1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

5 thách thức với tân Tổng thư ký NATO

Bùi Then

(Dân trí) - Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte được kỳ vọng sẽ giúp khối giải quyết các vấn đề phức tạp để củng cố vị thế của NATO trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có những biến động khôn lường.

5 thách thức với tân Tổng thư ký NATO - 1

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (Ảnh: Getty).

Ngày 1/10, ông Mark Rutte, cựu Thủ tướng Hà Lan, chính thức nhậm chức Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg trong bối cảnh NATO đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả mới lẫn cũ.

Ông Mark Rutte sinh ngày 14/2/1967, tại The Hague, Hà Lan. Ông là lãnh đạo đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD), đảm nhiệm chức Thủ tướng Hà Lan trong suốt 14 năm (từ tháng 10/2010 đến tháng 7/2024) và đã lãnh đạo 4 chính phủ liên minh khác nhau.

Ông Mark Rutte nổi tiếng với khả năng đơn giản hóa những điều phức tạp và rất có uy tín trong việc tạo ra sự đồng thuận mà không phải thỏa hiệp với các bên về các giá trị cốt lõi mà ông đã vạch ra. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hà Lan đã đạt được sự phát triển vững mạnh về kinh tế và trở thành quốc gia có tiếng nói quan trọng trong các tổ chức đa phương.

Với sự nghiệp chính trị kéo dài hơn một thập niên cùng những kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng, ông Rutte được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, tân tổng thư ký cũng phải xử lý một cách khéo léo các thách thức hiện nay của NATO để giúp khối vượt qua thách thức cả cũ lẫn mới trong bối cảnh tình hình địa chính trị đầy biến động.

Kỳ vọng lớn

Cựu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tin rằng, ông Mark Rutte sẽ hoàn thành rất tốt vai trò mới bởi ông Rutte biết cách "thỏa hiệp, đạt đồng thuận" và đây là những kỹ năng rất quan trọng tại NATO. Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO sẽ vận hành tốt dưới sự lãnh đạo của ông Rutte.

Ông Rutte có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng đồng thuận và từng ra tay "cứu nguy" khi hội nghị thượng đỉnh NATO 2018 rơi vào hỗn loạn sau lời đe dọa của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hơn nữa, ông Rutte còn được coi là có khả năng xây dựng đồng thuận, trung hòa quan điểm giữa Tây Âu và Đông Âu, nhất là trong các vấn đề liên quan đến Ukraine. Ông cũng là một trong những nhà đàm phán chính của Liên minh châu Âu (EU), đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề nhập cư, nợ và ứng phó đại dịch Covid-19.

Theo Euronews, các quan chức NATO kỳ vọng Tổng Thư ký Mark Rutte sẽ duy trì những ưu tiên mà khối này theo đuổi dưới thời người tiền nhiệm Stoltenberg, trong đó có việc huy động ủng hộ cho Ukraine, thúc đẩy các nước NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng và duy trì liên kết vai trò của Mỹ với các vấn đề an ninh châu Âu.

Ngày 3/10, ông Mark Rutte đến thăm Ukraine và tái khẳng định cam kết kết nạp Ukraine trở thành thành viên NATO, đồng thời nhấn mạnh Kiev đang tiến gần hơn bao giờ hết đến mục tiêu này. Ông Rutte cũng nêu ưu tiên của mình là tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng để hỗ trợ và bổ sung kho dự trữ cho Ukraine.

Thách thức không nhỏ

Nhậm chức trong bối cảnh NATO đang phải đối mặt với một loạt thách thức cả mới lẫn cũ, tân Tổng Thư ký Mark Rutte sẽ phải vận dụng toàn bộ kinh nghiệm trên chính trường trong suốt hơn một thập niên qua để "chèo lái" NATO vượt qua các thách thức to lớn.

Một là, cần phải xử lý vấn đề Ukraine một cách thỏa đáng, trong đó có hai vấn đề chính là cam kết cung cấp "nguồn tài trợ tối thiểu" trị giá 40 tỷ euro (hơn 43 tỷ USD) cho Ukraine trong năm 2025 và "con đường không thể đảo ngược" để Kiev trở thành thành viên NATO mà khối đã thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, Mỹ vào tháng 7 năm ngoái.

Bà Oana Lungescu, người phát ngôn chính của NATO trong 13 năm và hiện là thành viên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định, tài chính sẽ là một thử thách lớn đối với tân Tổng thư ký. Ông Rutte sẽ cần củng cố uy tín là người ủng hộ mạnh mẽ việc tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn liên minh và việc này sẽ giúp gia tăng uy tín của tân tổng thư ký với cả Mỹ và các quốc gia Trung và Đông Âu, vốn không thực sự ấn tượng với ông Rutte trên cương vị mới.

Hai là, bảo vệ và củng cố uy tín của NATO trong trường hợp ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Đây có thể được coi là vấn đề nóng được quan tâm hàng đầu hiện nay của NATO. Trước đây và ngay trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay, ông Trump đã đe dọa sẽ cắt viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu ông trở lại Nhà Trắng. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng vào uy tín của các đồng minh NATO trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, bởi tính đến nay Mỹ vẫn là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev.

Việc ông Trump tái đắc cử, gần như chắc chắn đồng nghĩa với kế hoạch của NATO chuẩn bị cho Ukraine trở thành thành viên của khối trong tương lai sẽ bị chệch hướng. Tuy nhiên, vốn là người có mối quan hệ tốt với ông Trump, ông Rutte sẽ có nhiều cơ hội duy trì được sự ủng hộ của Mỹ đối với khối. Bên cạnh đó, bà Lungescu cũng nhấn mạnh rằng, cho dù ai được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, NATO cũng vẫn phải tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời phải có thúc đẩy sự kết nối với chính quyền Mỹ.

Ba là, phải điều chỉnh được mối quan hệ giữa NATO và liên minh châu Âu (EU). Dưới thời người tiền nhiệm Jens Stoltenberg, mối quan hệ giữa NATO và EU khá căng thẳng khi EU tìm cách xây dựng các cấu trúc phòng thủ riêng. Gần đây, việc EU bổ nhiệm ủy viên quốc phòng đã khiến ông Stoltenberg phản ứng mạnh mẽ do lo ngại có thể chồng chéo với vai trò của NATO.

Nhiệm vụ của ông Rutte trong thời gian tới là phải điều tiết mối quan hệ NATO - EU đi đúng quỹ đạo bởi hai bên vẫn còn nhiều bất đồng về vai trò và trách nhiệm trong lĩnh vực phòng thủ. Hợp tác NATO - EU, bao gồm cả với ủy viên quốc phòng mới của EU, nên hướng tới các kết quả hữu hình cho an ninh của châu Âu. Những kết quả này có thể bao gồm hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cần thiết để thực hiện các kế hoạch quốc phòng của NATO, thực hiện nghiêm ngặt hơn các tiêu chuẩn của NATO, EU tài trợ nhiều hơn cho khả năng cơ động quân sự, hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đào tạo lực lượng Ukraine và nỗ lực chung để tăng cường khả năng phục hồi trước các hoạt động ác ý của nước ngoài.

Bốn là, cần đảm bảo các nước thành viên NATO đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng đã cam kết. Hiện tại, chỉ có 23 trong số 32 quốc gia thành viên NATO đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Hà Lan đã vừa vượt qua ngưỡng 2% trong năm nay, ở mức 24 tỷ euro (tương đương 26,6 tỷ USD) sau nhiều năm không đạt được. Trong khi đó, các quốc gia Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… vẫn chưa đạt được mức chi tiêu quốc phòng cam kết.

Các nhà lãnh đạo NATO hy vọng, chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên trong khối có thể tăng lên 2,5% để đảm bảo an ninh trước các thách thức từ Nga và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Năm là, ông Rutte sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể có được sự ủng hộ lớn từ các quốc gia trong khối có vị trí giáp với Nga. Các quốc gia này thường không thực sự hài lòng vì vai trò hàng đầu NATO luôn thuộc về một quốc gia Tây Âu hoặc Bắc Âu. Cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã không tham gia cuộc đua giành vị trí lãnh đạo NATO vì khả năng không nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Pháp, Đức do những nước này lo ngại việc ủng hộ bà Kallas sẽ bị Moscow coi là động thái leo thang căng thẳng.

Do đó, thời gian tới, tân Tổng Thư ký Rutte sẽ phải tính toán cần trọng trong việc bổ nhiệm "phó tướng" cho mình và có thể sẽ có áp lực buộc ông phải bổ nhiệm một người từ khu vực Đông Âu.

Chương trình nghị sự sắp tới của tân Tổng Thư ký Mark Rutte đã được các nhà lãnh đạo NATO đặt ra phần lớn tại hội nghị thượng đỉnh Washington, nhưng chắc chắn ông Rutte sẽ muốn đạt được nhiều hơn nữa vào hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO dự kiến sẽ được tổ chức tại The Hague, Hà Lan vào tháng 6/2025. Tổng Thư ký Rutte sẽ có chưa đầy 9 tháng nữa để có thể tạo dựng khởi đầu tốt để giúp NATO vượt qua được thách thức của cả hiện tại và tương lai.

Theo Politico, Rusi, Chathamhouse