7 câu hỏi để ngỏ trước cuộc gặp lịch sử Trump - Putin
(Dân trí) - Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Moscow luôn được xem là khó đoán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki, Phần Lan vào lúc 13h20 giờ địa phương (17h20 giờ Việt Nam) ngày 16/7. Cuộc hội đàm diễn ra tại Phủ tổng thống Phần Lan, sau đó là là bữa trưa làm việc. Vào cuối buổi chiều, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ có cuộc họp báo chung.
Vì sao quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng?
Tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ có từ thời Chiến tranh Lạnh (1945-1989) khi Liên bang Xô viết vẫn còn tồn tại. Nga và Mỹ chưa bao giờ đối đầu trực diện nhưng những khác biệt vẫn không chấm dứt trong quan hệ song phương ngay cả khi Liên Xô đã sụp đổ.
Từ đó đến nay, Tổng thống Vladimir Putin đã thể hiện rõ quyết tâm tái khẳng định sức mạnh của Nga trên trường quốc tế. Và điều này đã đặt Nga vào con đường cạnh tranh với Mỹ.
Quan hệ Nga - Mỹ “trượt dốc” đáng kể sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014. Động thái này khiến Mỹ và các nước phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Lý do cuộc gặp Trump - Putin quan trọng?
Mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong quan hệ quốc tế. Điều này có liên quan tới việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 trong khi Moscow một mực phủ nhận.
Giới tình báo Mỹ tin rằng chính Nga đã tìm cách can thiệp để hỗ trợ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Một cuộc điều tra dưới sự dẫn dắt của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã được tiến hành nhằm làm rõ nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cũng như khả năng thông đồng giữa Moscow và đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Tổng thống Trump từng gọi cuộc điều tra này là “cuộc săn phù thủy”. Thậm chí nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần tuyên bố cuộc điều tra xuất phát từ động cơ của phe Dân chủ sau thất bại cay đắng tại cuộc bầu cử năm 2016.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, ông Trump đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Nga dù điều này đi ngược lại với chính sách truyền thống của đảng Cộng hòa. Hồi tháng trước, ông đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đưa Nga trở lại khối này sau khi tẩy chay Moscow do liên quan tới vụ Crimea.
Hai nhà lãnh đạo từng nói gì về nhau?
Tổng thống Trump từng vài lần khen ngợi người đồng cấp Nga. Năm 2016, ông Trump từng mô tả Tổng thống Putin là người rất có tố chất lãnh đạo, thậm chí còn đặt ông cao hơn cựu Tổng thống Barack Obama. Hồi tháng 3, ông Trump cũng chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Putin trong cuộc bầu cử Nga, bất chấp việc các cố vấn của ông khuyên không nên làm vậy.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng khen ông chủ Nhà Trắng là người “tài năng” và “rất thông minh”.
Hai nhà lãnh đạo bàn gì?
Kiểm soát vũ khí: Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đều từng “khoe” về năng lực hạt nhân của hai quốc gia và đây có thể là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận. Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận nhằm cắt giảm và hạn chế quy mô kho vũ khí hạt nhân của hai nước đang sở hữu nhiều nhất thế giới. Thỏa thuận này có hiệu lực tới năm 2021 và nếu hai nhà lãnh đạo thống nhất gia hạn thỏa thuận, đây sẽ là tín hiệu tốt cho thế giới.
Lệnh trừng phạt của Mỹ: Đây là các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân của Nga liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, vai trò của Nga trong cuộc xung đột tại Syria và Ukraine, cùng cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tổng thống Trump có thể đề xuất không mở rộng danh sách các đối tượng bị trừng phạt trong cuộc gặp với ông Putin.
Ukraine: Cả hai nhà lãnh đạo có thể nhất trí cho phép các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tới đông Ukraine - nơi xảy ra cuộc xung đột khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.
Syria: Israel, một đồng minh của Mỹ, muốn Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn tránh xa khu vực ở Syria gần biên giới Israel. Tổng thống Trump có thể nêu vấn đề này với Tổng thống Putin, song chưa rõ liệu ông Putin có sẵn sàng hạn chế các hoạt động của Iran tại Syria hay không.
Vì sao các đồng minh của Mỹ lo lắng về cuộc gặp?
Tại hội nghị thượng đỉnh với các nước thành viên NATO tại Bỉ hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã ký một tuyên bố chung lên án “sự gây hấn của Nga”. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có trực tiếp nói với Tổng thống Putin những mối lo ngại của các đồng minh hay không. Trong khi đó, các đối tác châu Âu của Mỹ không hề biết nhà lãnh đạo Mỹ đang thực sự muốn đạt được điều gì từ cuộc gặp thượng đỉnh với Nga tại Helsinki.
Trong chuyến đi tới châu Âu vừa qua, Tổng thống Trump đã chỉ trích các đồng minh NATO vì không chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ. Ông nói Đức bị Nga “kiểm soát hoàn toàn” vì Berlin đã thống nhất với Moscow về việc thi công đường ống dẫn khí đốt, khiến Đức càng thêm phụ thuộc vào ngành năng lượng của Nga. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Thủ tướng Anh Theresa May vì kế hoạch đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều người lo ngại rằng sau chuyến đi căng thẳng tới châu Âu, Tổng thống Trump có thể sẽ dịu giọng với Tổng thống Putin trong cuộc gặp hôm nay.
Kỳ vọng điều gì từ cuộc gặp?
Theo BBC, rất khó để trả lời cho câu hỏi này. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ hội đàm riêng và chỉ có các thông dịch viên được tham dự.
Ngoài ra, cách tiếp cận khó đoán của Tổng thống Trump khiến việc dự đoán kết quả của các cuộc gặp cấp cao trở nên khó khăn. Tuy vậy, theo các cố vấn Mỹ, sẽ không có các thông báo quan trọng được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin.
Để tái khởi động mối quan hệ, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có thể sẽ khôi phục lại hoạt động của các nhà ngoại giao sau các lệnh trục xuất nhằm trả đũa lẫn nhau trong những năm gần đây.
Tác động của cuộc gặp tới cộng đồng quốc tế?
Cuộc gặp này dự kiến sẽ mang nhiều ý nghĩa đối với phần còn lại của thế giới. Lập trường của Nga và Mỹ khác biệt, thậm chí đối lập nhau trong hàng loạt vấn đề quan trọng như Syria, Ukraine, Crimea và một số vấn đề khác. Đây đều là những vấn đề có tác động toàn cầu. Đó là chưa kể tới các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga mà theo mô tả của Tổng thống Putin là “gây nguy hai cho tất cả mọi người”.
Hơn ai hết, các nước châu Âu sẽ theo dõi sát sao nhất hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki. Châu Âu đang ở trong tình thế “khó xử” khi một mặt vẫn lo ngại lập trường cứng rắn từ Nga, mặt khác phụ thuộc vào Nga về nguồn cung năng lượng.
Thành Đạt
Theo BBC