1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

2005: Năm của đau thương

2005 là năm đặc biệt gây nhiều đau khổ cho nhân loại. Tấn công khủng bố và chống khủng bố, thiên tai, dịch bệnh chiếm lĩnh thông tin hàng đầu trên các phương tiện thông tin đại chúng phần lớn thời gian trong năm.

Ngay từ đầu năm, hình ảnh tử thi trôi bềnh bồng trên mặt biển và nhà cửa tan hoang ven các bãi biển các nước Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ v.v... vẫn đập mạnh vào mắt khán giả truyền hình khắp thế giới vì cơn sóng thần ngày 26/12/2004. Cuộc đếm xác vẫn tiếp diễn trong năm. Số nạn nhân sóng thần lên đến một con số khó tin nhưng có thật là 275.000 người.

 

Cơn thịnh nộ của đất trời

 

Hậu quả thê lương của trận động đất kèm sóng thần vào cuối năm trước tại một số nước ở ven biển Ấn Độ chưa kịp khắc phục thì hàng loạt thiên tai khác ập xuống.

 

27 cơn bão lớn trên Đại Tây Dương trong năm 2005 là một sự kiện xưa nay hiếm. Các nhà khí tượng học đã phải nhờ cậy thêm mẫu tự Hy Lạp để đặt tên cho những cơn bão sau khi dùng hết bộ chữ cái La tinh. Trong số những cơn bão này, cuồng phong Katrina - được hãng tin AP (Mỹ) xếp đầu danh sách 10 sự kiện hàng đầu năm 2005 - được xem là “sát thủ” ghê gớm nhất. Cuối tháng 8, nó biến thành phố New Orleans của Mỹ thành một thành phố ma vì tất cả dân cư (xấp xỉ nửa triệu sinh linh) phải sơ tán hết. Những gì còn lại là nhà cửa tan hoang, đường phố ngập chìm trong nước với những xác người, thú trôi lềnh bềnh. Trước khi tràn vào nước Mỹ, nó đã tàn phá hòn đảo thiên đường Cancun và một số nước ở vùng Vịnh Mexico, Trung Mỹ và biển Caribbee.

 

Sau Katrina còn có 2 cơn bão lớn khác là Rita và Wilma tấn công nước Mỹ gây thiệt hại tổng cộng hàng trăm tỉ USD. Hội chứng cuồng phong này đã dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt về hiện tượng trái đất ấm dần lên do con người hay do ông trời đỏng. Họ cũng đưa ra một nhận định mang tính tổng kết: 2005, năm nóng nhất, khô hạn nhất và có nhiều bão lớn nhất.

 

Nhân loại chưa cạn nước mắt vì sự khốn khổ của nạn nhân bão Katrina (hầu hết là người Mỹ da đen) thì 2 tháng sau đến lượt người Pakistan và Ấn Độ than khóc cho 87.000 người chết và hàng triệu người lâm vào cảnh nhà tan cửa nát vì trận động đất ngày 8/10 làm rung chuyển cả Nam Á. Những người còn sống sót giờ đây đang đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt và tính mạng bị đe dọa vì thiếu thốn lương thực, thuốc men.

 

Thiên tai khủng khiếp, dịch bệnh cũng khủng khiếp không kém. Virus H5N1 không chỉ hoành hành ở các nước châu Á. Theo cánh chim di trú, nó đã xuất hiện ở châu Âu, thậm chí ở châu Phi. Được mệnh danh là “siêu cúm”, cúm gia cầm làm các chuyên gia y tế ở Tổ chức Y tế Thế giới lo âu bởi khả năng lây từ người sang người tạo ra một trận đại dịch toàn cầu kiểu cúm Tây Ban Nha năm 1918, giết hại hàng chục triệu con người. Càng lo âu hơn nữa khi vắc-xin ngừa cúm và thuốc đặc trị Tamiflu đang thiếu trầm trọng.

 

Tai họa do con người

 

Đánh bom liều chết đã trở thành thứ vũ khí phổ biến nhất trong năm 2005. Chiến trường Iraq đóng vai trò đầu đàn trong chiến thuật đánh nhau này. Hầu như ngày nào cũng có một, hai vụ, giết hại ít thì 5-6 người, nhiều thì vài chục người, đa số là cảnh sát, quân nhân Iraq. Nhưng vụ nổi đình nổi đám nhất khiến cả thế giới chú ý là vụ tấn công xe điện ngầm và xe buýt ở thủ đô London ngày 7/7. Thương vong không lớn (52 khách đi đường chết và hàng trăm người khác bị thương), nhưng cuộc tấn công bằng ba lô cài bom của 4 thanh niên tín đồ Hồi giáo cực đoan này được coi giống như cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001.

 

Trong những tháng cuối năm, nhiều cuộc tấn công liều chết tiếp tục thu hút sự chú ý của công luận. Đảo Bali huyền diệu của Indonesia lại bị tấn công lần thứ hai. Thủ đô Ấn Độ-New Delhi, thủ đô Jordan - Amman - cũng bị rung động bởi những vụ tấn công khủng bố táo bạo.

 

CIA một lần nữa lại bị lên án khi báo chí Mỹ tiết lộ cơ quan tình báo khét tiếng này đang điều hành nhiều nhà tù bí mật ở một số nước Đông Âu để thẩm vấn những người tình nghi là Al-Qaeda bị Mỹ bắt được trên khắp thế giới. Vốn bị tai tiếng nhiều qua những vụ tra tấn, làm nhục tù binh tại nhà tù Abu Graib ở Iraq và Guantanamo, nhiều tổ chức nhân quyền nghi ngờ Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách tra tấn tù nhân ở ngoài nước Mỹ. Mặc dù Tổng thống Bush cử Ngoại trưởng Condoleezza Rice qua các nước châu Âu “giải độc”, một số chính quyền châu Âu vẫn nghi ngờ có chuyện mờ ám bèn mở cuộc điều tra, yêu cầu Washington và các nước cho phép Mỹ mở nhà tù làm rõ vấn đề.

 

Một thảm họa môi trường lớn khác được báo chí đưa tin dồn dập trong 2 tháng cuối năm là vụ đổ 100 tấn benzene và nitrobenzene độc hại xuống sông Tùng Hoa sau một vụ nổ nhà máy hóa chất ở tỉnh Cát Lâm khiến hàng triệu dân sống bên bờ sông gặp rất nhiều khó khăn về nước sạch. Sông Amur của Nga cũng bị vạ lây, khiến quan hệ ngoại giao Nga-Trung căng thẳng.

 

Theo Nguyễn Cao

Người lao động