9 năm sau vụ 11/9: Mỹ đối mặt với nguy cơ khủng bố “Mỹ hóa”
(Dân trí) - 9 năm sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9, Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ đe dọa ngày càng lớn từ chính các chiến binh ở trong lòng nước Mỹ và “sự Mỹ hóa” ban lãnh đạo của al-Qaeda.
Các cựu lãnh đạo của Ủy ban 11/9, ủy ban được thành lập sau vụ khủng bố 11/9/2001, ngày 10/9 ra công bố bản nghiên cứu dày 43 trang về vụ khủng bố 11/9 nhằm vào New York và Washington, gọi vụ tấn công là cú điện thoại bất ngờ làm ta giật mình tỉnh giấc vào giữa đêm về sự cấp tiến hóa của đạo Hồi chính trong lòng nước Mỹ và sự thay đổi chiến thuật của tổ chức al-Qaeda và các chi nhánh của nhóm này.
“Mối đe dọa mà nước Mỹ đang đối mặt khác với 9 năm về trước”, báo cáo cho biết. Báo cáo được Trung tâm chính sách lưỡng đảng có trụ sở tại Washington công bố.
“Giờ đây người ta có thể cho rằng nước Mỹ không khác là mấy so với châu Âu, xét về vấn đề khủng bố nội địa, liên quan đến người nhập cư, Hồi giáo bản địa cũng như người mới chuyển sang đạo Hồi”.
Bản báo cáo trên được đưa ra đúng vào thời điểm nhạy cảm của nước Mỹ.
Hôm qua, Tổng thống Obama đã ra lời kêu gọi cho sự khoan dung tôn giáo khi căng thẳng vẫn âm ỉ về việc một mục sư theo đạo Tin lành ở Florida vẫn nung nấu ý định đốt các cuốn kinh Koran, kinh thánh của đạo Hồi, cùng kế hoạch xây dựng một trung tâm văn hóa Hồi giáo và một đền thờ gần Khu vực số 0, nơi tòa Tháp đôi bị đổ sập trong vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào New York.
Giới chức trách Mỹ cảnh báo những vụ việc như thế này có thể khiến al-Qaeda càng tuyển dụng thêm được nhiều thành viên.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết al-Qaeda và các chân rết của tổ chức này ở Pakistan, Somalia, Yemen đã thiết lập được hệ thống hạ tầng tuyển dụng sơ khai ở trong lòng nước Mỹ.
Cụ thể, năm ngoái ít nhất 43 công dân Mỹ đã bị kết án vì đã bị “tẩy não”, mang trong mình tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Những trường hợp nổi bật đều là những người đã được ra nước ngoài huấn luyện.
“Chỉ riêng năm ngoái, nước Mỹ đã chứng kiến những người Mỹ giàu có và con cháu của những người di cư làm việc chăm chỉ đi theo khủng bố”, báo cáo cho biết. “Dường như không còn có “chuẩn” rõ ràng về một kẻ khủng bố”.
Hơn nữa, ngày càng nhiều người Mỹ tham gia vào bộ máy lãnh đạo của al-Qaeda và các chi nhánh của nhóm này. Ví dụ trường hợp giáo sỹ Hồi giáo sinh ra ở Mỹ Anwar al-Awlaki, hiện là một trong những lãnh đạo cấp cao của al-Qaeda ở Bán đảo Ả rập. Ông ta còn có liên quan đến vụ định cho nổ tung máy bay chở khách của Mỹ trên bầu trời Detroit đúng vào ngày Giáng sinh năm 2009, cũng như vụ xả súng điên loạn tại căn cứ quân sự lớn nhất bên trong nước Mỹ Fort Hood một tháng trước đó.
Ngoài ra, cũng phải kế đến Adnan al-Shukrijumah, một kẻ sinh ra ở Ả rập, nhưng lớn lên ở Brooklyn và Florida, được coi là lãnh đạo cấp cao, phụ trách các hoạt động “đối ngoại” của al-Qaeda. Hay tên David Headley, người Chicago, kẻ đã đóng vai trò lớn trong các vụ tấn công khủng bố Mumbai năm 2008, nhân danh tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba đóng tại Pakistan.
“Trước đây hiếm có người Mỹ giữ vai trò điều hành cấp cao trong al-Qaeda và các nhóm thành viên của nó, nhưng điều này hiện đã thay đổi”, báo cáo cho biết.
Các vụ tấn công quy mô nhỏ hơn
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh đến lo ngại rằng giới chức tình báo Mỹ đã mất rất nhiều năm để theo đuổi nhiều nhân vật chủ chốt của al-Qaeda, trong đó có al-Awlaki và những kẻ tuyển dụng người Mỹ khác.
Chính quyền Obama đã cho phép hoạt động giết, bắt Awlaki và một bản ghi nhớ bí mật của CIA, bị rò rỉ với báo chí vào tháng trước, đã nói rất nhiều đến việc công dân Mỹ là những “báu vật” của các nhóm khủng bố như thế nào.
Giới chức tình báo Mỹ cũng nhất trí ở một điểm mấu chốt trong báo cáo về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công quy mô nhỏ nhằm vào các mục tiêu khó bảo vệ của Mỹ.
Sau vụ khủng bố 11/9, khiến gần 3.000 người thiệt mạng, bản báo cáo chỉ ra rằng chiến binh al-Qaeda nhìn thấy giá trị trong việc tiến hành các vụ tấn công ít thường xuyên và ít phức tạp hơn, bởi những vụ tấn công như thế sẽ khó bị phát hiện và cần ít sự phối hợp từ cấp cao.
Phan Anh
Theo Reuters