1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

13 bang của Mỹ kiện TikTok vì làm thanh, thiếu niên bị nghiện

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các bang và đặc khu của Mỹ cáo buộc TikTok không bảo vệ hiệu quả thanh, thiếu niên và đã đâm đơn kiện mạng xã hội này.

13 bang của Mỹ kiện TikTok vì làm thanh, thiếu niên bị nghiện - 1

TikTok là một trong những mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh chóng trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Mười ba tiểu bang Mỹ và Đặc khu Columbia đã nộp đơn kiện mạng xã hội video TikTok vì cáo buộc không bảo vệ được thanh thiếu niên và xuyên tạc tuyên bố về cam kết đảm bảo an toàn công cộng.

Các vụ kiện, được đệ trình riêng rẽ vào ngày 8/10 tại các tiểu bang khác nhau, cáo buộc TikTok cố tình sử dụng phần mềm, thuật toán khiến người dùng bị nghiện và yêu cầu công ty phải chịu hình phạt tài chính.

Tổng chưởng lý New York Letitia James, người đồng dẫn đầu nỗ lực này cùng với người đồng cấp California, cho biết: "TikTok tuyên bố rằng nền tảng của họ an toàn cho người trẻ, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng".

"Ở New York và trên khắp cả nước, nhiều người trẻ đã tử vong hoặc bị thương khi thực hiện các thử thách nguy hiểm trên TikTok và nhiều người khác cảm thấy buồn bã, lo lắng và chán nản hơn vì tính năng gây nghiện của TikTok", bà cho biết.

Vụ kiện  nhằm vào các tính năng của TikTok, như bộ lọc làm đẹp và thông báo đẩy, mà theo các bang là "khiến người dùng sử dụng một cách cưỡng chế và quá mức".

Illinois, Kentucky, Louisiana, Massachusetts, Mississippi, New Jersey, North Carolina, Oregon, South Carolina, Vermont và tiểu bang Washington cũng đã đệ đơn kiện vào hôm 8/10. Các tiểu bang khác, bao gồm Utah và Texas, đã khởi xướng các vụ kiện tương tự trong quá khứ.

Mạng xã hội trên bị cáo buộc đặt tương tác lên trên sự an toàn của công chúng thông qua nội dung gây nghiện để tối đa hóa doanh thu quảng cáo.

TikTok, ứng dụng có hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, cho biết nhiều tuyên bố được đưa ra là "không chính xác và gây hiểu lầm" và ứng dụng vẫn "cam kết sâu sắc với công việc chúng tôi đã thực hiện để bảo vệ thanh thiếu niên".

Đây là rắc rối pháp lý mới nhất mà TikTok phải đối mặt. Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cho TikTok 9 tháng để thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ.

Theo đạo luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng hoặc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.

Mỹ và các quan chức phương Tây khác cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội này cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. Cả TikTok và ByteDance đều nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Washington "tận dụng quyền lực nhà nước" chống lại ByteDance. Ông Uông cũng cảnh báo lệnh cấm được đề xuất "chắc chắn sẽ quay trở lại gây tổn hại cho Mỹ" vì nó sẽ làm tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư vào Mỹ.

Theo SCMP