1% người giàu nhất nắm 82% tổng tài sản thế giới trong năm qua
(Dân trí) - Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Oxfarm đã kết luận 82% tổng tài sản thế giới làm ra trong năm qua "đổ vào túi" 1% người giàu nhất, dấu hiệu cho thấy chênh lệch giữa giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới ngày càng gia tăng.
Tổ chức phi chính phủ Oxfarm có trụ sở ở Anh, là tổ chức hoạt động nhằm tìm giải pháp lâu dài cho hiện tượng nghèo đói và bất công trên toàn thế giới. Báo cáo về năm 2017 của Oxfarm đã kết luận 1% người giàu nhất thế giới nắm 82% tổng tài sản thế giới làm ra trong năm qua, trong khi những người nghèo nhất thế giới vẫn không có gì thay đổi.
Tổ chức này cho rằng nguyên nhân của tình hình trên là do nạn trốn thuế, ảnh hưởng của doanh nghiệp với hệ thống chính sách, sự sụt giảm trong việc bảo đảm quyền lợi người lao động và cắt giảm chi phí.
Oxfarm đã bắt đầu làm những báo cáo tương tự trong vòng 5 năm qua. Năm 2017, tổ chức này kết luận 8 người giàu nhất thế giới có tổng tài sản tương đương với một nửa người nghèo nhất thế giới. Năm nay, báo cáo cho biết 42 người giàu nhất thế giới có tài sản bằng tài sản của một nửa người nghèo nhất thế giới cộng lại, đồng thời điều chỉnh lại số liệu năm 2017 thành 61. Oxfarm khẳng định việc sửa đổi là do sự cập nhật trong số liệu, nhưng khẳng định xu hướng “bất bình đẳng gia tăng” vẫn hiện diện.
Giám đốc điều hành Oxfarm Mark Goldring cho biết việc điều chỉnh kết quả báo cáo dựa trên “số liệu chính xác nhất vào thời điểm đó”.
“Bạn có nhìn vào số liệu bằng cách nào đi nữa, mức độ bất bình đẳng như vậy là không thể chấp nhận được”, ông Goldring chia sẻ.
Theo BBC, việc điều tra khoảng chênh lệch giữa giới siêu giàu và tầng lớp siêu nghèo là một nhiệm vụ khá khó khăn do giới siêu giàu thường có xu thế không công khai tài sản và nhiều quốc gia nghèo vẫn có rất ít thống kê về tầng lớp người nghèo.
Nhưng dù con số có là 8, 42, 61 thì việc những cá nhân này có tổng tài sản bằng 1 nửa dân số thế giới cộng lại cũng thể hiện sự chênh lệch giàu nghèo quá rõ ràng giữa các nhóm đối tượng.
Khoảng 72% trong số 70.000 người được khảo sát tại 10 nước cho biết họ mong muốn chính phủ khẩn trương giải quyết vấn nạn chênh lệch giàu nghèo.
Tuy nhiên, chuyên gia Mark Littlewood, tổng giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Kinh tế (IEA) ở Anh, cho rằng tổ chức Oxfam bị ám ảnh bởi người giàu hơn là người nghèo. Theo ông Littlewood, việc tăng thuế hay phân bố lại tài sản không giúp ích được nhiều cho người nghèo vì tài sản không phải là cố định.
Theo ông Sam Dumitriu, người đứng đầu Viện nghiên cứu Adam Smith (Anh) cho rằng số liệu Oxfarm đưa ra đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh sai lầm, nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng toàn cầu đã giảm đáng kể trong vòng vài thập niên qua.
Đức Hoàng
Theo BBC