Ả-rập Xê-út tính đào kênh cô lập, xây bãi thải hạt nhân gần Qatar?
(Dân trí) - Ngoài kế hoạch đào kênh để biến Qatar từ bán đảo trở thành quốc đảo, chính quyền Ả-rập Xê-út được cho là đang tính tới việc xây bãi thải hạt nhân nằm ngay trên phần kênh đào, sát với lãnh thổ Qatar.
Vào tháng 4, báo địa phương Makkah đưa tin, Ả-rập Xê-út dường như đã cân nhắc tới việc đào một con kênh chạy ngang đường biên giới nước này với Qatar, biến Qatar từ bán đảo trở thành quốc đảo. Ngày 31/8, một dòng tweet từ một quan chức cấp cao của Riyadh cho thấy kế hoạch trên có thể trở thành hiện thực và không chỉ đơn thuần là chiêu trò truyền thông hay muốn đe dọa Qatar.
“Là một công dân Ả-rập Xê-út, tôi đang cảm thấy sốt ruột khi chờ đợi bản kế hoạch thực thi chi tiết cho dự án đảo Đông Salwa. Dự án lịch sử tuyệt vời này sẽ thay đổi cơ cấu địa lý của cả khu vực”, ông Saud al-Qahtani, cố vấn cấp ca cho Thái tử Mohammed bin Salman, viết. Theo Reuters, ông al-Qahtani từng nhiều lần đề cập tới dự án kênh đào trên mạng xã hội Twitter trong thời gian gần đây.
Trước đó, truyền thông địa phương Riyadh đưa tin rằng nước này sẽ đặt tên con kênh là Salwa và công trình này dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm tới. Kênh đào Salwa sẽ tạo nên ranh giới đường biển với Qatar trong bối cảnh quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng căng thẳng. Nó sẽ dài 60 km và rộng 200 m, sâu khoảng 15-20 m, với chi phí ước tính khoảng 746 triệu USD. Truyền thông Ả-rập Xê-út trước đó cho hay con kênh sẽ được xây cách biên giới Qatar từ khoảng 1-5 km.
Theo Press TV, ngoài đào kênh để cô lập Doha, Ả-rập Xê-út dường như đang lên kế hoạch xây bãi thải hạt nhân ở sát ngay biên giới Qatar trên kênh đào Salwa. Dự kiến đây sẽ là nơi tập kết rác thải của 16 lò phản ứng hạt nhân mà Riyadh dự kiến xây trong 25 năm tới.
South China Morning Post hồi tháng 4 đưa tin rằng, Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất UAE dường như cũng tính xây bãi thải hạt nhân ở khu vực lãnh gần Qatar nhất.
Căng thẳng giữa Qatar và Ả-rập Xê-út bùng phát vào tháng 6 năm ngoái khi liên minh các nước do Ả-rập Xê-út dẫn đầu trong đó có UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập kinh tế với Qatar vì cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Qatar đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Đến nay, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa được giải quyết triệt để và căng thẳng giữa Doha và Riyadh vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Đức Hoàng
Theo Sputnik