1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

17 giờ hỗn loạn sau vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Iran thiệt mạng

Minh Phương

(Dân trí) - Khi các lực lượng ráo riết tìm chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi bị rơi, Iran cũng ra sức kiểm soát các mối đe dọa có thể xảy ra từ nước ngoài và nguy cơ bất ổn trong nước.

17 giờ hỗn loạn sau vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Iran thiệt mạng - 1

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức cấp cao tại lễ khánh thành con đập hôm 19/5, trước vụ tai nạn (Ảnh: EPA).

Trước khi lên chiếc trực thăng định mệnh, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, và phái đoàn quan chức cấp cao đã tổ chức một buổi cầu nguyện chung. Có người đề nghị ăn trưa, nhưng Tổng thống từ chối và nói rằng ông đang vội đến điểm đến tiếp theo.

Ông Raisi lên máy bay và ngồi bên cửa sổ. Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian dừng lại để chụp ảnh với đám đông trên đường băng.  

Khoảng 1h chiều ngày 19/5, đoàn gồm 3 trực thăng cất cánh từ một sân bay trực thăng ở biên giới Iran với Azerbaijan, với trực thăng chở Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Abdollahian bay ở giữa. Tuy nhiên, khoảng nửa giờ sau, trực thăng của Tổng thống mất tích.

Các cuộc gọi cho những người có mặt trên chiếc trực thăng của Tổng thống Raisi đều rơi vào im lặng cho đến khi có người trả lời. Đó là giáo sĩ Ayatollah Mohammad-Ali Al-Hashem. Ông nói: Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi đang cảm thấy đau đớn". Hai giờ sau, điện thoại của vị giáo sĩ này cũng không thể liên lạc được.

Khi cuộc tìm kiếm ráo riết kéo dài 17 giờ diễn ra, các quan chức chính phủ Iran bắt đầu nỗ lực tích cực để đề phòng các mối đe dọa có thể xảy ra từ nước ngoài và đặc biệt là tình trạng bất ổn trong nước.

Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, trấn an người dân trên truyền hình quốc gia rằng họ không cần phải lo sợ bất kỳ sự gián đoạn nào đối với an ninh đất nước.

Ở hậu trường, Iran phải đặt lực lượng vũ trang của mình trong tình trạng báo động cao, lo ngại rằng những đối thủ Israel hay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) có thể thực hiện các cuộc tấn công bí mật.

Họ chỉ đạo các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ tai nạn, kiểm soát luồng thông tin và cấm mọi ý kiến cho rằng Tổng thống đã qua đời. Họ đã triển khai các nhân viên an ninh mặc thường phục trên đường phố Tehran và các thành phố lớn khác để ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn. Trong khi đó, các đơn vị an ninh mạng của cảnh sát và cơ quan tình báo theo dõi chặt thông tin mà người dân đăng lên mạng xã hội.

Đó là thông tin được ghép lại từ lời kể của các quan chức cấp cao trong đoàn tháp tùng Tổng thống Raisi, thông cáo của chính phủ Iran, một số nhà ngoại giao và các báo cáo nguồn mở.

Chuyến bay định mệnh

17 giờ hỗn loạn sau vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Iran thiệt mạng - 2

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ rơi trực thăng (Ảnh: AFP).

Vụ rơi trực thăng xảy ra khi Tổng thống Raisi và đoàn quan chức cấp cao Iran trở về từ lễ khánh thành một con đập ở biên giới giữa Iran và Azerbaijan. Video được công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy khi 3 trực thăng chở họ cất cánh, trời u ám.

Các trực thăng đã bay theo lộ trình dự kiến nhưng ngay sau khi cất cánh đã gặp phải sương mù dày đặc tại một thung lũng với núi nhấp nhô.

Bộ trưởng giao thông vận tải Iran Mehrdad Bazrpash và Chánh văn phòng Tổng thống Gholam-Hossein Esmaili có mặt trên chiếc trực thăng dẫn đầu. Khi trực thăng vừa ló ra khỏi sương mù thì họ nhận thấy có sự náo động trong buồng lái.

Ông Bazrpash đã hỏi phi công chuyện gì đang xảy ra. Lúc này, họ nhận ra rằng đã mất dấu trực thăng chở Tổng thống và trực thăng đó cũng không phản hồi các cuộc gọi vô tuyến.

Phi công đã cho trực thăng quay đầu, bay lòng vòng quanh khu vực đó vài lần, nhưng vì sương mù hạn chế tầm nhìn và hạ độ cao ở thung lũng rất nguy hiểm, nên họ quyết định ngừng tìm kiếm.

Hai trực thăng sau đó hạ cánh gần một mỏ đồng ở tây bắc Iran, trong khi trực thăng chở Tổng thống Raisi vẫn bặt vô âm tín.

Ông Esmaili kể lại, ông đã gọi vào điện thoại của Tổng thống Raisi và tất cả những người có mặt trên chiếc trực thăng mất tích nhưng không ai trả lời.

Ông gọi vào điện thoại của phi công và cuối cùng có người trả lời, nhưng đó là giáo sĩ Al-Hashem. Giáo sĩ chỉ có thể nói rằng, ông đang ở giữa một rừng cây với những cây cối bị cháy đen và không nhìn thấy ai.

Những cuộc gọi sau đó, giọng của vị giáo sĩ này yếu ớt dần và 2 giờ sau, họ không còn liên lạc được với ông.

Ông Bazrpash đã gọi đến trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ quốc gia để biết tọa độ của trực thăng, nhưng các kỹ thuật viên ở đó chỉ có thể đưa ra ước tính về khu vực vụ tai nạn và vì địa điểm này quá xa nên họ không thể theo dõi tín hiệu điện thoại.

Sự hoảng loạn bắt đầu ập đến khi các quan chức trên các trực thăng khác nhận ra rằng máy bay của tổng thống đã bị rơi dữ dội và ông Raisi cùng những người khác trên máy bay bị thương nặng hoặc đã chết.

Họ báo tin về thủ đô Tehran và đề nghị triển khai các đội tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp. Tuy nhiên, đội cứu hộ cũng phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận khu vực tai nạn.

Ông Bazrpash và những người trong đoàn thậm chí không chờ đội cứu hộ, mà lên ô tô cùng người ở mỏ đồng đi tìm. Nhưng giữa sương mù, gió và mưa, họ buộc phải bỏ xe và đi bộ đến những ngôi làng gần đó, hy vọng người dân địa phương có thể giúp họ tìm ra địa điểm vụ tai nạn, song vô ích.

Ở Tehran, Phó Tổng thống Mohammad Mokhber thay mặt Tổng thống Raisi chủ trì cuộc họp nội các. Chỉ đến cuối cuộc họp, ông mới công bố thông tin về vụ tai nạn trực thăng của Tổng thống cho nội các.

Lãnh tụ Tối cao Khamenei là lãnh đạo đầu tiên được báo tin gần như ngay sau khi trực thăng của Tổng thống mất tích. Ông triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc Gia. Lúc này truyền thông Iran mới đưa tin trực thăng của Tổng thống Raisi hạ cánh khẩn cấp.

Iran cần máy bay không người lái tiên tiến để xác định vị trí trực thăng rơi nhưng hiện chúng đang triển khai ở Biển Đỏ, nên Iran phải nhờ sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, cuối cùng, một máy bay không người lái Iran trở về từ Biển Đỏ đã tìm thấy nơi trực thăng rơi.

Sáng 20/5, Iran xác nhận toàn bộ 9  người trên trực thăng chở Tổng thống Raisi đã thiệt mạng.

Giới chức Iran cho biết, chiếc trực thăng đã phát nổ, tạo thành một quả cầu lửa sau khi đâm vào núi. Kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy không phát hiện dấu hiệu vết đạn trên thân trực thăng.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu các quy trình an ninh có được tuân thủ hay không và tại sao Tổng thống Iran lại di chuyển bằng máy bay trong điều kiện thời tiết xấu như vậy.

Theo New York Times