1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

3 cuộc chiến quan trọng của ông Tập Cận Bình

Chính sách kinh tế Trung Quốc sẽ được quyết định qua ba “trận chiến” quan trọng đã được nhắc đến lần đầu tiên năm 2017.

Trong bối cảnh bế tắc kinh tế Mỹ-Trung gia tăng và thương mại trong nước suy thoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ) đã tổ chức họp bàn về những chính sách cần ưu tiên trong năm 2019, tờ Bloomberg hôm 4-3 đưa tin.

Sáng 4-3, tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cân bằng tài khóa và giảm lạm phát là mục tiêu hàng đầu của TQ trong năm nay”. Chính sách kinh tế TQ sẽ được quyết định qua ba “trận chiến” quan trọng đã được nhắc đến lần đầu tiên năm 2017: Chống ô nhiễm, giảm thiểu rủi ro tài chính và xóa nghèo đói.

Chống ô nhiễm môi trường

Kể từ năm 2017, các TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu đã bớt khói bụi. Mặc dù TQ còn ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao, nhất là vào mùa đông, chỉ số ô nhiễm không khí của TQ theo ghi nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ đang có xu hướng giảm đáng kể. Điển hình như ở Bắc Kinh, chỉ số ô nhiễm giảm gần 40% từ mức cao đáng báo động 241.0 (tháng 12-2016) còn 126.0 (tháng 2-2019).

Cũng tại phiên họp ngày 4-3, TQ kêu gọi sử dụng năng lượng sạch và hạn chế than trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Đối với một cường quốc ô nhiễm đáng báo động như TQ, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh cho người dân là một trong những mục tiêu hàng đầu chính phủ cần ưu tiên.

Theo một báo cáo gần đây, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 1,1 triệu người TQ tử vong sớm và khoảng 20 triệu tấn nông sản hư hại mỗi năm. Đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định, đồng thời mạnh tay với các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm là một bài toán không dễ dàng đặt ra cho ông Tập Cận Bình.

 

3 cuộc chiến quan trọng của ông Tập Cận Bình - 1

Chủ tịch Tập Cận Bình . Ảnh: GETTY

Đòn bẩy tài chính

Nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung với hãng tin CNN, GS Willy Lam, nhà phân tích kinh tế đến từ ĐH Trung văn Hương Cảng - Hong Kong khẳng định: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình”. Giữ cho cán cân kinh tế trong nước cân bằng trong bối cảnh khủng hoảng này có lẽ là cuộc chiến khó nhằn nhất trong năm 2019 của ông Tập.

Chiến dịch kìm hãm tăng trưởng nợ công và nợ tư nhân của TQ được đánh giá là khá hiệu quả. Được biết tổng nợ của nước này lên đến 34.000 tỉ đôla. Do tỉ lệ đòn bẩy tài chính TQ đang chững lại, một bộ phận cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân đã bị bóp nghẹt. Các nhà hoạch định chính sách TQ khắc phục tình trạng này, đồng thời trấn an người dân về tình hình ổn định tài chính quốc gia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo qua một phân tích rủi ro tài chính rằng Bắc Kinh nên đặt nền kinh tế ổn định lên hàng đầu. Quỹ này cũng cho biết các chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm tăng tỉ lệ việc làm sẽ khiến nợ công gia tăng. TQ cần lưu ý điểm này trong hoạch định chính sách kinh tế.

Trong một báo cáo năm 2019, Ngân hàng Nhân dân TQ cho biết vốn cho vay đã tăng vọt kể từ tháng 1-2017. Điều này cho thấy chính phủ nước này đang nới lỏng kiểm soát kinh tế. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng không quên nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản TQ trong công tác ổn định kinh tế.

Sau khi cắt giảm thuế vào năm ngoái để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, các nhà lập pháp cũng hứa sẽ tăng cắt giảm trong năm 2019 để trợ giúp khu vực tư nhân. Nhà kinh tế học Robin Xing đến từ ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley nhận định số tiền thuế nước này cắt giảm dự kiến lên đến 800 tỉ nhân dân tệ (tương đương 119 tỉ USD). Tuy vậy, đi đôi với việc cắt giảm thuế có lợi cho doanh nghiệp tư nhân là mức doanh thu chính phủ giảm. Do đó, kích thích kinh tế TQ phát triển trong tương lai xa cũng bị ảnh hưởng do không đủ ngân sách chi trả.

Giảm thiểu rủi ro tài chính và phục hồi kinh tế hậu suy thoái là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ TQ tại thời điểm này. Cần lưu ý rằng một nguồn thu có lợi khác cho kinh tế TQ trong bối cảnh hiện tại là kinh doanh trái phiếu chính phủ. Chính phủ ông Tập tuyên bố sẽ tăng lượng trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong năm nay để chi trả cho cơ sở hạ tầng. Đây là nền tảng phục hồi kinh tế cho nước này trong năm 2019.

Chấm dứt nghèo đói

Tính đến năm 2019, TQ đã mở cửa cải cách kinh tế được 40 năm, giúp hàng trăm triệu người TQ thoát cảnh nghèo đói. Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong một thập niên trở lại đây, lượng người ở mức nghèo đã giảm từ 230,1 triệu người năm 2010 xuống còn 43 triệu người năm 2017, tương đương 81,3%.

Dù số người nghèo đã giảm đáng kể, nỗ lực của chính phủ TQ vẫn chưa thực sự hiệu quả khi đời sống người dân ở nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Quốc vụ viện TQ đã đặt mục tiêu xóa nghèo cho 10 triệu người năm 2019, hướng đến xóa nghèo triệt để năm 2020.

“Trong bối cảnh chính phủ nước này đối mặt với thương chiến Mỹ-Trung cũng như duy trì cán cân thương mại, kinh tế TQ năm nay dự kiến tăng trưởng chậm với nhiều lối thoát dự phòng” - hai nhà kinh tế Chang Shu và David Qu chia sẻ với Bloomberg.

Tỉ lệ nợ trên tổng GDP của Trung Quốc rất cao

Tỉ lệ nợ trên tổng GDP của TQ vẫn ở mức rất cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Phần lớn nợ tập trung tại các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhà nước tránh cắt giảm nhân sự. Các ngân hàng nhà nước trong năm 2018 gặp nhiều khó khăn khi chính phủ nước này cố gắng kìm hãm tỉ lệ đòn bẩy và đầu cơ tài chính, trấn áp ngân hàng ngầm, giảm tham nhũng và giao dịch bất hợp pháp.

 

Theo Bảo Ngọc

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm