1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

300 cảnh sát Philippines dính líu tới buôn bán ma túy

(Dân trí) - Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Philippines Ronald dela Rosa ngày 22/8 cho biết khoảng 300 nhân viên cảnh sát nước này bị tình nghi liên quan tới các hoạt động buôn bán ma túy trái phép, đồng thời cảnh cáo những người này sẽ bị sa thải hoặc phải ra hầu tòa nếu bị phát hiện có tội.

Lực lượng cảnh sát Philippines (Ảnh: Reuters)
Lực lượng cảnh sát Philippines (Ảnh: Reuters)

Theo AFP, phát biểu trong phiên điều trần trước Nghị viện Philippines hôm 22/8, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Ronald dela Rosa cho biết khoảng 300 nhân viên cảnh sát nước này đang nằm trong danh sách theo dõi vì bị nghi ngờ đã bán số ma túy bị tịch thu trong các đợt truy quét tội phạm hoặc bao che cho các băng nhóm tội phạm có dính líu tới việc sản xuất và phân phối “cái chết trắng”.

Ông Rosa cũng cho biết có khoảng 1.900 nghi phạm đã bị tiêu diệt trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trong vòng 7 tuần kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền và phát động chiến dịch. Theo con số thống kê này, trung bình mỗi ngày có khoảng 35 người Philippines bị giết từ sau khi ông Duterte nhậm chức.

Lo sợ chiến dịch truy quét đẫm máu trên phạm vi toàn quốc của Tổng thống Duterte, gần 700.000 người nghiện ma túy và buôn bán loại chất cấm này đã ra đầu thú tại các sở cảnh sát để tránh bị tiêu diệt, ông Rosa cho biết thêm. Trước đó, ông Duterte cũng đã công khai tên tuổi của hơn 150 thị trưởng, thẩm phán, nghị sỹ và quân nhân Philippines có liên quan đến buôn bán ma túy, yêu cầu những người này ra tự thú càng sớm càng tốt.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã công khai khuyến khích người dân hỗ trợ ông trong cuộc chiến chống lại tội phạm. Ông cũng cho phép công dân Philippines được quyền sử dụng súng để bắn chết tội phạm ma túy trong trường hợp những kẻ phạm tội có hành vi chống trả hoặc tấn công những người xung quanh.

Tổng thống Duterte mới đây tuyên bố sẽ rút tư cách thành viên của Philippines ra khỏi Liên Hợp Quốc sau khi các chuyên gia nhân quyền của tổ chức quốc tế này kêu gọi Manila chấm dứt chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy khiến nhiều người thiệt mạng.

“Công việc của tôi với tư cách là tổng thống đó là bảo vệ những người người dân tuân thủ luật pháp… Chưa có luật nào giao nhiệm vụ cho tôi rằng phải bảo vệ những kẻ phạm tội”, ông Duterte nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các chuyên gia Liên Hợp Quốc đừng chỉ đếm số xác chết liên quan đến tội phạm ma túy mà còn phải tính toán cả những nạn nhân vô tội thiệt mạng vì loại chất cấm này.

Thành Đạt

Theo ABC News