêm trọng” về tình hình bạo lực ở Ai Cập. Ả rập xê út chính là một trong ba quốc gia vùng Vịnh đầu tiên quyết định viện trợ tổng cộng 12 tỷ USD cho chính quyền mới ở Ai Cập.

Trong ngày hôm qua, hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA cho biết một lô hàng gồm 70.000 tấn diesel đã tới cảng Alexandria từ Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển.

Thanh Tùng
Tổng hợp