Về miền Tây tát đìa ăn Tết
(Dân trí) - Từ bao giờ, tát đìa ăn Tết đã trở thành "nghi thức" kết thúc một năm của người miền Tây sông nước. Khi con nước cạn, gió bắc thổi lao xao là lúc người ta hò nhau tát đìa ăn Tết.
Tát đìa ăn Tết giờ là quà cho con cháu phương xa
Hôm nay nhà ông Tư (85 tuổi, xã Bình Thới, huyện Bình Đai, Bến Tre) tát đìa. Cái đìa rộng ngót 2 công đất, sâu hơn một thước nên dù bắt đầu bơm từ tinh mơ nhưng phải chừng đến trưa mới cạn. Tiếng máy nổ inh ỏi, mấy người họ hàng đi quanh đìa dọn cỏ, dọn chà và nhét bọng.
Hơn chục đứa cháu của ông Tư từ thành phố về cứ chạy vòng quanh trên bờ đìa chỉ trỏ rối rít. Trong lán cạnh bờ đìa, hàng xóm láng giềng ngồi chờ nước cạn bằng dăm ba câu chuyện, uống ngụm trà, ăn chiếc bánh phồng mà bà Tư chuẩn bị sẵn.
"Ngày xưa đìa nhiều thì sau rằm tháng Chạp là bắt đầu tát rồi, giờ chỉ còn một cái nên năm nào cũng thế, phải chờ con cháu về đầy đủ mới bắt đầu tát. Tát đìa vừa để bắt con cá chép ưng ý nhất cho ngày mai 23 tháng chạp cúng ông Công ông Táo về trời, vừa để cho lớp nhỏ được thỏa thích bắt cá, được sống đúng chất miền Tây sông nước", ông Tư nói với láng giềng.
"Kể ra lớp nhỏ bây giờ hơn mình nhiều thứ nhưng đâu có được cá tôm thỏa thích như anh em mình khi xưa. Hồi đó mà tầm tháng này là vần công tát đìa cả tháng, cá lóc to như bắp chân bắt không hết", một người tiếp lời ông Tư rồi cả lán phá lên cười vui vẻ.
Ngày xưa tát đìa bằng gàu dai khác bây giờ, nhưng cách bắt cá thì vẫn giữ nguyên không thay đổi. Những con cá lóc "khôn ngoan" khi vừa thấy nước động liền leo lên những bụi cỏ ven bờ trốn đã vô tình bị bắt trước tiên và nhanh chóng trở thành món cá lóc nướng.
Mọi người đi kiểm tra bờ đìa một vòng rồi quay lại là lúc cá vừa chín tới. Cá lóc nướng trui là phải ăn bốc bằng tay, đựng trên tấm lá chuối mới đúng vị miền Tây. Cá nướng đủ cho tất cả mọi người, bọn nhỏ cũng đến bốc ăn như các ông, các bác.
Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, cái đìa sâu cũng dần phơi đáy, cá dồn thành từng ổ không ngừng phóng đuổi nhau lòi cả sống lưng nhìn đã mắt. Mọi người phấn khởi vì năm nay đìa lại "trúng". Liên tiếp những cần xé lớn đựng đầy cá được kéo lên.
Giây phút mà mấy đứa cháu của ông Tư chờ cả buổi sáng đang đếm ngược, đứa nào cũng chỉ chờ người lớn cuối cùng bước lên khỏi đìa là lao nhanh xuống "bắt hôi", vẻ mặt vô cùng hớn hở, sung sướng.
Không ít con cá to còn sót lại, cá trườn đằng trước là những đứa trẻ lập tức đuổi đằng sau. Mỗi lần một đứa giơ lên cao một con cá to là cả đám cùng hò reo thích chí.
"Năm nay lại trúng, có khi còn nhiều cá hơn năm ngoái, phải đến hơn 2 tạ cá chứ không ít", ông Tư vừa nói vừa phấn khởi nhìn những cần xé đầy cá. Chính tay ông lựa ba con cá chép ưng ý nhất để cúng ông Công ông Táo.
Những con cá chép, cá trê cá mè vinh, cá rô, cá sặc, tôm bạc, tôm đất được chia thành từng bọc vừa để trả công cho những người đến hộ, vừa để làm quà cho những nhà bà con, họ hàng trong ấp. Còn bao nhiêu bà Tư gọi thương lái đến cân bán lấy tiền mua hoa, mua đồ sắm tết.
Những con cá lóc ngon nhất sẽ được lựa để chủ khách, con cháu ăn một bữa thỏa thích. Hơn 10 còn cá lóc nặng chừng một ký được nhốt lại trong một bể nước cạn dành làm cỗ tết.
Trong nhà vừa "xử lý" xong chỗ cá thì mười mấy đứa cháu cũng lũ lượt kéo vào, đứa nào đứa nấy đều lấm lem bùn đất, có đứa ngã xuống bùn từ đầu đến chân không còn chỗ nào sạch sẽ. Đứa nào bắt được cá thì chen lên hàng đầu để khoe chiến lợi phẩm của mình.
"Thằng Hai cá đâu, sao bùn từ đầu đến chân mà tay không là sao vậy. Rồi thằng Ba nữa, năm nay không bắt được con nào à, thôi cả bọn kéo nhau ra kênh tắm cho sạch đi rồi vào ăn trưa", giọng bà Tư to như đang quát nhưng tuyệt nhiên ai cũng hiểu là bà chẳng mắng ai cả, những đứa trẻ thì cười khì xong lại kéo nhau đi.
Dù tát đìa bây giờ đơn giản, chỉ một hai người là làm được nhưng trong bữa nhậu ông Tám (hàng xóm ông Tư) vẫn có lời "nhờ" mọi người ngày mai qua hộ gia đình. Tất nhiên những người có mặt ai nấy cũng đều vui vẻ đồng ý.
"Cứ thế từ ngoài 20 tháng Chạp cho đến sát tết, nhà này nối tiếp nhà kia tát đìa. Ngày xưa ông cha là phải tát đìa để có con cá, con tôm ăn tết. Còn mình bây giờ là tát đìa để làm quà cho con cháu từ phương xa về được sống lại cảnh quê, để lưu giữ cái truyền thống miền Tây sông nước", ông Tư nói.
Kỷ vật và kỷ niệm
Trong nhà ông Tư vẫn còn chiếc gàu dai như kỷ vật của một thời vất vả. Chiếc gàu đan bằng tre trông như một cái nồi gang rộng miệng đã nằm im cho nhện làm tổ từ mười mấy năm nay.
Ông Tư kể, hồi còn nhỏ ông theo ba mẹ từ vùng Đồng Tháp xuôi theo sông Tiền đến đây. Thời ấy cả nhà ông đi tìm vùng đất hứa trên chiếc thuyền ba lá, ba ông chỉ mang theo một con dao, một cái cuốc, một cái nồi và chiếc gàu dai.
Ông Tư nói hồi mới đến đây chỉ bắt cá trời để sống, không có gàu tát nước thì sao sống được, rồi khi có ruộng cái gàu lại để tát đìa. Nhưng đến giờ khi cái cuốc, cái nồi vẫn còn dùng thì cái gàu lại nằm im một chỗ vì đã có máy bơm thay thế, dù vậy ông Tư cũng không nỡ vứt đi.
Trong ký ức của ông Tư, hồi mới về đây quanh vùng chỉ là đầm hoang vắng vẻ, lâu dần người về nhiều mới lập nên làng ấp. Đất rộng, mỗi nhà tự chọn lấy một chỗ, đắp bờ thành một khoảnh ruộng. Nhà nào có nhiều người, có sức thì đắp khoảnh ruộng to, bờ cao, nhà nào neo người thì làm ruộng bé. Những chỗ được đào sâu để lấy đất đắp bờ tạo thành một con mương chạy quanh ruộng gọi là đìa.
Đắp bờ xong rồi thì sẽ chọn góc thuận tiện đi đến xóm giềng nhất trong 4 góc ruộng để dựng nhà. Thường nhà nào trong ấp cũng được làm chìa ra mặt đìa một khoảng để thuận tiện rửa chân tay, nông cụ. Dần dà cái đìa trở nên một phần không thể thiếu của cái nhà ở miền Tây, có khi ruộng không phải đắp bờ nhưng người ta cũng đào một ô đất sau nhà để làm đìa.
"Ngày xưa cá trời nhiều vô kể, lúa mỗi năm trồng một vụ, chừng tháng 10 là gặt xong thì mở cửa đìa cho cá ngoài sông vào ở. Chờ con nước cạn sau rằm tháng Chạp thì tháo nước cho cá dồn vào đìa rồi tát. Cuối tháng chạp là lúc cá tôm nhiều nhất, to nhất và cũng là lúc cần bắt để làm cỗ Tết.
Tiễn ông Công ông Táo xong là trong ấp bắt đầu "vần công", nay tát đìa nhà này thì mai tát đìa nhà khác. Ngày cùng nhau tát đìa, đêm cùng nhau ngủ ngoài ruộng, đốt lửa nướng cá, bọn trẻ con thì vui vầy", mắt ông cụ ngoài tám mươi sáng lên như ngày trai trẻ khi nhớ về ký ức xa xưa.
Ngày xưa mọi người tát đìa bằng gàu dai, chỉ có 2 người cầm gàu dai tát từng gàu nên trong ấp phải hộ nhau, người này mệt thì người kia thay. Có những cái đìa lớn phải tát mấy ngày mới cạn.
"Trước đây mỗi khi trong ấp có một nhà tát đìa là cả ấp như có hội. Ban ngày mọi người cùng nhau tát nước, ban đêm thì đốt lửa ngồi nói chuyện trên bờ ruộng đến khuya mới về. Trẻ con được dịp cùng nhau nô đùa, lấm lem bùn đất mà không sợ mẹ mắng.
Một nhà tát đìa là cả ấp có cá ăn, thế nên láng giềng mới khăng khít, tát đìa ăn tết lâu ngày thành truyền thống", ông Tám nhớ lại những ngày thơ cũng đi "bắt hôi" tát đìa vui vầy với lũ bạn trong ấp.
Giờ đây cuộc sống đổi thay, thanh niên cùng quê đi xa không hẹn nhau về ăn tết mà hẹn về tát đìa. Cá đìa như đặc ân vùng sông nước, cứ sau mỗi mùa con nước nổi, con cá lại lớn, lại quẫy nước nhắc những đứa con xa xứ nhớ đến quê hương.