1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

5 thách thức lớn của ngành công nghệ Trung Quốc

Mỹ Lệ

(Dân trí) - Khi cạnh tranh công nghệ gia tăng, Trung Quốc có các kế hoạch thúc đẩy phát triển của một số mũi nhọn chiến lược như chất bán dẫn và xe điện, đồng thời tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ.

5 thách thức lớn của ngành công nghệ Trung Quốc - 1

Một con chíp máy tính (Ảnh minh họa: Getty).

Năm qua, khi các quy định được thắt chặt, hàng tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường công nghệ, trong khi chính phủ liên tục thúc đẩy khả năng tự cung cấp của ngành công nghệ nội địa.

Bước sang năm thứ 3 của thập niên mới, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc nhìn chung phải đối mặt với 5 vấn đề lớn dưới đây.

Các quy định mới

Vào tháng 11/2020, Trung Quốc đã thực hiện cuộc tái cơ cấu sâu rộng với gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma khi đình chỉ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỉ USD.

Sau đó, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các quy định mới để kiềm chế những "ông lớn" Internet trong nước, bao gồm chống độc quyền cho các nền tảng Internet và củng cố luật bảo vệ dữ liệu. Ngay cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty giao hàng thực phẩm Meituan cũng đã phải đối mặt với án phạt chống độc quyền.

Các quy định mới đã tác động tới các tên tuổi lớn trong ngành Internet, cụ thể, cổ phiếu của Alibaba đã giảm 41% tính đến thời điểm hiện tại. Và các câu hỏi được đặt ra: Sẽ có bao nhiêu quy định mới được ban hành? Lĩnh vực nào sẽ bị áp luật và công ty nào sẽ là mục tiêu được nhắm đến tiếp theo? Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: Liệu các quy định đó có ý nghĩa gì với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc?

Chất bán dẫn

Cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong nhiều lĩnh vực, một trong số đó là chất bán dẫn. Hiện nay, chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực sản xuất từ ô tô đến điện thoại di động.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để đuổi kịp Mỹ và các quốc gia khác bởi chuỗi cung ứng chất bán dẫn vốn bị chi phối rất nhiều bởi các công ty nước ngoài.

Một ví dụ điển hình là lĩnh vực sản xuất chip. Mặc dù hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, SMIC lại không thể sản xuất các loại chip tiên tiến nhất phục vụ cho thiết bị điện thoại thông minh hàng đầu.

Đây vốn là thế mạnh của các công ty nước ngoài bởi họ chiếm ưu thế trong máy móc và thiết bị hiện đại để sản xuất chip cao cấp. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các thiết bị đó, dẫn đến việc nhiều công ty Trung Quốc không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Công nghệ tiên phong

Trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 được công bố vào đầu năm nay, Bắc Kinh cho biết họ sẽ coi "sự tự cường và tự cải thiện khoa học - công nghệ trở thành trụ cột chiến lược cho sự phát triển quốc gia".

Kế hoạch trên đã xác định một số lĩnh vực mà Bắc Kinh coi là "công nghệ tiên phong" bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và thám hiểm vũ trụ.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nổi bật trong lĩnh vực không gian như việc phóng thành công các tàu vũ trụ, với tham vọng đưa phi hành đoàn đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2033.

Ngoài ra, hiện nay lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng thu hút rất nhiều đầu tư từ các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, trong đó nổi bật là Baidu và Tencent.

Xe điện

Một lĩnh vực khác mà Trung Quốc quan tâm không kém là xe điện. Ngành công nghiệp này được dự tính sẽ nằm trong kế hoạch nỗ lực giảm lượng khí thải và cam kết trở thành trung hòa carbon vào năm 2060.

Trong vòng vài năm, chính phủ Trung Quốc đã dành các nguồn trợ cấp và một số chính sách thuận lợi để hỗ trợ mở rộng sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới, thu hút được hàng chục nghìn công ty tham gia đầu tư.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, trong nửa đầu năm nay đã có khoảng 1,1 triệu chiếc xe điện được bán ra, gần bằng số lượng của cả năm 2020. Tính đến nay, Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Với thị trường tiềm năng và sự phát triển không ngừng, tập đoàn công nghệ Xiaomi vốn nổi tiếng với thương hiệu điện thoại thông minh cũng dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt xe điện vào nửa đầu năm 2024. Thậm chí, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu đã hợp tác với nhà sản xuất ô tô Geely để tạo ra một đơn vị xe điện độc lập.

Kinh tế đi xuống

Trước tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, các gã khổng lồ công nghệ của nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một số vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng thiếu điện, hạn chế cho vay để giảm nợ nần trong lĩnh vực bất động sản dẫn đến nhiều hệ lụy kinh tế khác như chi tiêu tiêu dùng chậm lại.

Các công ty công nghệ của Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức, khiến họ phải sẵn sàng cho các kịch bản khó khăn hơn. Ví dụ, tập đoàn Alibaba đã cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh thu cho tài khóa hiện tại.