Tết mưa rét uống rượu "cho ấm": Nguy hiểm nhân đôi
(Dân trí) - Tết mưa rét, rượu trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều người khi chúc Tết với quan niệm "uống cho ấm".
Uống rượu "cho ấm" lại càng dễ nhiễm lạnh
Không khí lạnh tăng cường khiến miền Bắc duy trì trạng thái rét buốt về đêm và sáng trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tết mưa rét, rượu trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều người khi chúc Tết với quan niệm "uống cho ấm".
Tuy nhiên dưới góc độ khoa học, đây là quan niệm hết sức sai lầm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe.
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cơ thể người khi tiếp xúc với môi trường lạnh sẽ tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt.
Ở người bình thường, khi gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại, mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da.
"Sau khi uống rượu sẽ có cảm giác toàn thân nóng lên. Đó là do cồn làm cho cơ thể tỏa nhiệt năng sẵn có trong cơ thể. Như vậy, thực chất người uống rượu đang bị mất nhiệt nhanh hơn, thay vì được "sưởi ấm" như lầm tưởng.
Sau khi hết rượu, do đa phần nhiệt lượng đã tỏa ra ngoài, làm cho toàn thân lạnh nổi gai ốc, dẫn đến hậu quả bị lạnh sau khi uống rượu", BS Mạnh cho hay.
Ngoài ra, đối với người bệnh tăng huyết áp, nếu lạm dụng rượu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt khi trời rét.
"Khi uống rượu bia, các mạch máu sẽ giãn ra và nếu gặp thời tiết lạnh sẽ làm co mạch máu gây các cơn tăng huyết áp dễ dẫn đến đột quỵ não. Vì vậy người bệnh tăng huyết áp nên kiêng uống rượu bia", BS Mạnh cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, dịp Tết, các đấng mày râu khó có thể tránh khỏi hoàn toàn việc uống rượu bia. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần phải biết kiểm soát lượng bia rượu nạp vào cơ thể ở mức vừa phải.
Mỗi người chỉ nên uống tối đa 2 đơn vị cồn mỗi ngày. Mức này tương đương với 350ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.
"Trong các cuộc nhậu ngày Tết, nếu phải uống rượu nhiều, mọi người có thể uống kèm thêm một cốc nước chanh, nước hoa quả. Biện pháp này giúp hạn chế mệt mỏi sau chầu rượu, tăng sức đề kháng", BS Mạnh phân tích.
Làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu?
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, kỹ năng xử lý ban đầu khi người thân bị ngộ độc rượu là rất quan trọng, để tình trạng không bị diễn biến nặng lên và có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể tổng kết những nguyên tắc chăm sóc, sơ cứu cho người say rượu, ngộ độc rượu như sau:
-Cần đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên để hạn chế việc bệnh nhân khi nôn, trớ ra lại hít vào phổi. Đồng thời, tư thế nằm này cũng giúp hạn chế hiện tượng tụt lưỡi.
-Thực hiện các biện pháp ủ ấm, bởi người say rượu, ngộ độc rượu rất dễ bị mất nhiệt.
-Trong trường hợp bệnh nhân có thể ăn được thì nên cho bệnh nhân ăn, chú ý bổ sung thêm gluxit, các chất đường bởi bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất dễ bị tụt đường huyết do bản thân rượu gây ra.
Đặc biệt, với những người gầy yếu, suy dinh dưỡng thì nguy cơ tụt đường huyết lại càng cao.
- Một biện pháp cũng rất quan trọng chính là bù nước và bù muối cho bệnh nhân. Khi say, người ta thường nôn nhiều, vã mồ hôi, không ăn được dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải.
Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả và dễ thực hiện ngay tại nhà chính là cho uống nước hoa quả, uống nước chanh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối…
- Người bị ngộ độc rượu, tùy theo thể trạng, mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần đặc biệt theo sát để đề phòng các biến chứng, diễn biến xấu xảy ra, nhằm có biện pháp đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.