1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

80 năm trận Trân Châu Cảng: Bài học từ quá khứ

Kể từ cuộc chiến tại Trân Châu Cảng, Mỹ và Nhật Bản đã có một bước tiến lớn, đi từ những cựu thù thời chiến để trở thành những đồng minh quan trọng.

80 năm trận Trân Châu Cảng: Bài học từ quá khứ - 1

Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng được coi là ngày "gã khổng lồ" Mỹ thức giấc, chính thức tham gia Thế chiến II (Nguồn: Getty).

Ngày 7/12/1941, không quân Nhật Bản đã tổ chức tấn công bất ngờ, với quy mô lớn chưa từng có vào Trân Châu Cảng (đảo Hawaii), nơi các chiến hạm Mỹ đang neo đậu. Cuộc tấn công bất ngờ đó như một đòn đánh vào lòng tự trọng của Mỹ, buộc nước này đang từ thế trung lập thành trực tiếp tham gia Thế chiến II.

Hai nước cờ

Theo các học giả và chuyên gia lịch sử, âm mưu đánh úp Trân Châu Cảng đã được quân Nhật Bản lên kế hoạch từ lâu. Kể từ khi Thế chiến II nổ ra vào năm 1939, Nhật Bản cho rằng thời cơ thành lập "Khu vực thịnh vượng chung Đông Á" dưới sự bảo hộ của Nhật đã tới và bắt đầu xâm lược Đông Nam Á.

Động thái đó đã trực tiếp đe dọa lợi ích của Mỹ và một phần nào đó là các đồng minh ở Thái Bình Dương. Vì vậy, bắt đầu từ mùa Hè năm 1941, Mỹ - Anh liên kết lại thực hiện cấm vận dầu mỏ đối với Nhật Bản.

Sáu trăm vạn tấn dầu mỏ dự trữ của Nhật ngày một vơi dần. Không có dầu mỏ, tác chiến của quân đội Nhật sẽ lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Căng thẳng giữa Nhật - Mỹ đã ngày gia tăng. Để giải quyết vấn đề dầu mỏ, hai bên tiến hành đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận.

Do đó, Nhật đã đi hai nước cờ khác nhau. Một mặt, nước này cử các đoàn ngoại giao tới Mỹ để hòa đàm, khẳng định rằng "Nhật Bản và Mỹ không có bất kỳ lý do nào để đánh nhau…". Mặt khác, Nhật Bản lợi dụng khoảng thời gian đàm phán để chuẩn bị cho một chiến dịch "đánh úp" Mỹ, và địa điểm được chọn là Pearl Harbor (Trân Châu Cảng).

Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii, Mỹ. Hải cảng nước sâu này nằm ở phía Tây thành phố Honolulu trên đảo O'ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương. Do nằm ở vị trí đắc địa, Trân Châu Cảng sớm được người Mỹ sử dụng làm căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương.

Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ có thể khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của hạm đội. Việc canh phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm.

Cuộc tấn công bất ngờ

Lúc 7h55 ngày 7/12/1941, một buổi sáng yên tĩnh, khi lính Mỹ trong cảng đang ngủ say sau một tối thứ Bảy vui vẻ, nơi đây bất ngờ bị 374 chiếc máy bay Nhật tấn công.

Cuộc tấn công kéo dài 90 phút đã để lại hậu quả là 2.403 binh sĩ và thủy thủ Mỹ thiệt mạng, hơn 1.000 người khác bị thương, sáu tàu chiến lớn bị đánh chìm và thiệt hại nặng, 169 máy bay chiến đấu của Mỹ đỗ tại sân bay bị phá hủy. Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ hơn, mất 29 máy bay và bốn tàu ngầm nhỏ, cộng thêm 65 người thiệt mạng.

Với thắng lợi tại Trân Châu Cảng, hải quân Nhật đã loại ra khỏi vòng chiến đấu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Nhật đánh chiếm nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và làm chủ vùng biển châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu của Thế chiến II.

80 năm trận Trân Châu Cảng: Bài học từ quá khứ - 2

Giới quân sự nước ngoài cho rằng, trận Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác (Nguồn: Military).

Còn với Mỹ, cuộc tấn công ấy không chỉ làm nước này bất ngờ, nó còn chôn vùi sự tự tin của một cường quốc. Ngày này bị Tổng thống đương thời Franklin D. Roosevelt gọi là "ngày ô nhục không thể nào quên".

Bước ra từ thất bại đó, cả nước Mỹ lần đầu tiên trong nhiều năm đã tìm được tiếng nói chung, cùng nhau kêu gọi phục thù. Nhờ vậy, ông Roosevelt không gặp bất cứ khó khăn gì khi thuyết phục Quốc hội cho phép tuyên chiến với Nhật.

Kế hoạch tấn công vào Trân Châu Cảng do Tổng tư lệnh hải quân Nhật Bản, Đô đốc Isoroku Yamamoto vạch ra. Yamamoto là chuyên gia về vấn đề Mỹ, từng học tập tại Đại học Havard, từng là Tùy viên quân sự hải quân, Đại sứ Nhật tại Mỹ và đã tham quan, khảo sát nhiều cơ sở thuộc ngành công nghiệp Mỹ.

Giới quân sự nước ngoài cho rằng, trận Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác, không sẵn sàng chiến đấu và chủ quan khinh địch của Mỹ. Về mặt công tác tình báo, Nhật Bản đã chuẩn bị cho trận đánh trong nhiều năm và chuẩn bị tác chiến mọi mặt trong hơn 11 tháng để giành chiến thắng cho một trận đánh có ý nghĩa chiến lược lớn.

Ngay sau sự kiện Trân Châu Cảng, Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật Bản và Thế chiến II ở châu Á - Thái Bình Dương bùng nổ. Sáu tháng sau, Mỹ phục thù khi khiến Nhật hứng chịu thất bại đau đớn tại trận Midway.

Trong khi đó, về phía Nhật Bản, đến năm 1945, vào thời điểm nước Nhật đã sức tàn lực kiệt, bại trận là không tránh khỏi. Sau đó, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật. Đó được xem là sự phục thù của Mỹ cho trận Trân Châu Cảng. Thế chiến II kết thúc khi Nhật Bản chính thức đầu hàng vào ngày 2/9/1945.

Những di sản còn đó

80 năm trôi qua kể từ khi Trân Châu Cảng bị tấn công, 76 năm đã qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Mỹ và Nhật Bản không còn là kẻ thù. Ngày 19/1/1960, Mỹ - Nhật đã ký hiệp ước đồng minh thân thiện và từ đó đến nay, hai bên đã cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trân Châu Cảng ngày nay vẫn hoạt động bình thường. Những chiếc tàu chiến, hàng không mẫu hạm vẫn ra vào cảng. Nhưng ở những vị trí các chiến hạm bị đánh chìm trước đây, người ta dựng lên những bia tưởng niệm là những khối bê tông trắng.

Nơi chiến hạm USS Arizona bị đánh chìm là một tòa nhà bê-tông, phần trang trọng nhất trên đó đặt tấm bia cẩm thạch khổng lồ ghi danh 1.177 thủy thủ đã chìm theo con tàu xuống đáy vịnh.

Tuy nhiên, những vết sẹo do chiến tranh để lại không dễ phai mờ theo năm tháng. Các câu hỏi quan trọng về vết thương lịch sử và sự hòa giải vẫn phải được giải quyết khi các nước tìm cách duy trì và làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh của họ.

Do vậy, phải đến năm 2016, hai nước mới thực sự đối mặt với quá khứ đầy đau khổ này. Năm đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thăm và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản trong vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Ông Obama đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên làm việc này và được nhiều người Nhật Bản đánh giá là một bước đi mang tính biểu tượng quan trọng.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng đã có chuyến thăm tới Trân Châu Cảng cùng với ông Obama. Tại đây, cả hai đặt hoa tưởng niệm tại nơi chiến hạm USS Arizona bị đánh chìm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ còn đương chức thăm Trân Châu Cảng. Nhờ những chuyến thăm mang tính biểu tượng này, quan hệ liên minh Mỹ - Nhật tiếp tục được củng cố chặt chẽ hơn.

Điều đặc biệt, tân Thủ tướng Kishida Fumio từng đặt chân tới Trân Châu Cảng cùng với ông Abe Shinzo, trên cương vị là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Không những vậy, Hiroshima cũng là nơi có nhiều kỷ niệm với ông Kishida.

Năm 1993, ông Kishida lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện với tư cách là đại diện đến từ quận Một của thành phố này. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng có hai nhiệm kỳ liên tiếp là Phó Tổng thống dưới chính quyền của ông Obama.

Do đó, nhiều người đã hình dung ra viễn cảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật sẽ một lần nữa đứng cùng nhau và ôn lại những di sản của quá khứ, để từ đó hướng tới một tương lai hợp tác ngày một mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, điều đó khó có thể xảy ra khi cả ông Biden và ông Kishida đều quá bận rộn với những vấn đề đối nội, từ đối đầu với đại dịch Covid-19 cho đến việc tăng cường sự ủng hộ trong nước.

Những di sản đau buồn của chiến tranh đem lại không ít bài học ở hiện tại. Điều đó được thể hiện rõ trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Kishida ngày 8/10 vừa qua.

Tại đây, ông đã nói về một sáng kiến quan trọng, như một cách nhìn nhận trực tiếp với di sản của chiến tranh.

Ông nói: "Mục tiêu của tôi là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tôi sẽ sử dụng một hội đồng chuyên gia để tạo thành cầu nối cho những khác biệt giữa các quốc gia hạt nhân và quốc gia phi hạt nhân, hoàn thành trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là quốc gia duy nhất đã trải qua một vụ ném bom nguyên tử... và tôi sẽ làm hết sức mình để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm